Đốt lò gạch

Làng tôi xưa hầu hết là nhà gianh vách đất, nhà nào khá giả lắm thì cũng xây được kiểu luồn gianh là cùng. Khi ấy gạch rất hiếm, mỗi năm chỉ mua hoặc đổi công điểm cho hợp tác xã được vài ba trăm viên là cùng.

ch-lg-qu3s-1632585438.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Từ khi khoán sản, dân bắt đầu có miếng ăn miếng để thì nhà nào cũng nghĩ tới việc kiến thiết mà gạch là thứ đầu tiên cần đến, vậy là nhà nhà đóng gạch để xây nhà.

Khi vụ mùa thu hoạch đã xong, thời tiết hanh khô là bắt đầu đóng gạch. Thời gian đóng gạch và đốt lò phải trước lập xuân vì muộn quá sẽ có mưa phùn và gạch mộc sẽ ẩm ướt và mủn ra không đốt lò được nữa.

Khi ấy vui lắm. Khâu làm đất là công đoạn đầu tiên, đất sét vàng là thứ đất đẹp nhất để đóng gạch, gạch đất sét vàng không co và khi ra lò gạch dai và bền, có những ngôi đình xây bằng gạch đất sét vàng độ bền lên tới cả ngàn năm mà không bị mòn hoặc muối.

Những thứ đất cát gạch dễ bị giòn hay đất muối thì khi xây nhà gạch sẽ bị phèn muối ra ngoài do vậy tường nhanh bị mòn và không bền như gạch đất sét.

Công đoạn làm đất rất vất vả và mệt nhọc, đất được vỡ ra thái nhỏ rồi tưới nước cho đều. Đợi đến khi đất ngấm đều nước sẽ sang bằng xẻng và dận cho dẻo, sang đi sang lại hai ba lần là được và sẽ dùng kéo cắt và vật lên quả đất. Quả đất to có thể đóng được vài ngàn gạch mộc, tùy theo diện tích sân phơi mà lên quả đất.

Thời gian đóng gạch thường vào buổi tối, nhà nọ đóng đổi công cho nhà kia hoặc sang làm giúp. Thợ đóng gạch là những thanh niên khỏe mạnh , đàn bà con gái thường bê đất và đổ tro hay cát tráng khuôn.

Đóng xong mỗi dây gạch khoảng hơn trăm viên là mỏi cù cả lưng. Những anh khỏe tay vê hòn đất đóng được những năm sáu viên gạch, những tiếng vật đất vào khuôn đánh "phộp" nghe chắc nịch, bụi tro bay mù mịt! Khi đóng xong mẻ gạch hai lỗ mũi đen xì toàn là tro bếp, mặt mũi người nào người đấy nhọ nhem nhọ thỉu nhưng ánh mắt vẫn ánh lên niềm vui.

Mỗi thợ đóng gạch thường đóng được năm bảy trăm viên mỗi tối. Khi ấy chả cầu kì gì đâu, bồi dưỡng chỉ là vài chén rượu và bát canh bánh đa, mọi người ăn uống vui vẻ ngon lành. Tối mai lại sang làm giúp.

Gạch đã se sẽ được lật nghiêng cho chóng khô, phơi đến chiều hôm sau, gạch đã rắn tay là lên cáng được. Gạch được xếp chéo cánh sẻ cách nhau một ngón tay cho thông thoáng mau khô, mỗi cáng gạch cao mươi mười lăm hàng.

Than đốt gạch cũng rất quan trọng, tốt nhất phải là than cám A nhiều kíp, nếu than không tốt sẽ hỏng cả lò gạch. Khi ấy tốt nhất là than Cửa Ông Cẩm Phả, than Đông Triều Mạo Khê nhiệt kém hơn nhiều.

Mỗi vạn gạch đất sét cần khoảng một tấn hai than, đất màu và đất chiều dễ cháy sẽ nhẹ than hơn và còn tùy theo gạch khuôn dày hay khuôn mỏng nữa.

Than được nháo đều với bùn lá tỉ lệ 30% và đóng thành viên dày khoảng 2 cm, được phơi khô, than cầu lò đóng riêng, dày và to hơn cho vừa với kích cỡ của cầu lò.

Khi gạch mộc đã đủ và khô trắng là vào lò được. Lò to hay nhỏ tùy thuộc vào số lượng gạch mộc, có lò một vạn nhưng cũng có lò bốn năm vạn gạch.

Vào lò gia chủ chọn ngày tốt và nhờ mọi người đến giúp. Lò bé thì năm cầu, lò to bảy cầu chín cầu...Vào lò là công đoạn cần rất nhiều kinh nghiệm, nếu không lò sẽ không cháy hoặc sạt đổ.

Sau lớp than cầu là hai hàng ruột rồng xếp ngang cho ăn than 1/1 để mồi lửa rồi mới xếp dọc và cho ăn than thưa dần 2/1 rồi 5/2 và thưa hơn nữa. Kĩ thuật bó vỉa cần nhiều kĩ thuật, chỉ những thợ khéo tay mới đảm đương nổi.

Mỗi lò gạch thường cao hai mươi đến hai nhăm hàng dựng đứng. Khi đã xếp gạch xong mọi người nghỉ tay ăn uống, công đoạn tiếp theo là của thợ đốt lò.

Củi đốt lò là loại củi tốt cháy đượm ít tàn, khi đã bắt than mồi thì chỉ cần lửa long dong. Lò cháy đến hàng ruột rồng là ổn, khi đó chỉ chờ lửa cháy đến đâu thì dùng bùn trộn với rơm trát lò đến đó. Trực lò nhìn những lưỡi lửa lè ra đều tăm tắp thật là vui mắt, khoảng một ngày hôm sau lửa sẽ cháy đến miệng lò, cả lò gạch lúc đó là một quầng lửa hồng rực, khi đó dùng đất vườn lấp miệng lò và lấp cầu lò. Nếu không sẽ mất nhiệt và gạch sẽ bị non, và còn tùy theo lượng nhiệt, nếu nhiều nhiệt quá thì phải mở bớt miệng lò ra, kẻo gạch bị phồng.

Tuần lễ sau lò gạch đã nguội và ra được lò. Nhìn những viên gạch tươi hồng phấn trắng mà lòng sung sướng vô bờ! Và lại chắt chiu lo cát đá xi măng để xây nhà.

Cũng đã vài bốn chục năm, những căn nhà xây bằng gạch đóng tay không còn nhiều nữa. Mỗi khi dỡ những ngôi nhà ấy để xây mới, nhìn những viên gạch vẫn còn hằn rõ những vết tay vết chân lòng tôi cứ lâng lâng khó tả.

Thương nhớ một thời gian khó cần lao.

TT

Theo Chuyện làng quê