Được hứa hẹn là một đại đô thị kiểu mẫu với với đầy đủ hệ thống công trình công cộng, giáo dục từ mầm non đến THPT nhưng đến nay hàng nghìn mét vuông đất xây dựng trường học (theo quy hoạch được phê duyệt) lại đang bị “biến tướng” thành sân bóng đá nhân tạo để kinh doanh trục lợi, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500, bên cạnh các khu chung cư, biệt thự liền kề, Khu đô thị Thành phố Giao lưu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sở hữu khu đất xây trường THPT có diện tích 12.135m2; khu đất trường học gồm: 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 3 nhà trẻ mẫu giáo có diện tích 55.605m2.
Hệ thống trường học đầy đủ là điểm cộng khiến Thành phố giao lưu trở thành dự án “hot” và thu hút bậc nhất lúc bấy giờ.
Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu được quy hoạch với hệ thống giáo dục đầy đủ từ mầm non đến THPT, thế nhưng đến nay các dự án trường học vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tuy nhiên, trái với tất cả những viễn cảnh đó, trường học, năm 2018 các khu đất quy hoạch làm trường THCS và THPT Phạm Văn Đồng từng bị "xẻ thịt", "hô biến" thành bãi đỗ xe, gara ô tô, sân bóng mini trái phép rộng hàng ngàn m2 gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, an toàn của cư dân và an ninh trật tự địa bàn.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều hộ dân sống bên trong KĐT Thành phố Giao lưu đặt ra câu hỏi: Tại sao khu đất xây dựng trường học lại trở thành bãi xe, gara ô tô, sân bóng để kinh doanh thu lợi nhuận cho những cá nhân cảnh hào nhoáng mà chủ đầu tư vẽ ra, chia sẻ với PV chị Hồng - một cư dân sinh sống tại đây cho hay: “Trước khi quyết định mua nhà tại khu đô thị gia đình tôi đã được CĐT tư vấn và hứa hẹn dự án có đầy đủ hệ thống trường học từ mầm non đến trung học, gia đình tôi không phải lo tìm trường cho con. Thế nhưng đến nay trường chưa thấy đâu mà vẫn chỉ là một bãi đất trống ".
Khu đất được quy hoạch làm trường học vẫn chỉ là những công trình ngổn ngang, hoen rỉ chưa biết khi nào được xây dựng.
Không chỉ không triển khai xây dựng các công trình, tổ chức đứng đằng sau?
Ngày 20/06/2018, nhận được phản ánh của cư dân Thành phố Giao lưu về sai phạm trên, UBND quận Bắc Từ Liêm đã quyết định xử phạt 2 bãi xe trên với số tiền 17 triệu 500 ngàn đồng và cưỡng chế chấm dứt hoạt động.
Thế nhưng sai phạm nối tiếp sai phạm, bãi giữ xe chấm dứt hoạt động thì ngay lập tức 4 sân bóng mini, hàng quán cà phê lại mọc lên rộn ràng, quây tôn kín mít trong một khu trường học khác của Thành phố giao lưu.
Tính đến hiện tại đã 6 năm kể từ khi giao đất cho công ty thứ cấp thực hiện dự án trường học, trên tổng diện tích gần 70 nghìn m2 đất quy hoạch cho trường học, chỉ có khoảng 10.000m2 được chủ đầu tư làm Trường mầm non Ngôi sao xanh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trường mầm non này cũng chỉ là một đống vật liệu ngổn ngang, hoen rỉ. Theo chia sẻ của một cư dân sống gần đấy, cơ sở mầm non này đã bị bỏ hoang đã hơn 2 năm.
Mặc dù những sai phạm của Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu đã nhiều lần được nêu trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên các sai phạm này vẫn chưa được xử lý triệt để bởi theo ghi nhận thực tế của PV tại các công trình sai phạm đã được cưỡng chế vẫn đang được quay tôn kín mít và tại ô đất cây xanh, sân chơi, đất xây dựng bãi đỗ xe, đất THCS cho đến nay vẫn đang bị chiếm dụng, xây nhà ở, nhà kho, hàng quán...
Ngôi trương được xây dựng duy nhất cũng đang bị bỏ hoang, xuống cấp nhiều năm trời.
Với thực tiễn trên thì giấc mơ con em được học tập trong hệ thống giáo dục đồng bộ của khu đô thị của cư dân vẫn chưa trở có khả năng trở thành hiện thực.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu được lên lý tưởng từ năm 1996 do Công ty Xây dựng VIC đàm phán với một tập đoàn đến từ Thụy Sỹ để xây dựng. Tuy nhiên đến năm 2000, doanh nghiệp Thụy Sĩ bất ngờ rút khỏi dự án, VIC tìm được đối tác mới là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vibega để tiếp tục triển khai.
Công ty Vibega được thành lập năm 2001. Thời điểm ban đầu, Vigeba gồm có 3 cổ đông góp vốn thành lập là VIC (36 tỷ đồng), Geleximco (27 tỷ đồng) và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (27 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến năm 2013, Vigeba do Geleximco nắm 30%, Bảo Việt nắm 30% và VIC nắm 10,56%.
Dự án Thành phố giao lưu vốn được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, gồm đầy đủ các chức năng nhà ở, thương mại, văn phòng, cây xanh, hồ điều hòa… có tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Cụ thể, dự án bao gồm các dãy biệt thự thấp tầng TT1, TT2, TT3, TT4, khu nhà ở cao tầng với 8 tòa chung cư cao 35 tầng, hồ điều hòa và các dự án trường học từ mẫu giáo tới THPT.
Nhiều khu đất trong dự án đang có dấu hiệu xây dựng kinh doanh trái phép...?
Thế nhưng sau khi liên minh các chủ đầu tư mới được thành lập, khu chung cư cao tầng bị tách ra thành một dự án riêng với tên gọi Green Star do Công ty CP Ngôi Sao An Bình làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 7 tòa chung cư với khoảng 2.000 căn hộ. Ước tính cả 2 khu An Bình City và Green Star đang có khoảng 5.000 căn hộ. Dân số khu vực này có thể lên đến 20.000 người.
Trước sự việc trên, để bảo đảm việc sử dụng đất đúng mục đích được phê duyệt, tránh bức xúc trong dư luận, đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan, sớm vào cuộc kiểm tra, đồng thời xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
H.L