Điện Biên: Giá trị văn hóa đặc sắc trong lễ Kin Pang Then

Lễ Kin Pang Then là di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền qua nhiều đời của người dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay. Ðây không chỉ là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của nhóm Thái trắng địa phương, mà còn chứa trong đó các loại hình văn hóa đặc sắc khác nhau như: Nghệ thuật diễn xướng đàn tính hát then, văn học dân gian, nghệ thuật múa xòe...

king pa then

Thầy mo Vàng Văn Thức hát then trong lễ Kin Pang Then

Người dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung và người Thái trắng ở thị xã Mường Lay nói riêng đều quan niệm có 3 tầng trời, một tầng là nơi ở của các then, tầng thứ hai là nơi ở của các phi, tức linh hồn người đã chết và trần gian là nơi ở của con người. Họ cũng quan niệm con người tồn tại là nhờ có linh hồn trong thể xác. Nếu linh hồn rời khỏi thể xác thì con người sẽ ốm đau, bệnh tật và không thể tồn tại trên cõi đời. Bởi những quan niệm ấy mà họ luôn chú ý chăm lo cho phần hồn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác nhau. Với cộng đồng người Thái trắng thị xã Mường Lay, lễ Kin Pang Then là nghi lễ tín ngưỡng quan trọng, được các thầy mo, thầy then, những người chuyên chăm lo phần hồn cho cộng đồng tổ chức.

Gia đình nghệ nhân dân gian Vàng Văn Thức ở bản Na Nát (phường Na Lay, thị xã Mường Lay) có truyền thống làm then từ nhiều đời nay. Nghề làm then được ông ngoại truyền cho mẹ ông, tới mẹ ông lại trao truyền cho ông. Theo lệ thường, cứ 3 năm một lần vào các ngày từ 12 đến 15 tháng 1 âm lịch, thầy then Vàng Văn Thức lại tổ chức lễ Kin Pang Then. Trước ngày lễ này, thầy then mời khắp các con nuôi và bà con dân bản về dự, để khấn xin các then trên trời phù hộ cho cộng đồng được khỏe mạnh, no ấm và gọi hồn người mải vui xuân đâu đó trở về nhà. Xưa kia thầy mo, thầy then người Thái không chỉ học các nghi thức cúng lễ, học hát then, mà còn học các phương thuốc bí truyền để chữa bệnh cho bà con dân bản. Những người được truyền nghề hoặc được chữa lành bệnh nhận làm con nuôi của thầy. Cứ vào dịp lễ Kin Pang Then, các con nuôi đều đến làm lễ tạ ơn thầy then.

Chiều ngày 12 tháng giêng, mọi người đã tập trung tại nhà thầy then để chuẩn bị đồ lễ. Cây pang được dựng lên đầu tiên và được trang trí thật rực rỡ. Chị Lường Thị Quý ở bản Ta Pao, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) là người học trò thứ ba của thầy then Thức. Năm nào thầy Thức tổ chức lễ chị cũng về từ rất sớm. Chị chia sẻ: “Thầy là người dạy cho mình, truyền cho mình cách thức làm các nghi lễ, mình gọi là thầy là nuôi. Từ ngày xưa các cụ truyền lại, chuẩn bị lễ Kin Pang Then thì mình là học trò phải về giúp thầy chuẩn bị lễ, trang trí cây pang và dâng lễ tạ ơn. Tục lệ từ ngày xưa là phải như thế.” 

Chuẩn bị cho lễ Kin Pang Then, cây pang phải được trang trí đầu tiên. Thầy then nhờ người chặt cây pang trên rừng về. Cây pang phải có cành lá tươi tốt, ngọn cây cao gần chạm mái nhà. Ðể trang trí cây pang, gia chủ dùng hoa chuối và nhiều loại hoa màu sắc rực rỡ cắm xung quanh gốc cây. Trên cành lá pang họ treo 3 quả trứng bọc sợi len đỏ, treo những quả còn sặc sỡ trên cao, quả bầu thắt nơ đỏ và mô hình trống đan bằng len. Họ cũng nhiều mô hình đồ vật, con vật gấp bằng giấy như: mô hình chim én, con ếch, con cá, bông sen. Những cây chuối rừng loại nhỏ và những cây măng mới nhú mập mạp, được gia chủ mang về bọc giấy màu xếp quanh gốc pang. Cây pang tươi tốt, rực rỡ, thể hiện ước mơ của người dân bản Thái về một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, con người có cuộc sống ấm no, sung túc. Vào ngày lễ Kin Pang Then, ban thờ các then và thờ người truyền nghề đã khuất cũng được gia chủ trang trí lộng lẫy. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, các con nuôi của thầy then và bà con dân bản đã về đông đủ, thầy then sẽ bắt đầu nghi thức tế lễ.

Vào buổi sáng của ngày 13 âm lịch, thầy then và người phục vụ mặc trang phục lễ chỉnh tề, thắp hương lên ban thờ xin phép các then và tổ tiên cho được tổ chức lễ Kin Pang Then. Thầy then ngồi phía dưới ban thờ then gốc, dùng đàn tính vừa đàn, vừa hát trường ca Lên chơi mường trời để mời các then trên trời về dự lễ. Người phụ tá ngồi bên thầy lắc quả nhạc, phục vụ rượu, nước và chỉnh trang phục cho thầy. Trong khi thầy then hát, các con nuôi của thầy mang lễ vật có xôi, gà, bánh kẹo, rượu dâng lên ban thờ then. Thầy then cũng hát báo cáo việc mình chữa bệnh cứu người như thế nào và đọc tên từng con nuôi tới dâng lễ tạ ơn.

Trong lễ Kin Pang Then, hát then đàn tính vừa là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian đặc sắc. Bài hát then thực tế là một trường ca hát kể về đường lên mường trời. Thầy then khi thì cưỡi voi, khi cưỡi ngựa, điều binh khiển tướng băng qua những cánh rừng rậm gai góc, qua những ngọn núi cao dựng thành vách, qua các con sông sâu đẩy nguy hiểm để lên mường trời mời các then về dự lễ. Qua bài hát then chúng ta thấy được thế giới quan, nhân sinh quan người Thái và cũng thấy phảng phất hình ảnh cuộc đấu tranh của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt và dữ dội. Trường ca Lên chơi mường trời và những bài hát then được các thế hệ người Thái trắng yêu mến, truyền nối, kế tục từ đời này sang đời khác qua lễ Kin Pang Then theo cách này.

Không chỉ chứa đựng tập quán tín ngưỡng, nghệ thuật diễn xướng đàn tính hát then và thơ ca dân gian, lễ Kin Pang Then còn là dịp để chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các vũ điệu dân gian dân tộc Thái. Khi buổi lễ kết thúc, thầy then hát tiễn các then về mường trời, hát gọi vía người trần còn mải chơi xuân đâu đó mau trở về nhà. Lúc này, đội múa xòe quàng khăn nhiều màu đến trước cây pang múa các điệu múa cổ tiễn mùa xuân, tiễn các then về trời. Các điệu múa thường được biểu diễn trong lễ Kin Pang Then là các điệu xòe cổ của người Thái trắng như: Xòe quát bó héo, xòe vòng. Ngày nay đồng bào sáng tạo thêm các điệu múa quạt, múa khăn mềm mại, duyên dáng. Lễ Kin Pang Then chứng minh cho chúng ta thấy từ xa xưa, múa xòe dân tộc Thái từng ra đời phục vụ các nghi thức tín ngưỡng dân gian. Nay phong tục này vẫn còn được lưu truyền, trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái. Trong lễ Kin Pang Then, đồng bào Thái Mường Lay còn chơi các trò chơi như: Tung còn, trâu húc nhau. Ðây cũng là các trò chơi có ý nghĩa biểu tượng, thể hiện ước mong một năm nhiều may mắn, sản xuất được thuận lợi, con người được mạnh khỏe, an vui. 

Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015. Nghệ nhân Vàng Văn Thức, người thực hành các nghi lễ then và nghệ thuật diễn xướng dân gian, đàn tính hát then ở Mường Lay cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Lễ Kin Pang Then được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bởi nghi lễ này không chỉ là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác nhau của người Thái trắng.