Gánh nợ đời...

Những chiếc đòn gánh mòn nhẵn thín, những đôi vai chai sần theo năm tháng của những người mẹ, người bà cùng đôi quang gánh mưu sinh trên vạn dặm nẻo đường... Họ giành gánh luôn trên vai bao nỗi cơ cực để cho con mình, cháu mình được nhẹ...

ba-gia-ganh-hang-1639473166.jpg 

 

Mới có hơn sáu giờ sáng mà nắng đã tràn ra khắp mặt đường nhuộm vàng những con phố vừa mới tỉnh giấc. Mấy cây bằng lăng nơi góc phố quen thuộc chúng tôi thường ngồi uống cà phê lắc lư nhè nhẹ như vẫn còn đang ngái ngủ...

Thành phố bắt đầu cựa mình khi dòng xe xuôi ngược mỗi lúc một đông hơn. Anh bạn ngồi bên cất giọng hỏi khi bỗng nhiên thấy tôi chùng xuống suy tư:

– Chưa nhấp chén nào mà đã tìm được cảm xúc rồi à?

 Tôi chỉ tay ra đường khi thấy một cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời đang chống gậy bước từng bước chậm chạp trên hè phố với đôi quang gánh là dăm ba cây chổi đót lắc lẻo trên vai. Phía bên kia đường, một cô chắc cũng sắp bước vào trạc tuổi “cổ lai hy” đang gồng lưng nâng đôi gánh chuối đè nặng trên vai...

Những bước chân vội vàng cho kịp buổi chợ sớm làm cho cái áo cô khoác hờ bên ngoài cũng thấm ướt những giọt mồ hôi. Giữa dòng người di chuyển với bao loại phương tiện hiện đại trong thế giới công nghệ này, vẫn còn đó những đôi quang gánh cứ mãi kẽo kẹt với thời gian. Tôi buông một câu theo tiếng thở dài:

– Tôi nhớ những đôi quang gánh ngày xưa quá ông à...

 Anh bạn không nói mà chỉ cười cho ông bạn hoài cổ của mình. Ly cà phê sáng nay bỗng dưng có gì lạ lắm. Nó đắng hơn mọi khi và có vị mằn mặn của giọt mồ hôi từ những đôi quang gánh trên đường. Tôi còn nhớ tiếng rao “Ai mua muối không…!” lọt thỏm, tan chảy theo cái nắng như thiêu đốt giữa trưa hè của những người đi bán muối...

Những hạt trắng phau cứ đung đưa trên đôi thúng nặng quằn vai của người diêm dân đi đổi muối lấy lúa. Vượt mấy chục cây số từ biển lên nguồn, giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt cháy nám vì nắng gió của họ còn mặn hơn những hạt muối trong đôi quang gánh trên vai kia. Những gánh muối trắng phau giữa trưa hè tận năm nào như một ký ức không thể nào quên của một thời khốn khó...

 Rồi cứ một tháng đôi lần, tôi lại thấy cô hàng mắm quảy đôi gánh mắm từ cửa biển lên. Cái mùi khăm khẳm của thứ mắm nêm còn bay xa hơn lời cô rao giữa cái nắng tháng năm... Đặt đôi gánh mắm nơi đầu ngõ, cô cầm cái nón phe phẩy như xua đi chút mệt nhọc cho đôi vai gầy thêm bớt nặng...

Từng lon mắm vơi đi trên suốt quãng đường mưu sinh những tưởng giúp cô trút bớt chút nhọc nhằn ở lại. Trên quãng đường về, đôi vai ấy lại gồng lên với lúa và gạo đổi được từ mắm theo cô về biển... Những đôi quang gánh cứ nặng quằn trên đôi vai người phụ nữ ngày xưa khi mà phương tiện chuyên chở xe đạp là thứ xa xỉ còn chưa phổ biến...

 Tôi nhớ khi còn nhỏ theo dì đi chợ, đôi thúng chất đầy bánh tráng cứ đung đưa nhịp nhàng theo từng bước chân của ngoại và dì. Phía sau lưng là thằng cháu nhỏ chạy lon ton theo với đôi chân mỏi nhừ... Thế giới trước mắt là những đôi quang gánh với lỉnh kỉnh hàng hóa nào là bánh tráng, rau tươi, vài ba con gà, chục trứng…bày đầy ra hai bên đường trước chợ. Người ta đi chợ bằng quang gánh chứ không bằng giỏ xách như bây giờ...

Những đôi thúng kẽo kẹt trên vai các bà, các cô đổ về chợ rồi lắc lư nhẹ tênh trên quãng đường về. Có những hôm đôi chân rã rời của mình không theo kịp, tôi được dì cho ngồi vào một đầu thúng gánh về... Có nhiều hôm tôi ra tận ngoài đường lớn chờ ngoại đi chợ về để được rúc đầu vào đôi quang gánh lục lấy những cục đường tán còn đen mùi mật mà ngoại mua cho cắn côm cốp trong tiếng mắng yêu của bà:

ganh-hang-1639473188.jpg 

- Cha mày! Ham ăn gì mà bà chưa kịp cất đôi thúng hả con... Ngoại tôi đã về miền viễn xứ tận mấy chục năm rồi nhưng đôi quang gánh của bà thi thoảng vẫn con lắc lư trong những giấc mơ của thằng cháu ngoại tóc đã ngã màu... Đôi thúng, đôi giỏ, đôi chàng, đòn gánh, đòn xóc… đã trở thành những vật dụng quá đổi quen thuộc khi mà sự vận chuyển lúc bấy giờ phụ thuộc vào phần lớn đôi vai của con người...

Những chiếc đòn gánh mòn nhẵn thín, những đôi vai chai sần theo năm tháng của những người mẹ, người bà cùng đôi quang gánh mưu sinh trên vạn dặm nẻo đường... Họ giành gánh luôn trên vai bao nỗi cơ cực để cho con mình, cháu mình được nhẹ....

Thương thay những bà cụ bây giờ tuổi đã gần đất xa trời mà đôi quang gánh vẫn còn chưa rời khỏi đôi vai già nua. Nó gắn liền với họ cho đến lúc những bước chân kia không còn nhấc nổi... Tôi hỏi bà cụ bán chổi đót thì được biết ông bà không có con cháu ở gần. Hàng ngày ông bó chổi cho bà gánh đi bán...

 Nhìn bà chống gậy đi xiêu vẹo trên hè phố, mấy anh em ngồi uống cà phê nhìn theo xót xa. Có hôm ngồi uống trà cùng anh bạn, tôi gặp bà cụ đã trên tám mươi tuổi vẫn thường gánh chuối qua con đường trước trường mỗi sáng... Đôi vai bà không còn gánh nổi nữa nên bà đặt đôi quang gánh lên gác ba ga chiếc xe đạp cũng cũ nhàu như cuộc đời bà để đẩy đi... Chuối bán xong, trên đường về ai cho gì bà xin nấy từ vỏ lon bia, giấy vụn cho đến thức ăn. Bà nở nụ cười cảm ơn tôi mà nét mặt đau khổ như mếu khi tôi biếu bà năm mươi nghìn đồng...

Tôi vẫn thường gom những thứ linh tinh để dành cho bà đi ngang qua lấy. Có khi biếu bà ít tiền vì hoàn cảnh bà tội lắm...

 Khi người ta đã thay đôi vai bằng những phương tiện chuyên chở hiện đại, những đôi quang gánh vẫn còn đung đưa theo bước chân của bao mảnh đời khốn khó mới thấy thương cho những phận người... Kế mưu sinh gắn cuộc đời họ với đôi quang gánh để giờ đây ta thấy họ lạc lõng, lẻ loi trong thế giới hiện đại này...

 Những đôi quang gánh ta thấy đâu đó trên đường như nhắc ta nhớ rằng ta cũng đã từng lớn khôn nhờ những đôi thúng, đôi giỏ oằn vai mẹ cha ta năm xưa để cho vai ta bớt nặng... Đến một lúc nào đó trong cuộc đời dù ta có muốn đỡ lấy gánh nặng của những bậc sinh thành cũng không còn cơ hội khi mà đôi quang gánh đã theo mẹ cha ta đi vào cõi hư vô...

Tiếng hát của người ca sĩ cứ văng vẳng trên chiếc smartphone mà tôi đã bật tự khi nào...

“ Cho con gánh mẹ một lần

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con...

Cho con gánh mẹ đầu non

Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời…”

Chợ đời...một ngày thu Hà nội

 

Theo Chuyện làng quê