Ngày 24.12, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động tại một số sạp hàng thuộc các khu chợ dân sinh, các hàng quán cung cấp, phục vụ, chế biến sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn thủ đô liên tục treo biển thông báo tăng giá bán.
Cụ thể, tại chợ Láng Thượng (phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) theo một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn, giá thịt lợn đồng loạt tăng cao trong thời gian kéo dài khiến công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng khiến người mua buộc phải thắt chặt chi tiêu, chuyển hướng sử dụng sang các mặt hàng thực phẩm khác. Tuy nhiên không vì thế mà giá thịt lợn có dấu hiệu chững lại.
Tại các khu vực chợ tại và chợ truyền thống, giá thịt lợn tăng không ngừng mỗi ngày. Ảnh: Tùng Giang.
Theo một tiểu thương, giá bán lẻ thịt ba chỉ, nạc vai và sườn lợn ở mức 170 nghìn đồng/kg, thịt mông 150 nghìn đồng/kg, còn móng giò 120 nghìn đồng/kg. Theo đó, vì ảnh hưởng giá cả thị trường nên các mặt hàng như thịt bò, thịt gia cầm cũng ồ ạt tăng giá.
"Vì giá thịt lợn tăng mạnh nên các nhà hàng kinh doanh ăn uống nhập nguyên liệu từ thịt lợn về cũng phải tăng theo. Trước đây, giá sụn lợn ở mức từ 110 - 120 nghìn đồng/kg, thì đến nay đã tăng lên 190 nghìn đồng/kg", một tiểu thương cho biết.
Những món ăn quen thuộc chịu ảnh hưởng lớn từ giá lợn tăng. Ảnh: Tùng Giang.
Theo khảo sát, tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn Hà Nội, mức tăng giá phổ biến vào khoảng 5.000 - 10.000 đồng/suất. Bánh cuốn tăng khoảng 5.000 đồng/suất; bánh mì pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; bún đậu đang có giá 25.000 đồng/suất nay cũng tăng giá lên 30.000 - 40.000 đồng/suất. Rất nhiều hàng quán cùng treo biển thông báo tăng giá bán.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hằng (chủ một quán bánh mì trên đường Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hơn 1 tháng nay, quán chị gặp rất nhiều khó khăn do giá thịt tăng mạnh. Bánh mỳ đa phần là các nguyên liệu làm từ thịt lợn như thịt ba chỉ, pate, thịt băm, chả… nên chị đành phải tăng giá bán.
"Mình tăng giá bán khách hàng sẽ không cảm thấy thoải mái, nên mình treo thêm biển thông báo lý do tăng giá để khách hàng hiểu và thông cảm. Nhưng dù sao cửa hàng cũng bị ảnh hưởng nhiều vì giá cả leo thang quá mức", chị Hằng than thở.
Quán bún chả xin tăng giá từ 30 lên 35 nghìn đồng/suất. Ảnh: Tùng Giang.
Anh Quang chủ một quán bún chả nằm trên mặt phố Trung Kính chia sẻ, thời gian này cửa hàng của anh luôn phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm kể từ khi anh treo biển thông báo tăng giá bán.
"Thật sự mình không muốn tăng, nhưng trụ không nổi nữa. Thịt lợn tăng giá đến chóng mặt khiến chi phí vốn bỏ ra lớn. Nếu cố giữ mức giá cũ thì vốn cũng khó đảm bảo chứ chưa nói đến lời". Anh Quang cho biết.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến bàn kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều 23.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian qua, có thông tin giá lợn hơi lên rất nhanh.
"Tôi phải nói lại, giá lên không phải là chúng ta không có lợn, dịch có khiến đàn lợn giảm nhưng phải khẳng định chúng ta không thiếu nhiều, cần thiết nhập thêm mấy ngàn tấn thịt để bình ổn, hiện, giá lợn hơi đã chững lại. Nhân đây, tôi đề nghị, ai tung tin đồn nhảm thiếu thịt, giá tăng; ai găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm" - Thủ tướng nhấn mạnh.