Diễn viên Bá Anh “Thương ngày nắng về”: Ly hôn hay kết hôn đều là “duyên”

Tôi không đặt ra người phụ nữ phải như thế này thế kia. Sống với nhau vài chục năm không hợp thì buông tay nhau để sống thư thái, chứ đừng tổn thương nhau, làm nhau buồn và để các con chứng kiến những cảnh buồn đau của bố mẹ.

Diễn viên Bá Anh quen mặt với khán giả truyền hình qua nhiều bộ phim như: Sóng ở đấy sông, Ngã ba thời gian, Đừng đùa với thời gian, Hà Nội mùa đông năm 1946, Đi qua ngày biển rộng, Sống mãi với thủ đô, Bí mật Eva, Sinh Tử, Trở về giữa yêu thương...Đặc biệt trong phim "Những ngọn nến trong đêm" với văn Văn nghiện, Bá Anh đã khiến khán giả nhớ mặt, thuộc tên. Và đây cũng là vai diễn tạo bước ngoặt quan trọng đối với diễn viên Bá Anh. Trước đó, Bá Anh hầu như luôn đóng các nhân vật tốt nhưng đến vai Văn có thể xem là một cuộc cách mạng của Bá Anh khi đóng vai phản diện.

Bá Anh trở lại trong phim "Thương ngày nắng về" với vai cậu Vượng như một làn gió mới, tràn đầy sự hài ước, dí dỏm. Bá Anh đã diễn trọn vai, thể hiện một màu sắc mới trong sự nghiệp diễn xuất. Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn với diễn viên Bá Anh về những trăn trở trong sự nghiệp và cuộc sống hiện tại. 

Vai cậu Vương như nét chấm phá, tươi mát trong “Thương ngày nắng về”

PV: Nhiều khán giả nhắc đến Bá Anh là nhớ tới anh Văn trong phim “Những ngọn nến trong đêm”, chứng tỏ Văn vẫn là vai diễn để đời của anh?

Bá Anh: Thật ra tôi cũng vào nhiều vai dù không phải chính nhưng cũng để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Năm 2010 - 2011 tôi có tham gia một loạt phim như “Trần Thủ Độ”, “Huyền sử Thiên Đô” là những phim rất là dài tập, sau đó là series “Bí mật Eva” trên truyền hình. Ngoài ra tôi còn tham gia công việc chính ở nhà hát bởi đấy là nơi mình sinh ra. Nhà hát là gốc.

Tôi luôn luôn đau đáu phải làm để tri ân nơi đã cho tôi cất cánh đam mê và tri ân những thế hệ đàn anh, đàn chị ở nhà hát như anh Chí Trung, chị Lê Khanh, chị Lan Hương, anh Anh Tú là những người đã làm vẻ vang cho Nhà hát. Rồi đến thế hệ tôi có Vân Dung, Đức Khuê, Anh Tuấn, Nguyệt Hằng cũng là những gương mặt tiêu biểu thành công của Nhà hát Tuổi trẻ. Hay các em thế hệ sau cũng rất là giỏi như Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Đỗ Duy Nam, Bảo Thanh. Cả 1 thế hệ các bạn ấy tiếp bước rất tốt. Tôi muốn rằng những gì phát huy được của truyền thống Nhà hát Tuổi trẻ dành cho giới trẻ. Và đặc biệt là khi diễn viên Nhà hát đi làm phim vẫn giữ được chất lượng tốt nhất cho khán giả nhưng vẫn giữ được hình ảnh của Nhà hát Tuổi trẻ.

Diễn viên nhà hát đi diễn bảo đảm chất lượng tốt chứ không làm mù mờ được. Tôi thấy rằng Nhà hát Tuổi trẻ đã đưa được những diễn viên tham gia truyền hình và được VFC chắp cánh để đến gần hơn với khán giả, người xem ở mọi vùng miền, mang được những cái gửi gắm của giới nghệ sĩ, của nền nghệ thuật nước nhà.

PV: Việc đến gần hơn với khán giả sẽ thúc đẩy anh cũng như các đồng nghiệp say mê hơn với các vai diễn?

Bá Anh: Tôi không phân biệt vai diễn lớn hay nhỏ. Mỗi vai diễn đều có giá trị riêng. Điều chúng tôi thấy vui là đã góp phần nho nhỏ đưa khán giả đến với phim truyền hình. Bây giờ nói đến phim truyền hình thì mọi người đều rất thích, đều chờ đón xem vào khung giờ vàng của VTV.

Khác hẳn cách đây mấy chục năm khán giả không mấy mặn mà bởi có nhiều mối quan tâm khác. Còn bây giờ thì truyền hình Việt Nam đã chiếm được lòng tin của khán giả và tôi nghĩ những phim của nước ngoài không chen được vào, vì phim Việt mang tâm hồn của người Việt, khán giả sẽ cảm thấy ở đâu đó trên phim giống với ngoài đời thực của mình.

PV: Trở lại với phim truyền hình “Thương ngày nắng về”, vai diễn này mang đến cho Bá Anh một màu sắc tươi mới?

Bá Anh: Tôi tham gia 1 vai nhỏ trong “Thương ngày nắng về”. Vai diễn này màng màu sắc riêng trong bộ phim và hy vọng sẽ có góc nhìn tươi mới, vui, hóm hỉnh, hài hước để làm nhẹ đi những gian truân, buồn đau, làm cho bộ phim đáng yêu, nhẹ nhõm, dễ chịu và thi ca hơn.

Khi nhận được kịch bản phim, tôi phải bàn rất kỹ với đạo diễn về từng cảnh quay và đều được ủng hộ. Ngay từ đầu khi đọc kịch bản, tôi đã hình dung nhân vật này rất thơ văn nên cũng nhờ những bạn biên kịch thêm thắt những mẩu thơ, những câu vè và ngược lại thì tôi cũng phải tự tìm thêm những đoạn thơ, đoạn vè để đưa vào cho nó thú vị hơn, dễ chịu hơn. Chứ giờ cứ một màu đau khổ, khóc lóc, thì sẽ nặng nề khiến khán giả mang theo tâm thế buồn. Những chấm phá hay, tươi mát chính là nguồn năng lượng tốt và nhân vật của tôi là sự tươi mát đó.

Kịch bản của “Thương ngày nắng về” mang tính nhân ái rất cao, mọi giông tố đến và sẽ đi, nhưng tình người sẽ còn lại. Mọi người đang xem phần 2 của “Thương ngày nắng về” để thấy rằng tình người đang vượt qua rất nhiều thử thách, tình người đã giữ lại được rất nhiều sự trân quý giữa con người với nhau, bố mẹ, anh em, đồng nghiệp. Nếu không có điều ấy thì chúng ta không còn cái gì cả.

PV: Trong “Thương ngày nắng về”, anh có cơ hội được làm việc với các anh chị diễn viên gạo cội. Họ đã thực sự thể hiện “đỉnh cao” trong diễn xuất?

Bá Anh: Tôi nghĩ rằng những người như anh Tiến Đạt, chị Minh Hòa, chị Thanh Quý là những người thuộc “tài sản quốc gia”. Chị Thanh Quý làm ở hãng phim số 4, không có nhiều thời gian để mà đi dự các Liên hoan để có nhiều huy chương, huân chương nhưng trong mắt tôi thì chị ấy là một người NSND từ lâu rồi. Và cũng có nhiều khán giả đã đánh giá rằng chị ấy là một người nghệ sĩ của nhân dân, mỗi khi vào vai, chị ấy diễn như không diễn ấy.

Như trong “Thương ngày nắng về”, cách hóa thân, nhập tâm và từ trong nhân vật của chị đã tuôn chảy ra bà Nga này, chứ không phải cố diễn làm gì cả. Chúng tôi cũng cố gắng noi theo những người diễn viên giỏi như các chị. Cái gì mà chúng tôi không biết thì các chị đều cố gắng chia sẻ.

Vai diễn mong muốn vẫn ở phía trước

PV: Với một người nghệ sĩ, thì dù nhận được bất cứ loại vai nào cũng không từ chối miễn là mình hứng thú và thấy phù hợp?

Bá Anh: Mọi người vẫn hay nói là về tôi khi tham gia vai Văn trong “Những ngọn nến trong đêm”. Nhưng đối với tôi thì những vai mà tôi muốn được cống hiến thì vẫn ở phía trước. Những vai khi tôi được giao thì vai nào tôi cũng khắc khoải, vai nào tôi cũng quan tâm. Chính vì thế ngay cả những vai nhỏ như vai cậu Vượng trong “Thương ngày nắng về”. Ngay từ lúc tôi nhận được kịch bản thì tôi đã hình dung ra nhân vật và tôi đã thử tóc giả, quần áo để gửi hình ảnh cho đạo diễn.

Tôi không quan trọng vai như thế nào. Quan trọng là khi nhận vai, có hồn cốt rồi thì mình phải đắp thêm để vai diễn đầy đặn, thú vị và đáng yêu hơn, góp phần nho nhỏ vào thành công của bộ phim mình tham gia.

Rất cảm ơn các bạn biên kịch đã viên nên một nhân vật đáng yêu. Nhưng bên cạnh đấy trách nhiệm của người diễn viên là làm sao cho nhân vật đấy có đủ hồn cốt, phải có số phận, vui buồn. Chứ mình chỉ đọc đủ lời thoại như kịch bản của đạo diễn thì  nhân vật đó “chết”, coi như là một con rối, một cái máy và điều đó không nằm trong suy nghĩ của tôi. 

PV: Vậy vai diễn nào mà anh chờ đợi?

Bá Anh: Có rất nhiều vai diễn mà tôi nghĩ rất là thú vị. Trước tôi rất khâm phục NSƯT Duy Hậu. Tôi cũng rất may mắn làm một số phim với cả NSƯT Duy Hậu như “Sóng ở đáy song”, “Những ngọn nến trong đêm.” Cho dù làm việc không nhiều nhưng những nhân vật của anh Duy Hậu được anh khắc họa cực kỳ hay. Với tôi anh Duy Hậu là diễn viên rất chuyên nghiệp và thành công với những phim mà anh ấy tham gia. Anh ấy đóng thành công đến độ sau phim “Sóng ở đáy song” ra đường còn bị người ta hắt cả nước vào bởi vì vai diễn đạt tới tột cùng của sự tàn nhẫn, ác từ trong tâm. Có những dạng vai mà tôi nghĩ nếu được làm thì mình sẽ khai thác tới tận tột cùng. Tôi nghĩ những gì còn là thử thách đều ở phía trước. Tôi cũng mới 50 tuổi cho nên còn có nhiều cơ hội để được làm và nếu được làm thì phải làm thật tốt.

Tôi không có tiêu chuẩn về người phụ nữ của mình mà mọi thứ là “Tùy duyên”

PV: Được biệt sở thích của anh là vẽ, vậy ngoài đóng phim, kịch, anh còn thời gian dành cho những sở thích cá nhân?

Bá Anh: Tôi thích nghe đàn, chơi được guitar. Tôi học mỹ thuật nên là có thời gian tôi cũng xem tranh, chụp ảnh, rồi đi vẽ. Những cái mà làm cho mình lắng lại, làm cho mình sống chậm lại. Tôi cũng thích đọc sách vì sách là những cái kinh nghiệm của thế giới được đúc kết tinh túy.

Tôi cũng nói tất cả những gì mà tôi thích và tôi muốn cho các con. Ví dụ như cậu lớn thì cũng thích chơi đàn như bố, còn cậu hai thì lại thích nấu ăn. Tôi luôn luôn tôn trọng sở thích và suy nghĩ của chúng nó, không áp đặt mà để con làm những gì con thích.

PV: Anh có ngại khi chia sẻ về chuyện gia đình của mình? Bởi ly hôn hay kết hôn cũng đều là duyên.

Bá Anh: Tôi với cả vợ tôi chia tay nhau cách đây 2 năm rồi. Tôi muốn rằng tất cả mọi thứ đều thật là bình yên cho các con lớn lên, để không bị xáo trộn cuộc sống. Chúng tôi cũng như những người bạn cùng quan tâm đến các con và thường trao đổi về việc dạy con.

Tôi muốn là các con lớn lên trong sự bình yên, tránh cho chúng bị tổn thương. Cuộc sống bây giờ không nói trước được điều gì nên khi xẩy ra biến cố tôi cũng cũng chỉ biết giữ cho riêng mình nên nhiều báo chí vẫn tự ý khai thác chuyện ra đình tôi và lấy ảnh cũ ra minh họa. Tôi không muốn thanh minh bởi gì thì cũng đã xẩy ra rồi, nhưng đến lúc này tôi cũng muốn chính thức lên tiếng về chuyện gia đình mình trên báo chí. Bởi có thể sau này tôi sẽ đi bước nữa hoặc ở vậy với các con. Tôi không phải là người thích thay đổi liên tục. Vợ chồng chúng tôi có 1 khoảng thời gian ly thân rất dài, sau đó thì chia tay nhưng chia tay cũng lâu rồi và tôi cũng muốn bạn ấy có cuộc sống thư thái. Cho dù không còn là vợ chồng nhưng tôi vẫn luôn biết ơn cô ấy là người đã sinh ra những đứa con cho tôi. 

PV: Vậy người phụ nữ sau này của anh sẽ như thế nào?

Bá Anh: Tôi là một người làm việc luôn luôn có kế hoạch. Kế hoạch bây giờ của tôi là làm sao cho các con lớn lên vui vẻ, không bị xáo trộn nhiều nhất. Còn lại mọi thứ thì tôi cho là “tùy duyên”. Tôi không đặt ra người phụ nữ phải như thế này thế kia. Sống với nhau vài chục năm không hợp thì buông tay nhau để sống thư thái, chứ đừng tổn thương nhau, làm nhau buồn và để các con chứng kiến những cảnh buồn đau của bố mẹ. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng”.

PV: Xin cảm ơn anh.