Tới dự và chúc mừng nghệ nhân Lê Thị Nở, có: cán bộ phòng văn hoá huyện Thanh Hà, lãnh đạo UBND xã Thanh Khê, cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn, và toàn thể nhân dân sinh ra và lớn lên ở tại tôn An Lão. Đặc biệt, có sự hiện diện của đông đảo nghệ nhân, đồng đền, đồng điện, thanh đồng đạo quan, cùng con nhang đệ tử xa gần về tham dự và chúc mừng chương trình.
Trước đó, ngày 26 tháng 4 năm 2022 (tức ngày 26 tháng 3 năm Nhâm Dần), nghệ nhân Lê Thị Nở đã vinh dự được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân văn hoá tâm linh tiêu biểu” của Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển; Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển trao tặng, tại Nhà khách văn phòng Chính Phủ, 37 Hùng Vương – Ba Đình – Hà Nội. Sự ghi nhận đó, như một lời khẳng định về những đóng góp to lớn của nghệ nhân Lê Thị Nở cho nền văn hoá dân tộc. Qua đó, tiếp thêm ngọn lửa tinh thần to lớn, giúp nghệ nhân thêm vững tin vào công cuộc giữ gìn và phát huy nền văn hoá nước nhà nói chung, và đạo Mẫu – đạo của người Việt nói riêng.
Tiếp nối niềm vui, niềm vinh dự tự hào đó, đồng thời, hưởng ứng kỷ niệm 47 năm Giải phóng Miền Nam – Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Nhân dịp này, nghệ nhân Lê Thị Nở, vui mừng, phấn khởi tổ chức buổi lễ đón mừng danh hiệu trên, và đón nhận danh hiệu “Thủ nhang văn hoá tiêu biểu toàn quốc” do Trung tâm Nghiên cứu thực hành văn hoá tín ngưỡng dân gian” trao tặng, tại bản đền Ngọc Tỉnh Từ.
Nghệ nhân Lê Thị Nở, thành viên ưu tú của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, người con xứ vải thiểu - thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà - Hải Dương). Gần 70 năm cuộc đời, hơn 30 năm bảo tồn đạo Mẫu và thủ nhang bản đền Ngọc Tỉnh Từ, cũng là bấy nhiêu năm vất vả gian truân. Tuy vậy, nghệ nhân Lê Thị Nở chưa một lần nào có ý định buông bỏ. Bà thường xuyên hưởng ứng tích cực mọi hoạt động an sinh xã hội tại quê nhà, ủng hộ vật lực trùng tu tôn tạo đền, chùa và xây dựng giếng ngọc của bản đền Ngọc Tỉnh Từ to đẹp hơn.
Đền Ngọc Tỉnh Từ (tức Đền Chúa Cụ; Đền Giếng Ngọc Linh Từ), thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà - Hải Dương). Theo như các cụ bô lão trong làng kể lại, lịch sử ngôi đền có niên đại khoảng 500 năm. Bắt nguồn từ câu chuyện tình bi ai giữa ông Nguyễn Cánh Thành và công chúa Mạc Thị Thanh, con gái vua Mạc Hậu Hợp. Ông Nguyễn Cánh Thành, sinh năm 1525 (Ất Dậu), quê Thanh Hà, huyện Nam Sách Phủ (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Năm 53 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ (năm 1577), đời vua Mạc Mậu Hợp, và giữ chức Tham Chính.
Tương truyền, ông là một người khôi ngô tuấn tú. Sau khi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, ông được vua mời vào sân rồng để ban thưởng. Những ngày ở trong cung, ông đã quen công chúa Mạc Thị Thanh – có nhan sắc xinh đẹp, tính nết hiền dịu, với ước nguyện lấy được một người chồng tài đức. Và rồi, công chúa đã đem lòng yêu thương ông. Năm 18 tuổi, công chúa Mạc Thị Thanh bị nhà vua ép gả cho một viên quan độc ác. Bà không đồng ý, nên khi ông Nguyễn Cánh Thành vinh quy bái tổ (về làng) , năm 1577, công chúa đã trốn khỏi hoàng cung, theo ông về và đổi tên thành Nguyễn Thị Thanh. Vua Mạc Mậu Hợp bèn ban chiếu khắp thiên hạ truy tìm. Sau bao ngày trốn và biết vua truy tìm, vì không muốn ảnh hưởng tới người nhân dân, công chúa đã trẫm mình xuống sông. Theo dòng xoáy nước, xác công chúa nổi lên và trôi dạt về sông An Lão (nay là thôn An Lão, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), được ông lão đánh cá vớt lên chôn cất và đắp thành nấm mồ, chính là Đền Chúa Cụ ngày nay (xưa được gọi là Đống Con Ngựa, vì nấm mồ được chôn đúng vào đầu và mắt ngựa). Bên cạnh mộ còn có một cái giếng to, nguồn nước quanh năm mát mẻ. Tương truyền, mắt ngựa phát sáng chiếu vào giếng nên gọi là giếng ngọc. Cảm kích trước cái chết của người, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ cho đến tận ngày nay và lấy tên là Đền Ngọc Tỉnh Từ (tức Đền Chúa Cụ; Đền Giếng Ngọc Linh Từ). Nhân dân ngày nay, lấy năm 1577 làm mốc lịch sử, và lấy ngày 07 tháng 7 hằng năm là ngày hội của đền. Đền Chúa Cụ tuy nhỏ, nhưng rất linh thiêng, thu hút nhiều người dân xa gần đến chiêm bái, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình và bản thân.
“Người dân nơi đây thành tâm đi lễ lắm! Nhưng cũng một li một lai thôi. Đền trùng tu cũng nhiều lần, mỗi lần một chút ít, đến giờ thì xuống cấp dột nát lắm rồi! Cô chỉ mong chính quyền địa phương hỗ trợ tu sửa lại, để nhân dân có nơi thờ tự khang trang hơn, mùa mưa bão lại sắp đến rồi.” – Nghệ nhân Lê Thị Nở chia sẻ trong nước mắt.
Chương trình kết thúc bằng những tiết mục diễn xướng hầu đồng, cung nghinh chúc Thánh đặc sắc, đón mừng và đón nhận 02 danh hiệu cao quý trên, của nghệ nhân Lê Thị Nở - Thủ nhang đền Ngọc Tỉnh Từ, và các nghệ nhân là thành viên ưu tú của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.
Nghệ nhân Phạm Thị Ngọt – Thành viên ưu tú của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, sinh năm 1954, thủ nhang đền Giang Khẩu Cửa Phù Đông Xứ Cửa Kênh, tại thôn Lại xá, xã Thanh Thuỷ, (Thanh Hà - Hải Dương). 42 năm đồng là quãng thời gian học hỏi, trau dồi thấm nhuần đạo và đời. Bà vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quy, đó chính là động lực to lớn, để nghệ nhân Phạm Thị Ngọt luôn vững tin hơn nữa trong công cuộc chấn hưng đạo Mẫu – Đạo của người Việt.
Nghệ nhân Tăng Thị Minh, sinh năm 1954, thủ nhang Y Vu Sứ Tâm Bảo Điện, tại thôn Tiên Tảo, xã Thanh An (Thanh Hà – Hải Dương) - Thành viên ưu tú của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển. Bà đã có cho mình hơn 35 năm bảo tồn và phát huy đạo Mẫu. Năm 2021, bà vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân văn hoá, do Viện trao tặng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan khác.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lẫy - Thành viên ưu tú của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển; Chi hội trưởng Chi hội đạo Mẫu huyện Thanh Hà; Thủ nhang Y Vu Sứ Điện Đức Ông, tại thôn Tiêu Xá, xã Liên Mạc (Thanh Hà – Hải Dương). Hiện nay, bà đã có gần 40 năm hoạt động trong đạo Mẫu, là nghệ nhân văn hoá tiêu biểu, người có đủ tâm đủ tài, truyền lửa và có tầm ảnh hưởng lớn tới các nghệ nhân trong chi hội. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lẫy luôn hưởng ứng tích cực mọi hoạt động văn hoá của địa phương, Viện hay Bộ, ban ngành phát động.
Nghệ nhân Lê Thị Ty (hiệu là Đức Vân), thủ nhang Linh Khánh Tâm Phúc Điện, sinh năm 1962, tại thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế, (Thanh Hà – Hải Dương), hoạt động đạo Mẫu được 26 năm, cũng là một trong những nghệ nhân văn hoá tiêu biểu của Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.