Cách đây một tháng, nhà văn Phạm Phú Thép - Thường vụ Hội VHNT Quảng Bình, Chi hội trưởng VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch đưa tin trên trang cá nhân về việc thành lập Giải thưởng VHNT mang tên Nguyễn Hàm Ninh, những người yêu văn chương trong tỉnh Quảng Bình, người Quảng Bình sống, làm việc trong và ngoài nước đều vui mừng.
Nhà văn Phạm Phú Thép còn cho biết, đã lo xong kinh phí cho cuộc "sát hạch", trao giải lần thứ nhất. Thường khâu kinh phí là "cửa ải" rất khó vượt qua, nhưng bằng uy tín, sức thu hút của mình, ông đã huy động được nguồn kinh phí theo cách thức nói đã thành quen là "xã hội hóa".
Hôm qua (20/01), cũng trên trang cá nhân, nhà văn Phạm Phú Thép công bố Thể lệ (dự thảo). Theo đó, nội dung cơ bản gồm:
- Mục đích thành lập giải nhằm tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo VHNT của các tác giả là con em người Quảng Bình, đồng thời kích thích nguồn sáng tạo của lực lượng sáng tác trẻ Ba Đồn - Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình.
- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh là giải thưởng do Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch tổ chức một năm một lần, trao cho duy nhất một tác phẩm hoặc một tác giả. Giải thưởng dành cho tất cả các tác giả người Quảng Bình trong và ngoài nước. Năm chẵn trao cho tác phẩm, năm lẻ trao cho tác giả.
- Giải thưởng bắt đầu từ năm 2022. Giải tác phẩm trao cho các tác phẩm được công bố hai năm trước. Văn: Các tác phẩm được in thành sách. Sân khấu - Điện ảnh: Kịch dài và phim dài. Hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc: Chùm tác phẩm. Kiến trúc: Công trình lớn hoặc cụm công trình. Giải tác giả trao cho các tác giả có nhiều đóng góp cho Văn học nghệ thuật trong 10 năm trở lại.
- Mỗi giải 20 triệu đồng tiền mặt và 1 thùng rượu Bố Chính được trao vào ngày 26 tháng 3 hàng năm.
- Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch kêu gọi văn nghệ sĩ người Quảng Bình trong và ngoài nước giới thiệu tác phẩm của mình và của đồng hương Quảng Bình về dự giải thưởng Nguyễn Hàm Ninh theo địa chỉ: Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch, Đường Đào Duy Từ - Thị xã Ba Đồn - Tỉnh Quảng Bình.
Hôm nay (21/01), báo Văn Nghệ - cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam trang trọng đưa tin "Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh".
Vậy, Nguyễn Hàm Ninh là ai và vị trí của ông trong lịch sử là gì?
Theo tư liệu Khoa Văn học – Đại học Huế thì Nguyễn Hàm Ninh 阮咸寧 (1808-1868) tự Thuận Chi 順之, hiệu Tĩnh Trai 靜齋, Nhâm Sơn 壬山; xuất thân trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống hiếu học ở làng Phù Ninh, sau cha ông chuyển cả gia đình đến làng Trung Ái (sau đổi thành làng Trung Thuần), nay thuộc thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 21 tuổi (1829), Nguyễn Hàm Ninh đỗ tú tài; 23 tuổi (1831) đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở trường Thừa Thiên (kỳ thi vào tháng 7 năm 1831), làm quan dưới ba triều vua Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức.
Về văn học, theo Bách khoa toàn thư mở, Nguyễn Hàm Ninh là một danh sỹ. Tác phẩm Nguyễn Hàm Ninh để lại, gồm có: 1. Tác phẩm bằng chữ Hán là: Tĩnh Trai thi tập (hay Nhâm Sơn thi tập), Tĩnh Trai thi sao (Bản sao thơ Tĩnh Trai), Dược sư ngẫu đề (Đề vịnh ngẫu hứng khi đi làm thuốc). 2, Tác phẩm bằng chữ Nôm có: Phản thúc ước (Đây là bài văn tứ lục nhằm chống lại bài văn thúc ước (là các bài văn tế được đọc trong lễ tế thần hằng năm ở làng. Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ, bài ca trù viết bằng chữ Nôm.
Nguyễn Hàm Ninh và Cao Bá Quát chính là bạn thơ trong lịch sử. Đại Nam chính biên liệt truyện (do Cao Xuân Dục làm tổng tài) có đoạn viết: "(Nguyễn) Hàm Ninh lấy văn học nổi tiếng. Về thơ văn thời trầm tĩnh, hùng mạnh; khi đè nén, khi phô trương, và sở trường về lối ngũ ngôn. Thương Sơn công (tức Tùng Thiện Vương) vẫn thường khen (thơ ông)".
Nguyễn Hàm Ninh thật xứng đáng được đặt tên cho Giải thưởng VHNT ở chính quê hương ông. Nhà văn Phạm Phú Thép cho biết, Chi hội VHNT Ba Đồn - Quảng Trạch tổ chức giải thưởng xứng đáng với tên gọi danh sỹ Nguyễn Hàm Ninh. tôn vinh được những thành quả lao động sáng tạo VHNT của các tác giả là con em người Quảng Bình, đồng thời kích thích sáng tạo của lực lượng sáng tác trẻ Ba Đồn - Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình, góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường.