Học giả Đào Duy Anh (1904 - 1988) |
Đọc "Nhớ nghĩ chiều hôm" của học giả Đào Duy Anh, chúng ta thấy cuộc đời và sự nghiệp của ông, cũng như nhiều Nho gia cùng thời là sự diễn biến của tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc nồng nàn đến hoạt động nghiên cứu khoa học luôn trăn trở trước vận mệnh dân tộc và chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cuốn sách dày 600 trang gồm 30 mục phần hệ thống lại những nhóm đề tài lớn mà ông đã dành tâm huyết nghiên cứu qua các giai đoạn lịch sử: Từ sơ lược về cuộc đời sự nghiệp, những nghiên cứu trước cách mạng tháng Tám; Nghiên cứu Từ điển học, Sử học; Nghiên các các dòng trào lưu tư tưởng ảnh hướng đến văn hóa Việt Nam; Chủ nghĩa Mác, tư tưởng của thời đại...Đến những vấn đề Dân tộc học, văn hóa học; Hồ Chí Minh với dân tộc, Trí thức Việt Nam với dân tộc và cách mạng; Thanh niên, tương lai của dân tộc; Vận mệnh và sứ mệnh của dân tộc...Cuốn sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của học giả Đào Duy Anh (1904 - 2004).
Từ tinh thần yêu nước đến học giả lỗi lạc
Học giả Đào Duy Anh (1904 - 1988) sinh tại Thanh Hóa, nguyên quán làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tổ tiên họ Đào thế kỉ XV có Anh liệt tướng quân Đào Đình Lãng đã từ Khúc Thủy tìm vào Lam Sơn theo phò Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập Tổ quốc, được phong Thượng tướng khinh xa.
Năm 1923, tốt nghiệp Thành chung (cấp 3) tại Trường Quốc học Huế, Đào Duy Anh đã chọn nghề nhà giáo, dạy Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình) chứ không chịu làm công chức cho chính quyền thực dân Pháp. Sau buổi tiếp xúc với chí sĩ Phan Bội Châu tại Đồng Hới, Đào Duy Anh đã từ chức giáo học để "thoát chốn ao tù", dấn thân vào hoạt động chính trị văn hoá "tìm nơi trời cao biển rộng" để có điều kiện "mở mang tri thức".
Năm 1926, khi bắt đầu viết báo chữ Pháp và thấy những bài viết của mình nói về thời sự trong nước đều được đăng tải trên tờ báo Echo Annamite của Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn, Đào Duy Anh hào hứng làm báo.
Năm 1927, ông gia nhập tổ chức yêu nước có tên Việt Nam cách mạng Đảng. Cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông ra báo Tiếng dân tờ báo Việt đầu tiên của xứ Trung Kỳ. Sau đó, ông trở thành Tổng Bí thư của tổ chức yêu nước Việt Nam Cách mạng Đảng khi tổ chức này đổi tên là Tân Việt Cách mạng Đảng năm ông mới 24 tuổi.
Năm 1928, học giả Đào Duy Anh sáng lập Quan Hải tùng thư với sự cộng tác của nhiều trí thức yêu nước như: Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu…để xuất bản những sách phổ cập về tư tưởng khoa học, tư tưởng duy vật lịch sử nhằm mở mang dân trí, ngầm truyền bá tinh thần yêu nước. Ông cũng dịch nhiều đầu sách để góp phần đấu tranh chính trị và văn hóa lúc bấy giờ nhằm bước đầu truyền bá những tri thức khoa học xã hội và những tư tưởng tiên tiến của thời đại.
Cuốn hồi ký chú giải rõ những nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh |
Do đứng đầu tổ chức yêu nước, hoạt động cách mạng nên ông và người vợ chưa cưới, bà Trần Thị Như Mân, bị thực dân Pháp bắt giam từ năm 1929 đến năm 1930. Ra tù, ông bà cưới nhau, bà mở cửa hàng sách báo và một trường tư thục là Trường Nữ giáo cho học sinh nữ ở các tỉnh miền Trung vào học. Đào Duy Anh quay lại sự nghiệp dạy học ở trường này, rồi dạy thêm ở trường tư thục Thuận Hóa.
Những công trình ông nghiên cứu biên soạn trước năm 1931 như: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì? Dân tộc học là gì?...Từ điển học là lĩnh vực ông quan tâm nghiên cứu đầu tiên. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển lớn "Hán - Việt từ điển" (1932) và "Pháp - Việt từ điển" (1936). Đây là những sách công cụ tra cứu rất cần thiết lúc bấy giờ. Đồng thời là cây cầu nối giữa hai lớp người, xóa bỏ "khoảng cách thế hệ" trước hết về mặt ngôn ngữ, tạo ra tiếng nói chung giữa lớp người già theo Nho học và lớp người trẻ theo Tây học.
Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc, cũng như nhiều trí thức khác, khát vọng của ông là gây dựng được một nền văn hóa riêng cho dân tộc mình, một nền văn hóa có bản sắc, có khả năng thâu thái tinh hoa của các dân tộc khác nhau và nhất là phải độc lập trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với thế giới. Cả cuộc đời ông đã đeo đuổi, kiên trì và nhất quán cho sự nghiệp tinh thần đó với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn, cần cù lao động khoa học và với một tấm lòng yêu văn hóa dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời mà không dễ gì có thể vượt qua.
Học giả Đào Duy Anh là nhà sử học, từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, tác giả của những công trình lịch sử, văn hóa có giá trị như: Hán - Việt từ điển (1932); Pháp - Việt từ điển (1936); Việt Nam văn hóa sử cương (1938); Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938); Trung Hoa sử cương (1942); Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943); Lịch sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956); Cổ sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956); Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập: "Nguồn gốc dân tộc Việt Nam", "Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc", "Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt", "Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến"; Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957); Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958); Đất nước Việt Nam qua các đời (1964); Từ điển Truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản năm 1974); Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975)...
Ngoài ra, ông còn hiệu đính, biên dịch, chú giải: Lịch triều hiến chương loại chí(1961 - 1962); Đại Nam thực lục (1962 - 1977); Phủ biên tạp lục (1964); Đại Việt sử ký toàn thư (1967 - 1968); Đại Nam nhất thống chí (1969 - 1971); Binh thư yếu lược (1970); Gia Định thành thông chí; Nguyễn Trãi toàn tập (1969); Khóa hư lục (1974); Sở từ (1974); Truyện Hoa Tiên (1978); Thơ chữ Hán Nguyễn Du" (1988); Chú giải Kinh Thi, "Đạo Đức Kinh và học thuyết của Lão Tử"...
Qua những công trình trên có thể thấy, lĩnh vực sử học là lĩnh vực ông dành nhiều tâm sức xuyên suốt cuộc đời. Ở ông nổi bật đó chính là tinh thần tự học, tự nghiên cứu, là lòng hăng say tích lũy tri thức, không ngừng bổ sung cập nhật, là ý thức tìm tòi, khám phá trong học thuật.
Với tinh thần của một nhà nho yêu nước, tiếp xúc với những luồng tư tưởng canh tân và đứng trên lập trường của Chủ nghĩa Mác-xit, Học giả Đào Duy Anh coi lịch sử là phương tiện tốt nhất để thức tỉnh hồn nước, đặc biệt là để nhận diện ở tầm học thuật vấn đề bức thiết khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền sử học thế giới và khu vực.
Người thầy của nhiều nhà khoa học uy tín
Sau Cách mạng Tháng Tám, học giả Đào Duy Anh không nhận đề nghị làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ mà chỉ nhận chức vụ Ủy viên Ủy ban Kiến thiết Quốc gia theo Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945 cùng với các nhân sĩ trí thức khác để tập trung vào công việc nghiên cứu và hoạt động văn hóa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), ông đảm nhận nhiều công tác văn hoá và giáo dục quan trọng ở Trung ương và Liên khu IV (Uỷ viên Chi hội văn nghệ kháng chiến; Trưởng ban Văn - Sử - Địa thuộc Bộ Giáo dục; Giáo sư trường Dự bị đại học và Trường Sư phạm cao cấp Liên khu IV).
Từ năm 1955 - 1960, ông là Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó làm chuyên viên Viện Sử học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông có công lao to lớn trong việc đào tạo cán bộ nghiên cứu Sử học Việt Nam. Đây chính là giai đoạn học giả Đào Duy Anh có những công trình quan trọng về sử học, văn học, văn bản học. Nhiều người đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học giữ vai trò đầu ngành trong sự nghiệp phát triển nền sử học Việt Nam hiện đại, trong đó có "tứ trụ" của ngành Sử học ngày nay là GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê và GS Đinh Xuân Lâm…
Vợ chồng Giáo sư Đào Duy Anh và các hậu bối là những nhà khoa học có uy tín |
Trong những năm từ 1960 đến 1970, ông dịch, hiệu đính chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, sử học như: Lịch triều hiến chương loại chí lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du... Ngoài ra ông còn biên khảo chữ nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, dịch Khoá hư lục của Trần Thái Tông...
Có thể nói, học giả Đào Duy Anh là một nhà từ điển học đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, tác phẩm "Việt Nam văn hóa sử cương" của Đào Duy Anh cùng với "Văn minh An Nam" (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam một cách khoa học.
Với giới nghiên cứu trong và ngoài nước, học giả Đào Duy Anh là một trong những người có công xây dựng nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga và trở thành những cẩm nang nghiên cứu về Việt Nam học đối với người nước ngoài. Trong đó, cuốn Cổ sử Việt Nam (1955), được Viện Phương Đông Liên Xô dịch in. Năm 1957, công trình đó được bổ sung thành Lịch sử cổ đại Việt Nam, được Viện Khoa học Trung Quốc dịch in năm 1959 tại Bắc Kinh.
Sáng mãi truyền thống vàng son
Cũng giống như gia đình cụ Phan, cụ Phó bảng, họ Tạ ở Hoành Sơn và nhiều nho gia yêu nước khác ở đầu thế kỷ XX, gia đình của cụ Đào là một gia đình giàu truyền thống cách mạng, yêu nước nồng nàn, trọng tri thức và tinh thần hiếu học. Vợ, các con, các cháu và các chắt của học giả Đào Duy Anh cũng đều là những người thành đạt, có ảnh hưởng trong cộng đồng.
Học giả Đào Duy Anh và phu nhân |
Bà Trần Thị Như Mân, phu nhân của học giả Đào Duy Anh vừa là người đồng chí cùng hoạt động cách mạng vừa là người trợ lý đặc biệt của học giả Đào Duy Anh. Bà sinh năm 1907, là cháu nội của cụ Trần Tiễn Thành, Thượng thư bộ Binh triều Tự Đức, Văn Minh điện đại học sĩ, phụ chính đại thần sau khi vua Tự Đức qua đời, là người đã bảo trợ các nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, giới thiệu họ với nhà vua. Bà là con của Giải nguyên Trần Tiễn Hối, Tổng đốc Nghệ An. Năm 1925, khi đang làm giáo viên trường nữ trung học Đồng Khánh thì được tin cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải, bị dẫn độ về nước, và bị tòa đề hình Hà Nội kết án tử hình, bà cùng với một số bạn đồng nghiệp cùng chí hướng đánh điện cho Toàn quyền Varenne xin ân xá cho cụ Phan. Sau đó, bà cùng mẫu thân của nhà báo Hải Triều, lập Nữ công học hội là tổ chức xã hội phụ nữ đầu tiên của nước ta ở Huế. Tại đây, cụ Phan Bội Châu, bấy giờ bị Pháp an trí ở Huế, ủng hộ và đến nói chuyện về phong trào phụ nữ trên thế giới. Sau khi ra khỏi nhà tù thực dân vì tham gia những phong trào yêu nước, bà tham gia các hoạt động nghiên cứu cùng học giả Đào Duy Anh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 với uy tín của mình, bà được mời làm hội trưởng Hội Phụ nữ Thừa Thiên Huế và trải qua nhiều vị trí công tác khác tại Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.
Người em trai của học giả Đào Duy Anh là nhà hoạt động cách mạng tiền bối, nhà nghiên cứu Đào Duy Dếnh, tên thường gọi Đào Phan (1920 - 1996). Năm 1938, ông làm Trưởng ban cán sự Đảng tại TP Huế. Bị thực dân Pháp bắt giam, ông đã vượt ngục về công tác ở Thuận Hải. Năm 1940, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1942, ông bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông về đất liền và trở lại hoạt động ở Huế làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ, tập hợp những thanh niên trí thức đi đến tận những vùng rừng núi, những thôn xóm xa xôi hẻo lánh làm công tác tuyên truyền. Sau đó làm Trưởng ty Thông tin Thanh Hóa. Ông cũng đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên lâm thời. Năm 1947, ông làm Chủ nhiệm báo Quân du kích, tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ngày nay. Năm 1950 ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Vệ quốc quân. Sau đó ông chủ yếu làm công tác nghiên cứu. Quãng thời gian cuối đời, ông Đào Duy Dếnh hoàn thành ba công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa (315 trang); Hồ Chí Minh – Một nhân cách lớn (510 trang); Đạo Khổng trong văn Bác Hồ (375 trang). Đây là những tác phẩm có giá trị lớn phục vụ cho Hội thảo Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh của tổ chức UNESCO.
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (1931 - 2011) |
Người con trưởng của học giả Đào Duy Anh là Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Đào Thế Tuấn (1931-2011) là một nhà nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, nhiều bài viết được các báo, tạp chí trong và ngoài nước xuất bản. Từ năm 6 tuổi, ông Đào Thế Tuấn đã gia nhập Hướng đạo sinh, rồi Thiếu sinh Lê Lai đi theo các huynh trưởng hướng đạo như các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu...Tháng 5 năm 1950, ông Đào Thế Tuấn gia nhập quân đội, công tác ở Bộ Tổng tham mưu, lúc đầu thuộc Cục Tình báo, sau chuyển về ban bí thư của phó Tổng Tham mưu trưởng, chiến đấu ở bộ phận tham mưu tiền phương các chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Trung Du và Hoàng Hoa Thám ở Đông Bắc. Năm 1953, Đào Thế Tuấn khi được nằm trong số 50 thanh niên cử đi Liên Xô học. Công trình đầu tay của ông về Nông nghiệp được Viện hàn lâm Nông nghiệp xuất bản bằng tiếng Nga. Ông là Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô đào tạo năm 1958. Cuối năm 1958, Tiến sĩ Đào Thế Tuấn về nước công tác trong ngành nông nghiệp và có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng để thúc đẩy ngành nông nghiệp nước nhà. Tiến sỹ Đào Thế Tuấn được nhà nước phong học hàm giáo sư năm 1980 và năm 1985 được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô. Từ năm 1990, Giáo sư đảm đương vai trò phó chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu về Phát triển nông thôn KX-08. Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Giáo sư Đào Thế Tuấn vẫn miệt mài làm việc, tự mình biên soạn và xuất bản bản tin nhỏ Phát triển Nông thôn, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự nghiệp khoa học.
Ghi nhận công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong sự nghiệp khoa học và những đóng góp thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, Đảng, Nhà nước và quốc tế trao tặng ông Huân chương Chiến thắng Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Hai, Huân chương Công trạng Nông nghiệp của Pháp. Năm 2000 được trao danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa, năm 2005 được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra ông còn được thưởng các Huân chương Sĩ quan Công trạng Nông nghiệp, Sĩ quan Cành cọ Hàn lâm và Giải thưởng Rene Dumont. Nhưng đối với ông, vinh dự to lớn nhất là sự biết ơn của đông đảo nông dân Việt Nam, là tình cảm quí trọng của các lớp cán bộ, học sinh, đồng nghiệp.
Tác giả bài viết với những kỷ niệm làm báo cùng TS. Đào Thế Anh, cháu đích tôn của học giả Đào Duy Anh |
Tiếp nối truyền thống vàng son của gia đình, cháu đích tôn của học giả Đào Duy Anh, con của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là PGS, TS. Đào Thế Anh hiện là Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. PGS, TS. Đào Thế Anh hiện là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về hệ thống và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Ông vừa được Cộng hòa Pháp tặng thưởng Huân chương công trạng Nông nghiệp và được tôn vinh là một trong 53 nhà khoa học tiêu biểu vì nông dân Việt Nam.
Ngày 2/12/2020, tại Paris, Viện Hàn lâm Nông nghiệp Cộng Hoà Pháp đã tổ chức bầu thành viên Viện sĩ nước ngoài. Với số phiếu 147/148, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - VAAS, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO đã trở thành Viện sĩ viện hàn lâm khoa học Cộng hoà Pháp.
Những năm tháng cộng tác cùng PGS.TS Đào Thế Anh, người viết bài này vô cùng ngạc nhiên trước khả năng nghiên cứu và trình độ ngoại ngữ của chắt nội học giả Đào Duy Anh, cháu nội của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và con của PGS. TS Đào Thế Anh là em Đào Thế Hoàng. Năm 2017, để góp ý một cách khách quan đối với bài viết đầu tay của Thế Hoàng, PGS. TS Đào Thế Anh chuyển bản thảo bài viết “Suy nghĩ về tác dụng của nghệ thuật trong đời sống” đề nghị có ý kiến phản biện trước khi đăng tải trên một số tạp chí chuyên ngành. Tôi không tin đó là công trình nghiên cứu khảo nghiệm của một cậu học sinh lớp 11 nên đã đề nghị được chấp vấn với tác giả bài viết. Sau quá trình tiếp xúc với Thế Hoàng, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi khả năng nghiên cứu và phông kiến thức sâu rộng của em. Bài viết đã được đăng trên nhiều tạp chí trong sự ngỡ ngàng của nhiều cây bút gạo cội.
Đầu năm 2019, Đào Thế Hoàng (học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Siêu – Hà Nội) đã chứng tỏ là hậu dệu đầy triển vọng của học giả Đào Duy Anh khi em liên tiếp nhận thư mời nhập học từ 06 trường Đại học danh giá của Mỹ là Albion College, Rochester Institute of Technology, Ohio Wesleyan College, University of Maine, Augustana College và Whitworth University với tổng giá trị học bổng lên tới 618.400 USD (gần 14,5 tỷ đồng). Thế Hoàng là một trong số ít học sinh người Việt đạt điểm thành phần kỹ năng nghe 8.5 và kỹ năng đọc 9.0 của kỳ thi IELTS.
Đào Thế Hoàng, chắt nội của học giả Đào Duy Anh có tố chất nghiên cứu ngay từ nhỏ |
Với những đóng góp của học giả Đào Duy Anh để lại cho muôn đời một khối “tài sản” tri thức khổng lồ và vô giá đã đưa ông thành một “tượng đài” cho hậu thế noi theo. Ngày 11/09/1976, ông được Chính phủ phong hàm Giáo sư theo Quyết định số 162/CP. Năm 2000, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý ghi nhận những nỗ lực đóng góp cho khoa học và cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng âm thầm, bền bỉ. Ông được thế giới ghi tên vào bộ từ điển Larousse (Pháp) với tư cách là một Nhà bách khoa toàn thư của thời thế giới hiện đại. Năm 1995, một con phố tại khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) nơi ông sống những năm cuối đời được đặt tên là phố Đào Duy Anh.
Vương Xuân Nguyên
* Bài viết sử dụng một số từ liệu của đồng nghiệp và thể hiện văn phong, quan điểm của tác giả.