Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười không phải là địa danh hành chính, mà là địa danh chỉ vùng, chỉ một khu vực rộng lớn không có ranh giới rõ ràng, ở đồng bằng sông Cửu Long, do cư dân người Việt tự phát đặt vào đầu thế kỷ XIX trong quá trình cư trú và khai thác trên vùng đất hoang vu.

244517709-1581566445568632-7870068800517779575-n-1634091136.jpg

Địa danh Đồng Tháp Mười có tên gọi dựa trên lịch sử phương ngữ học, chưa có những bằng chứng xác thực về nguồn gốc và thời điểm của tên gọi. Các giả thuyết trong dân gian về tên gọi Đồng Tháp Mười có những giả thuyết như sau:

- Giả thuyết I: Ngày xưa, cánh đồng này thuộc một vương quốc giàu có. Trong nước có 10 đời quốc vương, mỗi ông xây cho mình một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng; ngôi tháp của ông vua thứ 10 là ngôi tháp mà chúng ta đang nói (Tháp Mười). Từ đó, có lời đồn là trong Tháp Mười có vàng.

- Giả thuyết II: Cho rằng đây là cái chùa - tháp thứ 10, tính từ Lục Chân Lạp xuống, nối liền các chùa - tháp này là các con đường lót đá.

- Giả thuyết III: Đây là cái tháp 10 tầng của Chân Lạp; có lẽ, theo thuyết này nên chính quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1958, cho xây lại một cái tháp 10 tầng cao 42 m, theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc.

- Giả thuyết IV: Đây là tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng (còn gọi là thang trong) của nghĩa quân Thiên Hộ Dương để canh chừng giặc Pháp.

Tham khảo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười là tên phần trong lãnh thổ Việt Nam của một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn phân nửa[1], thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường. Vùng Đồng Tháp Mười có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Việt Nam, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng nhất. Trong thập niên 1980, ba tỉnh nói trên đã đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo quan trọng trên thế giới. Đồng Tháp Mười cũng là bối cảnh của bộ phim Cánh đồng hoang nổi tiếng tại Việt Nam.

Tổng quan địa lý

Người Pháp xác định vùng ngập nước phía đông sông Tiền (sông Basaac) trên biên giới Việt Nam - Campuchia rộng khoảng 700 nghìn ha (7000 km2) trong đó, phần bên Việt Nam rộng khoảng 5300 km vuông. Đó có lẽ là diện tích của vùng ngập nước này trước khi được khai hoang ồ ạt trong nửa cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Đồng Tháp Mười là một đồng lụt kín được bao quanh bởi các giồng đất cao ven biên giới Việt Nam – Campuchia, đê tự nhiên dọc sông Tiền và giồng biển cổ dọc theo quốc lộ 1A (Tân Hiệp – Nhị Quý, Cai Lậy) và chặn lại bởi sông Vàm Cỏ Đông (Long An).

Đồng Tháp Mười được thành tạo trong phân đại đệ Tứ (Qiv), trên hai đơn vị trầm tích Pleistocen và Holocen cùng với giai đoạn trung gian của Hậu Pleistocen. Quá trình thành tạo hoàn tất của Đồng Tháp Mười được bắt đầu sau thời kỳ Hậu Pleistocen cách đây khoảng 8.000 năm. Nền trầm tích Pleistocen với các vật liệu phù sa cổ không đồng đều được phủ lên bằng vật liệu mới của trầm tích Holocen. Do đó, có thể tìm thấy những gò phù sa cổ và những giồng cát cổ nằm chen lẫn giữa cánh đồng phù sa mới. Dước tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và con người, thông qua sự phong hóa với các tiến trình sinh – hóa xảy ra đã hình thành nhiều nhóm đất khác nhau trong Đồng Tháp Mười. Đất phù sa cổ, đất giồng cổ, đất phèn, đất phù sa và phù sa ven sông.

Hệ sinh thái

Sự tương tác giữa các yếu tố tự nhiên: địa mạo, trầm tích, đất, nước và các yếu tố khác đã hình thành những cảnh quan tự nhiên với các hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Hệ sinh thái rừng tràm (Melaleuca spp.) có thể tìm thấy khá nhiều trong đồng bằng ngập nước. Phạm vi xuất hiện của hệ sinh thái này khá đa dạng, từ vùng triền của đất dốc tụ cho đến đất phèn hoạt động. Những cánh rừng tràm có thể phát triển trên những cánh đồng, đồng thời cũng có thể phát triển khá nhiều dọc theo sông rạch. Tuy nhiên, những cánh rừng tràm nguyên sinh dường như không còn nữa mà chỉ có thể tìm thấy một phần rừng tràm tái sinh với diện tích quá nhỏ so với một vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn.

Hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa khá phổ biến và chiếm ưu thế trong vùng này xưa kia. Thảm thực vật với các quần xã thay đổi theo môi trường tự nhiên trong từng vùng. Những cánh đồng hoàng đầu ấn (Xyris indica), cỏ năng (Eleocharis sp.), cỏ ống (Panicum repens), cánh đồng cỏ mồm (Ischaemum sp.), cỏ lác (Cyperus sp.) trải rộng khắp vùng này xưa kia vẫn còn tìm gặp khá nhiều ở các khu bảo tồn và vườn quốc gia, mặc dù tính phong phú giữa các loài đã và đang bị suy giảm.

Các loài sen–súng (Nymphaea sp.) cùng các loài thực vật thủy sinh khác chiếm ưu thế và đặc trưng ở các vùng đầm lầy đã bị thu hẹp diện tích do quá trình thoát thủy cải tạo đất cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp.

Có thể cho rằng các hệ sinh thái tự nhiên cùng với tính đa dạng sinh học đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười đã bị suy giảm nghiêm trọng, cảnh quan tự nhiên đã thay đổi sau một thời gian khai phá cho mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tếnông nghiệp chung cho vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long. Trước nguy cơ suy giảm tính đa dạng sinh học và hủy diệt các nguồn gen quý hiếm, một số nỗ lực về công tác bảo tồn và phục hồi tính đa dạng sinh học vùng đất ngập nước trong châu thổ sông Mekong đã được đặt ra. Thông qua những nỗ lực này, các khu bảo tồn thiên nhiên đã được hình thành, và Vườn quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là hai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước rất điển hình được thành lập nhằm thực hiện những mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.

Theo Chuyện Quê