“Cài cắm” nhiều quy định “lạ” trong HSMT
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Khoản 2 Điều 23) quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Tại Điểm a Mục 5 Chỉ thị 47/CT-TTg, ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, yêu cầu, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...
Quy định về xây dựng HSMT rất rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì Công ty Điện lực Ba Vì lại không áp dụng khi lập và phát hành HSMT theo quy định của pháp luật đấu thầu nói chung, quy định của Tập đoàn Điện lực nói riêng.
Điển hình với Gói thầu Cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây lắp công trình Thuộc hạng mục: Đại tu cải tạo hệ thống tiếp địa các đường dây trung áp thuộc lộ: 471, 374, 372, 475E1.7, 473 Đồng Bảng, 473E10.7.(Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) số 579/QĐ-PC BAVI ngày 29/05/2018)
Tại Hồ sơ yêu cầu (HSYC) gói thầu này, phần tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu/HS đề xuất (HSĐX), với nhân sự, Điện lực Ba Vì yêu cầu: chỉ huy trưởng công trình, chủ nhiệm (Cán bộ kỹ thuật) phụ trách thi công, công nhân tham gia thi công gói thầu phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với nhà thầu theo quy định của pháp luật và vẫn còn hiệu lực. Riêng với chỉ huy trưởng công trình phải có sổ bảo hiểm xã hội, hoặc giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm cho nhân sự này.
Cũng gói thầu xây lắp Gói thầu số 02: Thi công xây lắp công trình ĐTXD đợt 1 năm 2019” Các dự án ‟ĐTXD đợt 1 năm 2019 trên địa bàn huyện Ba Vì” (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 435/QĐ-PC BAVI ngày 20/03/2019); và Gói thầu: Thi công xây lắp công trình Đại tu hệ thống hòm công tơ khu vực Đội 4 quản lý (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 1813/QĐ-PC BAVI ngày 12/11/2019), yêu cầu các nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu phải đang làm việc chính thức cho nhà thầu, đồng thời nhà thầu phải cung cấp hợp động lao động đối với các nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu.
Rõ ràng, yêu cầu này của Công ty Điện lực Ba Vì là không đúng quy định của pháp luật, hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu, đi ngược lại Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa hết, HSMT một số gói thầu mua sắm thiết bị do Điện lực Ba Vì làm chủ đầu tư cũng đưa ra nhiều tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của các nhà thầu nằm ngoài mẫu HSMT mua sắm hàng hóa do Bộ Kế Hoạch và Đầu tư ban hành và Quyết định 156 về Quy chế công tác đầu tư xây dựng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam do Chủ tịch HĐQT Dương Quang Thành ký ngày 24/05/2018. Theo đó, Điều 37 của Quyết định 156 về tiêu chuẩn đánh giá nêu rõ: là phần không thể tách rời của HSMT và được lập phù hợp với Quy định của Luật Đấu thầu và Mẫu HSMT.
Tuy nhiên, tại HSMT Gói thầu số 05 “Mua sắm Thiết bị phục vụ các công trình ĐTXD đợt 1 năm 2019” và Gói thầu số 06 “Mua sắm thiết bị phục vụ các công trình ĐTXD năm 2019 đợt 2” thuộc các dự án đầu tư phát triển do Công ty Điện lực Ba Vì làm chủ đầu tư lại không tuân thủ quy định trên.
Cụ thể, phần tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính quy định tại HSMT của 02 gói thầu trên, Công ty Điện lực Ba Vì đã đưa hàng loạt các quy định “nằm ngoài” quy định pháp luật đấu thầu như : phải xác nhận của cơ quan thuế về nghĩa vụ thuế năm 2017; Số năm nhà thầu hoạt động không bị lỗ trong thời gian 2015-2017” (3 năm); Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn=Tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn (đạt mức >1).
Trong khi đó, theo hướng dẫn tại khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (mẫu số 01) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần tiêu chuẩn năng lực tài chính của nhà thầu chỉ cần quy định giá trị tài sản ròng năm gần nhất phải dương và yêu cầu nhà thầu kê khai số liệu tài chính theo báo cáo tài chính để cung cấp thông tin chứng minh tình hình tài chính lành mạnh
Cho phép nhà thầu bổ sung tài liệu đã đúng quy định?
Điểm b Mục 5 Chỉ thị 47/CT-TTg phần đánh giá HSDT/HSĐX cũng quy định: Phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo các yêu cầu nêu trong HSMT/HSYC, nội dung HSDT/HSĐX, tài liệu làm rõ HSDT/HSĐX (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch. Trường hợp có những thông tin cần làm rõ, yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp và giá dự thầu.
Điều 15 Nghị định 63/NĐ-CP quy định, đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.
Tuy nhiên, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với ‟Gói thầu số 02: Thi công xây lắp công trình ĐTXD đợt 1 năm 2019” Điện lực Ba Vì lại cho phép các nhà thầu được bổ sung tài liệu kỹ thuật sau thời điểm đóng thầu để HSDT của nhà thầu Liên danh Công ty TNHH Xây Lắp Điện Bảo Lộc, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hương Quỳnh và Công ty cổ phần DVT Hà Nội từ không đáp ứng “thành” đáp ứng.
Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật tại HSMT Gói thầu ( mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng) quy định: đối với các vật tư, vật liệu chính: nhà thầu phải có cam kết và tài liệu kỹ thuật của VTTB do nhà thầu cấp. Cam kết cấp hàng, hợp đồng nguyên tắc hoặc các tài liệu khác tương đương đối với đơn vị cung cấp hàng; đối với Các loại vật liệu phụ khác: nhà thầu phải có cam kết cấp hàng hoặc hợp đồng nguyên tắc. Trường hợp nhà thầu không cung cấp các tài liệu trên, HSDT được đánh giá không đáp ứng quy định tại HSMT của gói thầu.
Điều bất ngờ, dù HSDT của Nhà thầu Liên danh Công ty TNHH Xây Lắp Điện Bảo Lộc, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hương Quỳnh và Công ty cổ phần DVT Hà Nội thiếu những tài liệu trên nhưng Điện lực Ba Vì vẫn cho phép các thành viên trong liên danh được bổ sung tài liệu kỹ thuật.
Cụ thể, Điện lực Ba Vì cho phép nhà thầu Công ty TNHH Xây lắp Điện Bảo Lộc được bổ sung cam kết cấp hàng các vật tư thiết bị gồm: Ống co ngót nhiệt, Băng báo hiệu cáp ngầm, biển báo, keo bọt, bịt đầu cáp; Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hương Quỳnh: Bổ sung cam kết cấp hàng các vật tư thiết bị gồm: Ống co ngót nhiệt, Băng báo hiệu, cáp ngầm, biển báo, keo bọt, bịt đầu cáp.
Đáng chú ý, sau khi được “bổ sung” các tài liệu trên, Nhà thầu Liên danh Công ty TNHH Xây Lắp Điện Bảo Lộc, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hương Quỳnh và Công ty cổ phần DVT Hà Nội đã “trở thành” nhà thầu trúng thầu Gói thầu trên với giá trúng thầu 10.231.681.342 VNĐ (Quyết định phê duyệt KQLCNT số 435/QĐ-PC BAVI ngày 20/03/2019).
Từ những diễn biến của vụ việc nêu trên dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi có hay không sự không minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu tại tại Công ty Điện lực Ba Vì? Sự việc có nhiều bất thường như vậy liệu có phải phát sinh từ "lợi ích nhóm", cánh hẩu móc ngoặc sân sau của ai đó có chức có quyền hay bị sự thao túng của một nhân vật như kiểu "Đường Nhuệ" ở Thái Bình chăng...? Những câu hỏi rất cần được các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội vào cuộc kết luận đúng sai và thông tin rộng rãi kết quả giải quyết theo đúng quy định của Luật Tiếp cận thông tin để người dân như chúng tôi được biết và thực hiện quyền giám sát của mình.