Hà Giang: Chế độ hỗ trợ học sinh dân tộc vùng cao Xín Mầm phát huy hiệu quả

Thầy giáo Tô Quang Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện vùng cao Xín Mần (Hà Giang) cho biết: Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện được củng cố và phát triển.

 

dt1-80-1635168951.jpgLớp học của các em trường Mầm non Thèn Phàng.

Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều đã có lớp mầm non, tiểu học; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở và nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ngày càng phát huy vai trò tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) cho các địa phương.

Cô giáo Trịnh Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thèn Phàng chia sẻ:  Năm học 2021 – 20122, trường có 394 học sinh với 20 nhóm lớp, có 10 điểm lẻ đều được bố trí người nuôi dưỡng.  Thèn Phàng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mầm có tới 99% là học sinh người dân tộc thiểu số, trong đó đa số các gia đình gặp khó khăn về đời sống. Việc Nhà nước hỗ trợ tiền nuôi ăn cho các cháu thực sự là niềm vui lớn đối với phụ huynh và giáo viên. Thực tế cho thấy, với những bữa ăn hiện nay có sự hỗ trợ từ nhà nước và đóng góp của gia đình chưa thể đầy đủ như mong muốn nhưng nhờ được hưởng chế độ 81 của Chính phủ hỗ trợ chi phí học tập và sự hỗ trợ theo tinh thần Nghị định 105/NĐ-CP của Chính phủ, khẩu phần ăn của các cháu được nâng cao hơn trước. Vì thế, tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường luôn đạt 90 – 95%.

dt2-52-1635169037.jpgChế biến thức ăn tịa trường PTDTBT tiểu học Thèn Phàng

 

Song song với chính sách tổ chức học sinh bán trú, Trường PTDTBT Tiểu học Thèn Phàng còn thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội đã và đang phát huy tốt hiệu quả, nhất là trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Hàng nghìn học sinh vùng khó khăn đã được cấp phát gạo theo định suất hàng tháng, theo từng học kỳ, bảo đảm các em yên tâm học tập, duy trì đều đặn số học sinh đến lớp, đồng thời chất lượng dạy và học toàn diện cũng được nâng lên. Do đó, trường không còn tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường. Cô giáo An Thị Vân, Phó hiệu trưởng PTDTBT Tiểu học Thèn Phàng

dt3-40-1635169089.jpgsấy bát và dụng cụ nhà bếp trường THCS Thèn Phàng

 

Chúng tôi thăm Trường THCS Thèn Phàng khi các nhân viên nấu ăn của trường đang chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Điều dễ nhận thấy khu vực bếp của trường gọn gàng, các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp... Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Dư, Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường có 113 học sinh ăn bán trú, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khu vực bếp ăn được bảo đảm theo quy trình “một chiều”, nhà bếp chia thành các khu riêng biệt, gồm khu chứa nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Bên cạnh đó, bếp được trang bị đủ các phương tiện, dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, như:  bếp ga, tủ ga nấu cơm, tủ sấy bát, tủ lạnh, bếp ga công nghiệp, máy xay thịt, bàn chế biến thực phẩm sống, bàn chia thức ăn chín… đều đảm bảo sạch sẽ. Nước uống phục vụ sinh hoạt cho giáo viên và học sinh bảo đảm an toàn, nguồn gốc thực phẩm được ký hợp đồng với các nhà cung cấp rõ nguồn gốc có giấy chứng nhận ATTP do Chi cục Vệ sinh ATTP. Nhân viên cấp dưỡng đều có kinh nghiệm, kỹ năng thực hành bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm; được trang cấp đầy đủ trang phục nhà bếp hợp vệ sinh và thực hiện nghiêm túc trong quá trình chế biến tại bếp ăn. Việc lưu mẫu thức ăn được nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc theo quy định. Để đảm bảo bữa ăn cho học sinh, trường đã thành lập Ban Quản lý bán trú (gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, kế toán, thủ kho, đại diện hội cha mẹ học sinh, tổ trưởng tổ nuôi dưỡng, nhân viên tiếp phẩm) và Tổ kiểm tra công tác bán trú đúng đủ các thành phần (gồm: Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Trưởng ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh, đại diện công đoàn, giáo viên chủ nhiệm). 2 tổ chức này thực hiện kiểm tra định kỳ trung bình 1 lần/tháng và kiểm tra đột xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, quy trình nấu nướng, phục vụ bữa ăn…

Để thúc đẩy phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi, ngành giáo dục huyện Xín Mần, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát thực hiện chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục, đề xuất thêm những chính sách bổ sung mang tính bền vững, phát huy nội lực, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trong giáo dục và đào tạo.