Đôi điều về dị bản bài thơ “Đò lên Thạch Hãn”

Sáng 4/11/2021 đọc được bài “Bốn câu thơ thắm đượm nghĩa tình đồng đội” do Nguyễn Quốc Hùng thành viên nhóm Chuyện Làng quê sưu tầm. Trong nội dung bài viết, ngoài việc giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác và lời bình bốn câu thơ của Lê Bá Dương, tác giả còn sưu tầm được 4 dị bản của bài thơ

minh-hoa-1636288339.jpg

 

Một bài thơ, chỉ 4 câu nhưng có đến 4 di bản và nếu để ý sẽ thấy, trong 4 dị bản ấy có đến 5 điểm khác biệt so với bản chính. (tôi nói bản chính là bản cuối cùng tác giả Lê Bá Dương đã sửa theo sự góp ý của các anh Thế Vũ và Đỗ Kim Cuông) như sau:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

Sau khi đọc nhiều lần, tôi xin phép được phân tích những điểm khác nhau giữa 4 dị bản với bản chính như sau:

Ở câu đầu tiên, tác giả viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ”. Có dị bản ghi rằng: “Đò xuôi thạch Hãn” . Tôi cho rằng ý tác giả là đò “lên” Thạch Hãn, bởi từ Cửa Việt, muốn đến thành phố Đông Hà hay thành cổ Quảng Trị, theo đường sông đều phải đi lên, (tức) là ngược dòng Thạch Hãn. Vả chăng nếu có ai đi về theo chiều ngược lại tức là xuôi dòng. Đã xuôi dòng thì đâu cần chèo mạnh, thậm chí không cần chèo, đò vẫn tự đi đấy thôi. Thế nên, theo tôi, tác giả dùng “Đò lên Thạch Hãn” là đúng lắm, là hợp lý lắm.

Cũng ở câu đầu, có dị bản ghi rằng: “Xin chèo nhẹ”. Vâng, ngay từ bản đầu tiên  (bản chưa sửa), tác giả đã dùng “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ” và sau đó, đã sửa thành “Ơi chèo nhẹ”. Ta hãy cùng phân tích diễn biến tâm lý tác giả.

Năm 1987, lần đầu tiên anh mua hoa để viếng đồng đội. Tâm lý của anh lúc này chỉ là đi thăm đồng đội, bạn của riêng anh, cũng như đi viếng người thân trong gia đình. Với tâm lý ấy thì tất cả những ai khác, chỉ là người ngoài. Thế nên, anh sẵn sàng mướn bà cụ chèo đò với giá 8 ngàn đồng một giờ (thậm chí sau 4 tiếng đồng hồ anh sẵn sàng trả cho bà cụ 50 ngàn đồng, thay vì tám lần bốn là ba hai) và khi nghe tiếng xuồng máy làm quấy động dòng sông, dù thương bạn lắm, xót bạn lắm nhưng anh cũng chỉ dám “Xin chèo nhẹ”.

Thế rồi, một hành động vô cùng xúc động đã hiện lên trước mắt anh:  Bà cụ quỳ xuống, khóc và nói: “Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi!”. Chính hành động này đã bảo rằng” bạn anh nằm đấy, đã không còn của riêng anh mà là nỗi đau của cả dân tộc và cũng là niềm tự hào của cả dân tộc. Như một lẽ tự nhiên anh đưa bút sửa từ “Xin” thành “Ơi” để hòa nỗi đau của mình vào nỗi đau của cả dân tộc, để nhắc nhở mọi người đều có trách nhiệm phải giữ yên giấc ngủ cho các anh.

Xem như thế, việc sửa từ “Xin” thành “Ơi” là hay lắm, là ý nghĩa lắm. Vẫn biết, chính Lê Bá Dương đã chủ động sửa từ này trong thơ của mình, nhưng tôi cứ tự hỏi: nếu không có hành động của bà cụ kia (Bà mẹ Việt Nam đấy) thì Lê bá Dương có đủ tự tin để sửa từ “Xin” thành từ “Ơi” trong bày thơ bất hủ này không ?

Đến câu thứ hai: “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” . Dị bản 3 ghi: “Đáy sông còn có bạn tôi nằm”. Tôi cho rằng, đã là người Việt Nam, dù ở bên này hay ở bên kia, dù sinh trước hay sau 1975 cũng đều phải biết đã từng có 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị 1972. Chính thế cho nên dị bản 3 dùng từ “có” tôi cho là thừa. Lê Bá Dương không viết thừa vậy đâu, anh dùng từ “đó” là muốn nhắc mọi người rằng đừng để các anh nằm mãi nơi đáy sông, phải đưa các anh về với bạn bè, về với hơi ấp của mẹ Việt Nam càng nhanh càng tốt. Và bây giờ nếu chưa làm được việc ấy thì hãy nhẹ nhàng thôi để giữ yên giấc ngủ cho các anh.

Ở câu thứ ba: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”. Dị bản 4 ghi “Có tuổi hai mươi hòa sóng nước”. Đọc cụm từ “hòa sóng nước”, nghe nhẹ nhàng, êm đềm và  cũng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tác giả và tuổi hai mươi của các anh còn muốn nhiều hơn, thế nên đã chủ động trở thành sóng nước, để khi thanh bình được vỗ yên đất mẹ. Nhưng mỗi khi có giặc ngoại xâm thì sóng nước tuổi hai mươi của các anh sẽ cùng hồn thiêng sông núi, dựng lên thành đồng tổ quốc cùng toàn dân chống giặc cũng như linh hồn các bậc tiền nhân đã từng giúp Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Tôi cho rằng tác giả viết “Có tuổi hai mươi thành sóng nước” nó hay và ý nghĩa là ở lẽ đó.

Và câu cuối cùng: “Giữ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Dị bản 1 ghi “Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Nếu là dòng sông bình thường, thì câu này tôi cho là đầy đủ, là chính xác bởi, dòng sông phải có bờ, được phù sa bồi đắp thành ra bãi, bờ và bãi cứ bình yên mãi ngàn năm. thế là thanh bình, thế là đầy đủ, đâu còn mong gì hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trích ra đây một đoạn bình của tác giả:

“ Thế rồi tuổi hai mươi của các anh thành sóng nước. Dòng sông thực dường như không thấy nữa. Ta thấy một dòng sông tâm linh của tuổi trẻ, của tình yêu bất diệt đang chảy hiền hòa, đang vỗ về những người mẹ, người cha, người vợ ngày đêm trông ngóng. Ở tầm rộng lớn hơn, những sóng nước ấy ôm ấp, giữ gìn đất nước này, vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Vâng! Một khi đã trở thành dòng sông tâm linh của tuổi trẻ thì trên bờ sẽ chỉ là những người mẹ, người cha, người vợ... hay nói rộng hơn là tổ quốc Việt Nam ngàn lần yêu dấu. Thế thì niềm mong ước tột cùng của dòng sông tâm linh này không thể khác hơn là làm sao để đôi bờ mãi mãi bình yên. Được thế thì sự hi sinh của các anh mới là không uổng phí. Thế nên, tôi mong rằng sóng nước tuổi hai mươi trên dòng sông tâm linh sẽ: “ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Viết như thế là tôi muốn nói rằng Lê Bá Dương đã viết, đã chỉnh sửa thế là hoàn chỉnh lắm rồi, đừng lăn tăn về những dị bản.

 

Theo Trái Tim Người Lính