Đồng sở hữu

Tôi thương cảm nhìn chị rưng rưng, trách mấy đứa con chị bất hiếu quá. Anh chị sống dăm năm nữa là cũng của tụi nó mà. Anh con rể ngồi bàn bên nhìn tôi khinh khỉnh, vẻ mặt không hài lòng. Chị nói tiếp: Hôm nay, chị gọi chúng về để bàn bạc lại mà không thấy chúng đâu, chắc là như mấy lần trước, cũng cãi nhau om sòm rồi giải tán. Chị lắc đầu buồn bã.

245424238-1045920236169524-4373590472876962554-n-1637049895.jpgẢnh minh họa

- Chu choa, chứ em về hồi mô rứa? Lâu kinh nghe!

Chị vui mừng nói không ngớt khi thấy tôi ghé thăm. Thực ra tôi cũng có về thăm quê nhiều lần nhưng lu bu công việc và các mối quan hệ khác mà quên béng đi dù chỉ cách nhà tôi chưa tới 100m. Mới đó mà anh chị đã ngoài 70 tuổi, với dáng vẻ hom hem, khổ sở, tóc bạc trắng. Chị mời tôi ly nước đỏ au, một loại lá cây chè phơi khô mà quê tôi vẫn thường dùng. Nhìn chị mà lòng tôi dâng lên nỗi buồn thương khó tả, mới đó mà... Chị hỏi chuyện tôi đủ thứ từ vợ con, công việc, cuộc sống và nhắc lại một số kỷ niệm thời gian khốn khó ngày xưa khi cả xóm tôi dùng chung 1 cái giếng gạch trong khu đất nhà chị. Tôi ngước nhìn căn nhà xây mái ngói 3 gian thấp chủm sau nhiều lần mặt đường được nâng lên. Ngày xưa căn nhà này sang nhất làng tôi. Bây giờ nó thấp lè tè, với mái hiên bê tông cũ mềm, nứt toác như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Tôi bất giác buộc miệng:

- Sao anh chị không sửa lại hay cất mới, nó cũng đã hơn 40 năm rồi còn gì, nguy hiểm quá!

Chị buồn hiu, nhìn xa xăm:

- Tiền ở đâu mà cất em, mình sống bao nhiêu năm nữa đâu, chết rồi mấy đứa con tính sau vậy.

Tính tôi hơi hơi nhiều chuyện nên thắc mắc:

- Chị bán bớt một nền 5 m ngang đi, cũng còn đươc vài nền mà. Nghe đâu giá bây giờ cũng được hơn 1 tỉ rồi. Cất lại cho khang trang và để một ít dưỡng già, sống được bao năm đâu chị ơi!. Sau này để lại làm nhà thờ tự, con cháu về còn có chỗ tụ họp, hương khói cha mẹ, ông bà.

Như chạm vào nỗi đau, chị trầm ngâm:

- Chị tính bán lâu rồi nhưng vợ chồng 4 đứa con không chịu kí giấy em ơi!

Tôi phản ứng ngay:

- Nhà đất của anh chị, sao lại có chuyện hỏi ý kiến tụi nó?

Anh con trai thứ hai của chị, nhỏ hơn tôi mấy tuổi cũng là đứa em chơi với tôi hồi tuổi thơ, bắt đầu tham gia câu chuyện. Anh nói:

- Em tìm cách thuyết phục để bán cho ba mẹ nhưng mấy đứa em, luôn cả dâu rễ bất đồng không chịu kí giấy. Chúng chỉ kí khi bán tất cả rồi chia ra, ai lo phần đó chứ không chịu sửa lại nhà cho ba mẹ. Ba mẹ cũng một phần ngang như tụi nó, mà bán hết thì ba mẹ em không nỡ xa chỗ này. Tôi giận dữ:

- Con cái sao lại có quyền này được. Đất nhà của cha mẹ mua, sở hữu rồi mới đẻ con, nuôi lớn cho con ăn học thành tài. Đứa nào cũng có nhà cửa riêng sao lại bất hiếu, hành xử kiểu này. Sau này ba mẹ mất rồi thì muốn chia chác gì thì cứ việc chứ. Chị cứ bán không cần phải hỏi ý kiến tụi nó làm gì.

Chị nói như buông xuôi:

- Hồi năm 1993, xã đổi cấp lại sổ mới không hiểu vì sao lại là sổ hộ gia đình nên tất cả người có liên quan đều kí mới giao dịch được. Chị cũng không hiểu nữa, nghe địa chính giải thích vậy. Tôi nghe hoàn toàn bất ngờ kiểu giấy tờ "trời ơi" này. Vậy là tất cả là của chung nên bây giờ chúng quay sang làm khó cha mẹ.

Tôi thương cảm nhìn chị rưng rưng, trách mấy đứa con chị bất hiếu quá. Anh chị sống dăm năm nữa là cũng của tụi nó mà. Anh con rể ngồi bàn bên nhìn tôi khinh khỉnh, vẻ mặt không hài lòng. Chị nói tiếp: Hôm nay, chị gọi chúng về để bàn bạc lại mà không thấy chúng đâu, chắc là như mấy lần trước, cũng cãi nhau om sòm rồi giải tán. Chị lắc đầu buồn bã.

Tôi từ biệt chị mà lòng nặng trĩu cho nhân tình thế thái. Của cha mẹ hy sinh cả tuổi xuân để sắm được căn nhà, làm lụng vất vả cả đời để lo cho con cái nay lại không tự quyết định được chuyện gì. Nhìn dáng chị cong khòm bước xuống bậc thềm vào nhà mà mắt tôi bỗng cay xè. Ngoài đường xe cộ qua lại tấp nập, diện mạo thị trấn thay đổi mỗi ngày, đất đai sốt hầm hập... đẩy bao nhiêu tình người, tình thân ra xa nhau hơn.

 

Theo Chuyện Làng quê