Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 24-7 khi thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên, trung bình mỗi ngày thành phố có 71,2 ca mắc mới. Đến đợt giãn cách thứ 4 thì thành phố chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày và hiện còn khoảng 15 ca/ngày. Trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện một số điểm nóng về dịch như phường Việt Hưng (quận Long Biên), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và một số địa bàn thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa. Vì thế, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống phòng chống dịch CoVid 19.
Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, còn 15 điểm quy mô thôn, xã tại 10 quận, huyện. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh - vàng, giảm vùng đỏ - cam so với thời điểm ngày 6/9/2021. Cụ thể, số xã vùng đỏ còn 3 xã; vùng cam còn 22 xã; vùng vàng tăng 21 xã lên 26 xã; vùng xanh tăng 27 xã lên thành 528 xã…
Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại Covid-19. Triển khai nhiệm vụ này, lực lượng y tế của Thành phố đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vắc xin cho người dân.
Tinh thần “Cả nước vì Hà Nội" thể hiện rất rõ trong hai đợt “thần tốc” lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin phòng dịch CoVid 19 không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 4.000 cán bộ, nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Thủ đô. Cán bộ, nhân viên y tế các tỉnh đã tạo thành một hệ thống dây chuyền lấy mẫu, tiêm chủng cùng với cán bộ y tế của Hà Nội thực hiện hoàn thành lấy mẫu cộng đồng và tiêm vaccine mũi 1 cho người dân thành phố trong thời gian ngắn vừa qua với tinh thần hăng hái, quyết tâm nhất cùng Thủ đô khống chế dịch bệnh.
Trên màn ảnh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua thường xuyên xuất hiện hình ảnh lãnh đạo thành phố Hà Nội đến nhiều điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra và động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối chiều 23/8 đến thăm đột xuất không báo trước phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) là tâm dịch của thành phố đã cho ý kiến chỉ đạo khắc phục những yếu kém ở cấp phường, xã là “pháo đài” chống dịch, đã có tác dụng đánh động đội ngũ cán bộ toàn thành phố, đặc biệt là cán bộ phường, quận bớt quan liêu, xa dân mà phải gần dân, nắm chắc tình hình cơ sở thì mới chỉ đạo, chỉ huy chống dịch có hiệu quả.
Trong những ngày cuối của chiến dịch, tốc độ tiêm vắc xin đã được đẩy lên rất cao, số mũi tiêm ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày cao điểm tiêm được gần 600.000 liều. Thành phố luôn nỗ lực cao nhất, tiếp thu hai lần nhắc nhở của Thủ tướng Chinh phủ vào đầu tháng 9, góp ý của các chuyên gia và người dân về cấp giấy đi đường đã điều chỉnh kịp thời các giải pháp chống dịch để đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết và trước hết, không ai bị bỏ lại phía sau, giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong, quan tâm chăm lo đời sống cho những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn do ảnh hường của đại dịch.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, chính sách hỗ trợ đặc thù về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã đến với 900.000 lượt người, hộ gia đình với tổng kinh phí đến thời điểm này là gần 272 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hỗ trợ gần 370.000 suất quà cho các đối tượng, hộ gia đình khó khăn với số tiền 104,05 tỷ đồng và phân bổ hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, rau, củ, quả tiếp nhận được về các quận, huyện. Các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo, hỗ trợ cho 99.859 lượt đoàn viên, người lao động khó khăn với tổng số tiền trên 62,6 tỷ đồng. Thành đoàn Hà Nội tổ chức các hoạt động tiếp sức, hỗ trợ 204.470 suất quà cho thanh niên, sinh viên và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với kinh phí gần 22 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, Hà Nội có quyết định hỗ trợ cho gần 2,83 triệu lượt người, hộ gia đình với kinh phí hơn 1.136 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách là hơn 864 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là gần 272 tỷ đồng).
Đến nay, Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 5.649.581 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 93,8%; tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8/9-15/9/2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong 2 ngày 16/9 và 17/9 các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đạt 57.788 mẫu…Những con số kể trên là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của chính quyền, quân và dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, người dân Thủ đô cũng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng: Thành phố sẽ từng bước kiểm soát dịch bệnh và bước sang giai đoạn “bình thường mới.
Theo định hướng chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố thì cơ bản sau ngày 21-9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch cho hiệu quả. Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành “điểm đỏ” phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện phong tỏa, cách ly y tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào thành phố kết nối với các địa phương bạn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng lưu ý, từ các mốc thời gian của từng loại vắc xin, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên khi có nguồn cung vắc xin vào tháng 10 và 11 tới. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21-9. Bởi vì sau ngày 21-9, thành phố sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm phòng, chống dịch. Vì thế, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR để kiểm soát người dân ra đường. Đồng thời chú trọng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không di chuyển về thành phố; các điều kiện cần thiết để các công trình xây dựng hoạt động trở lại.
Để thực hiện mục tiêu kép, sau ngày 21-9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn, vì thế, việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Các khu vực có dịch đương nhiên không được xây dựng, hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng thi công.
Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh; Đồng thời thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện, đặc biệt lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám. Tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. Sẵn sàng đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc... để phục vụ người bệnh theo các tình huống diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
VXB