Lễ hội Lẩu Then Cốm vào tháng chín âm lịch hàng năm.
LVHDLCĐ Thôn Tha cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ); với 135 hộ dân, 100% là dân tộc Tày, các hộ đều giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Thôn Tha, với bề dày truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn và được trao truyền, bảo tồn qua các lễ hội cho đến nay, như: Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm; Lễ hội Lẩu Then Biéc Mạ vào tháng Ba âm lịch; Lễ hội Lẩu Then Cốm vào tháng Chín âm lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Quán, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ, cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển DLCĐ, xã đã xây dựng Nông thôn mới nâng cao chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng; tuyên truyền, vận động trồng cây cảnh quan; mở mang, nâng cấp khuôn viên nhà ở của các gia đình; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho những người kinh doanh homestay về công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ (đặc biệt học tiếng nước ngoài và nấu ăn); thành lập hợp tác xã phụ nữ, tổ chức câu lạc bộ đan lát, thêu thùa tạo ra các sản phẩm lưu niệm (túi, sọt, dây bao dao…). Chính vì vậy, đời sống của người dân được nâng lên, đặc biệt những hộ trực tiếp tham gia làm dịch vụ homestay thu nhập ổn định 20 – 30 triệu/tháng. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản của người dân đều mang lại thu nhập.
Với 7 hộ gia đình kinh doanh homestay, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thôn Tha đón trên 500 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, giảm 31,2 % so với cùng kì. Các hộ đều giữ được những nét truyền thống của nhà sàn; lưu giữ được những trang phục truyền thống của dân tộc Tày; mở các lớp hát Then, đàn Tính, lưu truyền đến các thế hệ sau.
Trong quá trình đô thị hoá nông thôn, bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở Thôn Tha vẫn luôn giữ được hồn Việt mộc mạc, thuần nhất. Bản sắc văn hóa này hiện đang được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng giữ gìn, bảo tồn và phát huy, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân. Hàng quý sinh hoạt văn hóa cộng đồng với các xã lân cận (Phương Thiện, Phương Tiến), 10/10 thôn, tổ có đội văn nghệ dân gian hát Then, đàn Tính phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, xã còn xây dựng các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương gắn với phát triển du lịch, tạo thu nhập cho người dân. Trong các bữa ăn, thường xuyên xuất hiện món ẩm thực đặc trưng như: Thịt vịt bầu, cá Bỗng, ếch, dúi… góp phần quan trọng trong việc khai thác phát triển du lịch.
Trưởng Thôn Tha, ông Nguyễn Văn Long, cho biết: Thôn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh cùng với kho tàng văn hóa phong phú, 100 % nhà trong thôn đều là nhà sàn truyền thống, rất phù hợp cho du khách tham quan, ngắm cảnh. Không chỉ có vậy, Thôn còn giữ được các nét văn hóa, phong tục tập quán, bản sắc dân tộc Tày với trang phục đặc trưng cùng với các lễ hội độc đáo, vì vậy đã tạo điều kiện phát triển loại hình DLCĐ.
Việc xây dựng loại hình DLCĐ đã đem lại nhiều thay đổi theo hướng tích cực đối với phát triển kinh tế cũng như bảo tồn được văn hóa đặc trưng của Thôn Tha. Để phát triển hơn nữa, cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng, đầu tư cho người dân phát triển các sản phẩm đặc trưng, có chính sách vay vốn ưu đãi, chỉnh trang, tu sửa nhà cửa để LVHDLCĐ Thôn Tha được phát triển bền vững.