Tiếp nối thành công của “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội” diễn ra vào ngày 06/6/2021 và “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra vào ngày 01/9/2021; Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền được kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và thực hiện đề án chuyển đổi số của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Chuyển đổi số ASEAN (ASEAN Academy), Chuyên trang Tạp chí điện tử Hội nhập Văn hoá và Phát triển; Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu & phát triển cộng đồng (TOTA R&D) tổ chức chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” vào vào 20h30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2021.
Chương trình được thực hiện qua hình thức trực tuyến trên nền tảng ZOOM (ID: 9912699828, Pass: 666666) và được phát sóng trực tiếp trên Kênh Fanpage OCOP LIVE; Fanpage VTC NOW và Kênh Youtube VTC NOW của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn.
Ông Nguyên Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, Chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực, bao gồm: tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”; và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ Đêm trên Mây”, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, đây là sự kiện đầu tiên của ngành nông nghiệp sau khi Thành phố Hà Nội có Chỉ thị số 22 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới nên Chương trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các sở ngành có liên quan.
"Theo đó, tham dự Chương trình có đại biểu đại diện diện một số cơ quan Trung ương gồm: Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Đại diện thành phố Hà Nội: Lãnh đạo các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội; Thường trực Công đoàn ngành Nông nghiệp; lãnh đạo các phòng và đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Cùng đại diện các quận, huyện, thị xã: Đồng chí lãnh đạo UBND, Trưởng phòng Kinh tế, các phòng, ban có liên quan. Đại diện lãnh đạo thành viên Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; Trung tâm Thương mại; Siêu thị; Cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online,…các chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước...", ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Được biết, các chủ thể tham gia bán hàng trong các phiên chợ phải có hồ sơ gồm: giấy phép đăng ký kinh doanh; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; chứng nhận sở hữu trí tuệ; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu sản phẩm; hệ thống quản lý chất lượng…và được kiểm duyệt của Ban tổ chức. Người tham gia mua sắm, hợp tác giao thương được gặp gỡ trực tiếp với người bán để thoả thuận đơn hàng và các dịch vụ sau bán hàng với sự chứng kiến của Ban tổ chức.
Cũng theo chia sẻ của BTC, tại Chương trình, các chủ thể sẽ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu, đã đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã để các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, bày tỏ quan tâm và kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của Nhân dân Thủ đô. để khắc phục đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn Thành phố, trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Đại diện đơn vị phối hợp, ông Nguyễn Trung Thành, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi số ASEAN (ASEAN Academy) cho biết, Chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới; Công văn số 4906/BNN-VP ngày 04/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và góp phần thực hiện chiến lược thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ và là hành động thiết thực trong bối cảnh giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid để giúp các chủ thể OCOP, nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ có cơ hội tiếp cận tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Với những ý nghĩa đó, BTC kỳ vọng thành công của Chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” sẽ góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đảm bảo từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô gắn với thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID19 trong tình hình mới./.