“Giải thưởng Sách Quốc gia” là giải thưởng của Nhà nước được tổ chức hằng năm, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện.
Giải thưởng được trao cho những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, các nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản; góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc; thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển.
Tham dự giải lần này có 47 nhà xuất bản tham gia, với 284 bộ sách và tên sách, gồm 365 cuốn, thuộc 5 mảng: Chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi. So với mùa giải lần thứ ba, mùa giải lần này ít hơn 1 nhà xuất bản tham gia, nhưng nhiều hơn 29 tựa sách và 3 cuốn sách.
Số lượng sách tham dự tập trung vào các mảng: Văn hóa, văn học và nghệ thuật có 74 tên sách và bộ sách, gồm 94 cuốn; chính trị, kinh tế có 64 tên sách và bộ sách gồm 77 cuốn; khoa học xã hội và nhân văn có 62 tên sách và bộ sách gồm 71 cuốn; khoa học tự nhiên và công nghệ có 57 tên sách và bộ sách gồm 61 cuốn; thiếu nhi có 27 tên sách và bộ sách, gồm 62 cuốn.
Năm nay, “Giải thưởng Sách quốc gia” đã tìm ra 24 tên sách, bộ sách để tôn vinh trong đó có 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C thuộc 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi.
Giải A được trao cho 2 tác phẩm: “Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người”, tác giả Jared Diamond, người dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, Nhà xuất Thế giới, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Omega Việt Nam; “Chang hoang dã - Gấu”, tác giả và lời: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, Nhà xuất bản Kim Đồng.
Cuốn “Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người” của tác giả Jared Diamond xuất bản vào năm 1997, đây cuốn sách khoa học phổ thông thứ hai và nổi tiếng nhất của ông. Cuốn sách cung cấp một lược sử về các xã hội của loài người trong khoảng 13 nghìn năm trở lại đây. Cuốn sách tập trung tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục 1 khác. Với 4 phần chính chia làm 20 chương sách, tác giả chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi đã sản sinh ra các xã hội khác nhau trên khắp các châu lục hiện nay.
Tuy cuốn sách về lịch sử đã qua song chủ đề của nó lại có ý nghĩa quan trọng trong thế giới hôm nay. Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau là cái định hình thế giới hiện đại. Sách đã được trao giải Pulitzer năm 1997. Bản dịch tiếng Việt được đánh giá dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn.
Còn sách tranh “Chang hoang dã - Gấu” của tác giả Trang Nguyễn đã chinh phục giới làm sách và bạn đọc bởi lời dẫn, tranh sinh động, gửi thông điệp về giá trị của thiên nhiên, sự sống của trái đất và muôn loài. Đồng thời đây cũng là câu chuyện đầy cảm hứng khích lệ những trái tim nhỏ bé dám dấn thân thực hiện ước mơ bằng ngọn lửa bừng sáng.
Sách dựa trên trải nghiệm của chính tác giả Trang Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Trang) - nhà sáng lập và giám đốc điều hành WildAct (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam).
Cuốn sách kể hành trình đưa chú gấu Sorya về với thiên nhiên. Khi 8 tuổi, trong một lần đi học về, nhân vật Chang vô tình chứng kiến cảnh những chú gấu bị hành hạ trong trại để lấy mật. Hình ảnh khiến cô hứa với bản thân khi lớn lên sẽ không để các loài động vật hoang dã bị hành hạ như vậy nữa. Sau khi ra mắt bạn đọc Việt, cuốn sách đã được phát hành tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc; được mua bản quyền để xuất bản ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Nga...
Sau khi nhận giải B sách “Chuyện của anh em nhà Men & Kya”, nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt hai cháu mình, chuyển toàn bộ tiền giải thưởng tặng cho một số cháu cùng lứa tuổi với Mem & Kya ở TP. Hồ Chí Minh mồ côi cha mẹ vì covid 19. “Cho dù về vật chất chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng đó là tình cảm của hai cháu tôi. Bởi các cháu tôi hiện may mắn hơn rất nhiều những đứa trẻ cùng tuổi phải sống thiếu cha mẹ cho đến hết đời. Không có bất cứ thứ gì có thể bù đắp cho sự mất mát ấy của các cháu mồ côi cha mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua. Sau này các cháu tôi lớn lên, tôi sẽ nói với các cháu rằng: các cháu đã biết chia sẻ với những thiệt thòi, mất mát của những người bạn cùng trang lứa, các cháu hãy tiếp tục sống với tình thường yêu và sự chia sẻ với đồng loại của mình. Nếu không cuộc đời các cháu chẳng có ý nghĩa gì cả”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự trên trang cá nhân.
Không chỉ có nghĩa cử nhân ái, xúc động với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, văn học cho thiếu nhi cũng là trăn trở của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho rằng, nhu cầu của những đứa trẻ, của các bậc phụ huynh, của những người luôn luôn suy nghĩ về chiến lược giáo dục cho trẻ em là rất lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nét nổi bật trong mùa giải lần này là mảng sách thiếu nhi. Tuy số lượng không nhiều so với các mảng sách khác, thể loại khá phong phú, chất lượng được đánh giá cao hơn so với những năm trước. Trong mùa giải này, sách thiếu nhi chiếm 1 giải A, 4 giải B, 2 giải C.
Để giải thưởng sách quốc gia tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tổ chức tốt hơn nữa giải thưởng sách quốc gia hàng năm; nâng tầm giải cả về quy mô và chất lượng tác phẩm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho giải thưởng, huy động sự tham gia tích cực của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành các tác giả dịch giả cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội đối với giải thưởng. Qua đó, đưa giải thưởng sách quốc gia trở thành một trong những giải thưởng uy tín, một thước đo về hiệu quả chất lượng của công tác xuất bản.
"Chúng ta phải làm sao tiếp tục là đưa sách đến với nhân dân, phải làm sao đưa xuống nhanh nhất và nhân dân được tiếp cận nhiều nhất để góp phần vào việc học tập, nâng cao trình độ về văn hóa về tinh thần và hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ trong tình hình mới. Sau giải thưởng này, Ban tổ chức và các cơ quan chức năng chúng ta cần đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền các tác phẩm được giải thưởng, phối hợp với các đài phát thanh truyền hình xây dựng các chuyên trang chuyên mục giới thiệu sách hay sách có giá trị và số hóa các tác phẩm nhằm lan tỏa rộng rãi các tác phẩm đạt giải tác phẩm hay đến đông đảo bạn đọc", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Sáng tác cho thiếu nhi cũng là một hoạt động đáng ghi nhận của Quán Chiêu văn trong năm 2021 với tác phẩm “Ban mai kỳ diệu” (gồm 2 tập). “Ban mai kỳ diệu” gồm 50 truyện ngắn được chọn ra từ 250 tác phẩm tham dự cuộc thi “Viết cho thiếu nhi” do Quán Chiêu văn tổ chức năm 2021. “Sách xuất bản để dành tặng cho thư viện của 36 trường học ở 15 tỉnh và 5 làng trẻ em SOS trên cả nước, số lượng phát hành 2.000 cuốn”, nhà văn Trịnh Đình Nghi cho biết. Điều đặc biệt là trong “Bam mai kỳ diệu”, giáo dục về môi trường, bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã, đa dạng sinh học cho trẻ em, nhiều tác giả đã khai thác thành công.