Đình làng xứ Thanh: Di sản văn hóa và câu chuyện bảo tồn (Bài 2): Khám phá những ngôi đình cổ

Trong số hàng trăm di tích đình làng đang hiện hữu ở các làng quê nơi vùng đất xứ Thanh, mỗi di tích không chỉ mang đặc trưng, vẻ đẹp kiến trúc, điêu khắc được tạo nên bởi đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân xưa. Ở đó, còn là những câu chuyện kể gắn liền với truyền thống lịch sử, tập quán văn hóa và tâm sức của tiền nhân khi chung sức, đồng lòng dựng xây nên đình. Để đến hôm nay, có những di sản đình làng ở xứ Thanh nổi tiếng khắp xa gần.


Nơi Bà Triệu được suy tôn Thành hoàng làng

Về thăm khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, sẽ là đáng tiếc nếu bạn không ghé ngôi đình cổ Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), công trình kiến trúc độc đáo với những dấu ấn thời gian. Đặc biệt hơn, tại đình Phú Điền, Bà Triệu đã được nhân dân trong làng suy tôn Thành hoàng, thờ phụng nghiêm cẩn. Trong câu chuyện với vị chủ từ già làm công tác trông coi, hương khói ở di tích đình Phú Điền, tôi đã được biết thêm những điều thật thú vị.

Nhắc đến Bà Triệu, hậu thế nhớ đến hình ảnh vị nữ tướng anh hùng trong cuộc chiến chống giặc Ngô xâm lược đầu thế kỷ thứ 3 ở đất Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay). Tên tuổi của Bà Triệu không chỉ nổi danh ở đất Nam mà tiếng vang còn sang Bắc quốc. Theo đó, từ núi Ngàn Nưa, nữ tướng Triệu Trinh Nương đã lãnh đạo nghĩa quân tiến xuống đồng bằng, chiến đấu với quân xâm lược. Tuy nhiên, do kẻ thù gian xảo, cùng với tương quan lực lượng chênh lệch khiến cho cuộc khởi nghĩa rơi vào khó khăn, bế tắc. Không chấp nhận khuất phục, Triệu Ấu đã một mình lên đỉnh Tùng Sơn (xã Triệu Lộc ngày nay) tuẫn tiết. Cảm thương cho vị nữ tướng anh hùng, quân sĩ và người dân làng đã cùng nhau đắp mộ cho bà ngay trên đỉnh núi Tùng, để muôn đời nhắc nhớ. Đồng thời, vào khoảng thế kỷ thứ 7, người dân trong làng cũng lập ngôi đền nhỏ thờ phụng vua bà ở ngay trong làng Phú Điền, ngày nay chính là vị trí Di tích lịch sử văn hóa đình Phú Điền.

 

Đình Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc nhìn từ bên ngoài.

Truyền thuyết địa phương vẫn còn lưu truyền câu chuyện Bà Triệu phù trợ cho vua Lý đánh thắng giặc Ai Lao. Theo đó, trên đường hành quân về phương Nam, qua vùng đất này, đêm xuống nằm nghỉ ngơi, nhà vua đã nằm mộng thấy điều kì lạ, dù mộng nhưng lại rất thực. Tỉnh dậy hỏi dân làng thì được biết đây là vùng đất mà vị vua bà đã yên giấc ngàn thu. Ngay hôm sau, nhà vua đã cho sắm sửa lễ vật cùng lời khẩn nguyện xin Bà Triệu giúp đỡ. Sau khi thắng trận khải hoàn trở về, không quên ơn phù trợ của thần linh, đấng quân vương đã phong cho bà là “Thượng đẳng Đại vương”, đó là vào năm 1037. Nhân dân trong làng cũng được miễn phu thuế ba năm.

Ông Đặng Văn Cường - chủ từ di tích đình Phú Điền cho biết: Người dân xưa kia tin rằng, Bà Triệu không chỉ là nữ tướng của dân tộc, bà còn phù trợ cho cuộc sống ở nơi đây được no đủ, yên lành, vì thế làng mới có tên Phú Điền. Vào thế kỷ 17, năm 1638 (theo tài liệu chữ Hán khắc trên xà gỗ) nhân dân trong làng đã đoàn kết trên dưới một lòng cùng đóng góp công sức, tiền bạc để dựng nên ngôi đình to lớn ở ngay bên ngoài vị trí đền thờ và suy tôn vua bà làm Thành hoàng bảo trợ cho cuộc sống người dân. Việc xây dựng đình làng Phú Điền cũng hết sức đặc biệt. Hai đội thợ Đạt Tài và Đông Hưng được mời đến, mỗi đội đảm trách thực hiện một phần công trình và khi hoàn thiện thì được dân làng “chấm điểm”. Vậy nên ngày nay, đến thăm đình Phú Điền, người tinh ý có thể nhận ra sự khác nhau giữa những chạm khắc hoa văn còn lưu giữ tại đình.

Trải qua thời gian gần 400 năm, di tích đình Phú Điền vẫn được xem là công trình kiến trúc cổ điển hình với nhiều giá trị về niên đại thời gian, ý nghĩa tâm linh và kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, đến nay tại di tích đình Phú Điền hiện vẫn còn lưu giữ 64 sắc phong cổ có ấn chỉ qua các triều đại phong kiến trong lịch sử. Và đó được xem như báu vật của làng.

Du khách phương xa nếu đã từng tham dự lễ hội Bà Triệu tổ chức hàng năm vào dịp tháng 2 Âm lịch hẳn sẽ không khỏi ấn tượng với nghi thức rước bóng (rước kiệu quay) mang nhiều yếu tố tâm linh tại đây. Theo đó, sau khi kết thúc phần tế lễ, dân làng Phú Điền sẽ rước kiệu từ đền Bà Triệu dưới chân núi Gai về đình Phú Điền, lên đền Eo, đến khu lăng mộ bà ở đỉnh núi Tùng xin chân nhang rồi rước về đình làng thờ một ngày đêm. Đến ngày hôm sau thì rước kiệu trở về đền Bà Triệu (núi Gai). Và đến ngày 24/2 (âm lịch) thì dân làng cùng tập trung ở đình Phú Điền để làm lễ “giỗ” vua bà. Cứ như vậy, qua bao thế kỷ, làng Phú Điền vẫn xem đó là nghi thức tâm linh, nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần.                   

“Văn Miếu” nơi vùng quê hiếu học

Có một ngôi đình cổ nổi tiếng khắp xứ Thanh, không chỉ là nơi thờ Thành hoàng, ở đó còn thờ sự học, đúng như tên gọi di tích: Bảng Môn đình.

Di tích quốc gia Bảng Môn đình tọa lạc trên quê hương hiếu học Hoằng Lộc, Hoằng Hóa. Nơi đây, có 12 vị đại khoa ghi danh bảng vàng tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Vậy nên, người ta còn gọi đây là vùng quê khoa bảng.

Vào thời Lý, ở vùng đất Bột Đà xưa (nay là Hoằng Lộc) có vị tướng Nguyễn Tuyên, ông đã theo nhà vua về phương nam dẹp giặc Ai Lao. Khi thắng trận khải hoàn, trước khi về lại triều đình thì vị tướng quân được nhà vua cho phép về quê thăm gia đình, bái yết tổ tiên. Nhưng vừa về đến giữa làng, mây giông cuồng phong bỗng nổi lên, khi trời quang thì người dân đã thấy người ngựa cùng hóa tại chỗ. Thương cho vị tướng tài, nhân dân Bột Đà đã cùng nhau đắp mộ, lập đền thờ ngay tại vị trí ông đã hóa và dân gian vẫn gọi là “Thượng sàng hạ mộ”. Nghe tin vị tướng trẻ tài hoa qua đời, nhà vua vô cùng thương xót. Ngoài các sắc phong thì quê hương Bột Đà còn được ban cho bốn chữ “Địa linh nhân kiệt”.

Khi Nho học phát triển với chế độ khoa cử, vùng đất Bột Đà trở nên nổi tiếng với danh xưng đất Trạng. Bởi, trong mỗi kì thi do triều đình phong kiến tổ chức, các sĩ tử nơi đây không ngừng ghi tên bảng vàng, trở thành những tên tuổi nổi danh đương thời, để lại tiếng thơm cho hậu thế. Có thể kể đến: Nguyễn Sư Lộ; Bùi Khắc Nhất; Nguyễn Nhân Lễ... hay có vị danh sĩ dù không đỗ đạt song tiếng vang vẫn khắp chốn kinh kì như Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh).

Tôn vinh sự học và coi sự học như là một nghề. Vào khoảng thế kỷ 15, người dân trong làng đã cùng nhau khởi dựng lên Bảng Môn đình ở ngay khu vực “Thượng sàng hạ mộ” với hình thức bên trong là hậu cung thờ tự, bên ngoài là đình làng, suy tôn tướng Nguyễn Tuyên là Thành hoàng, bảo hộ che chở cho đời sống nhân dân. Cũng như các đình làng thời đó, đây là nơi hội họp, trao đổi công việc quan trọng của làng. Tuy nhiên, đây cũng là chốn gặp gỡ của những người theo nghiệp bút nghiên, vinh danh người đỗ đạt. Và vì coi trọng sự học nên tại Bảng Môn đình vào những dịp lễ tết, các chức sắc trong làng cũng được ngồi chiếu theo thứ bậc đỗ đạt. Vậy nên mới có chuyện, vị quan nọ ra triều đình thì làm quan to song khi về Bảng Môn đình thì vẫn phải ngồi “chiếu dưới” vì đỗ đạt thấp hơn người thuộc cấp. Và đó là luật lệ của làng mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Nghe qua thì có vẻ hà khắc song đặt trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, đó phải chăng cũng là động lực để mỗi người con nơi đây không ngừng nỗ lực vươn lên dùi mài kinh sử, làm rạng danh đất học.

Nhưng Bảng Môn đình không chỉ nổi danh bởi việc coi trọng sự học. Đây còn là ngôi đình cổ với kiến trúc điêu khắc vô cùng đặc sắc. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là những hình ảnh chạm khắc (chạm lộng, chạm thủng kênh bong) nổi khối như tượng tròn trên cấu kiện kiến trúc. Đặc biệt, bên trong đình, ngay cửa hậu cung thờ Thành hoàng Nguyễn Tuyên hiện vẫn còn nguyên vẹn phù điêu với các nét chạm khắc mây, đao, tráng sĩ cưỡi voi, trạng nguyên cưỡi ngựa... đẹp như tranh vẽ, gấm dệt.        

Đất quý hương có đình Gia Miêu

Sau khi An Thanh hầu Nguyễn Kim đột ngột qua đời, con trai ông là Nguyễn Hoàng đã từ rã quê hương Gia Miêu (Hà Long, Hà Trung ngày nay) xuôi vào phương nam gây dựng cơ đồ, lập nên sự nghiệp chúa Nguyễn. Và năm 1802, vua Gia Long Nguyễn Ánh lên ngôi ở kinh đô Huế đã đánh dấu sự ra đời của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Sau những công việc triều chính, vua Gia Long cũng không quên dành sự quan tâm cho đất quý hương. Theo đó, cùng với việc cho xây dựng khu thờ tự  lăng miếu Triệu Tường bề thế ở đất Gia Miêu thì năm 1806, đình Gia Miêu được vua Gia Long hạ lệnh xây dựng với tổng diện tích 374,8 m2. Và đây là ngôi đình gỗ bề thế mang đặc trưng kiến trúc tiêu biểu thời Nguyễn.

Theo đó, di tích với 5 gian, 2 chái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí công phu: Lưỡng long chầu nguyệt, hoa đao nhấp nhô, đường mái uốn lượn... tạo cảm giác chuyển động trên nền không gian tĩnh. Trong đình cấu kết kiểu “chồng rường kẻ bảy”. Các mảng chạm khắc tinh xảo chủ đề nổi bật là tứ linh (long, ly, quy, phượng) và một số thú vật gần gũi với đời sống con người được thiêng hóa. Bên cạnh đó còn có hình ảnh lá cúc, lá sen chạm khắc cách điệu... tất cả mang đến sự cân đối, hài hòa cho không gian và kiến trúc của đình Gia Miêu. Các nhà nghiên cứu có lẽ không quá lời khi đánh giá, đình Gia Miêu là đình làng thời Nguyễn đẹp bậc nhất ở Thanh Hóa. 

Đình Gia Miêu thờ Thành hoàng làng Nguyễn Công Duẩn, vị khai quốc công thần triều Lê Sơ. Ông cũng là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vùng đất Gia Miêu cũng như đời sống nhân dân trong làng. Là không gian thiêng, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân, đến hôm nay, đình Gia Miêu còn là niềm tự hào của người dân vùng đất quý hương...

Trong số hàng trăm đình làng còn hiện hữu ở khắp các làng quê xứ Thanh, để đi hết, kể hết sẽ thật là khó. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Đình làng dù nhỏ, dù lớn, bề thế nguy nga hay đơn giản thì đó cũng từng là tâm huyết, niềm tự hào người xưa phải nhọc lòng, dốc sức nhường nào mới có thể tạo dựng mà nên.