Hàn Quốc: 'Kết nối truyền thống và hiện đại' thu hút sự quan tâm, chú ý của thế giới

“Feel the Rhythm of Korea” (tạm dịch: Cảm nhận nhịp điệu của Hàn Quốc) là một dự án quảng bá cho văn hóa truyền thống Hàn Quốc được triển khai từ năm 2020, có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của thế giới.

Chú thích ảnh Một cảnh trong "Feel the Rhythm of Korea", loạt video quảng cáo du lịch. Loạt phim do Tổ chức Du lịch Hàn Quốc sản xuất đã giành được giải thưởng tại Hội nghị thượng đỉnh về đổi mới du lịch ở Tây Ban Nha. Ảnh: Yonhap

 

Hàng loạt video âm nhạc vừa giới thiệu những điểm du lịch nổi tiếng, vừa giúp người xem cảm nhận những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của "xứ sở Kim chi", đã ra đời trong khuôn khổ dự án này. Sự kết hợp độc đáo giữa nét quyến rũ, duyên dáng của văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, từ những làn điệu dân ca, những điệu múa tới những màn ca vũ sôi động miêu tả nếp sống và phong tục tập quán của người Hàn Quốc, với các yếu tố mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, như hiphop, đã tạo sức hấp dẫn cho các video này với hàng triệu lượt xem trên Youtube chỉ trong vài tháng. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN Việt Nam tại Hàn Quốc mới đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Hwang Hee đã nhắc tới dự án “Feel the Rhythm of Korea” khi đề cập tới chiến lược phát triển văn hóa của Hàn Quốc và các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển văn hóa. Đây là một phần trong chiến lược quảng bá và phát triển văn hóa của Hàn Quốc, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch bằng cách giúp người xem cảm nhận ra từng vùng miền thông qua giai điệu âm nhạc truyền thống đặc trưng kết nối với hiện đại để tăng sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ cả trong và ngoài nước.  

Không phải tới khi “Feel the Rhythm of Korea” được triển khai thì những nét văn hóa đặc sắc của "xứ sở Kim chi" mới được quảng bá rộng rãi trên thế giới. Những năm gần đây, Hàn Quốc đã bắt đầu gặt hái thành công với nhiều sản phẩm văn hóa-giải trí gây tiếng vang lớn. Năm 2021 được coi là năm đáng nhớ của lĩnh vực văn hóa-giải trí Hàn Quốc khi có những bộ phim là hiện tượng toàn cầu và ban nhạc thần tượng BTS khuấy đảo mọi bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế với những bản hit đình đám ẵm nhiều kỷ lục. Trước đó, phim “Parasite” (Ký sinh trùng) đã mang về cho Hàn Quốc giải Oscar danh giá vào năm 2020 và bản hit “Gangnam Style” cùng điệu nhảy ngựa vui nhộn của “ông chú Hàn Quốc” PSY sau 4 năm vẫn khiến bao người say mê. 

Thông qua phim ảnh, âm nhạc và ẩm thực, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đã và đang lan tỏa mạnh mẽ và gây hiệu ứng rộng rãi trên thế giới, giúp tạo ra một sức ảnh hưởng trên toàn cầu ở mức khó có thể đong đếm hay định lượng. Hồi tháng 9/2021, từ điển Oxford English đã bổ sung thêm 26 từ mới có nguồn gốc từ tiếng Hàn, trong đó có “Hallyu”. Lần đầu tiên, một ban nhạc thần tượng của Hàn Quốc là BTS - có thể nói là ban nhạc lớn nhất thế giới hiện nay - đã biểu diễn tại Liên hợp quốc, truyền đi những thông điệp khích lệ tinh thần của thế hệ trẻ toàn cầu. Các bộ phim hay chương trình truyền hình Hàn Quốc dần phủ sóng mạnh mẽ trên một trong những nền tảng truyền phát trực tuyến lớn nhất thế giới - Netflix, trong đó “Squid Game” (Trò chơi con mực) từng nhiều tuần duy trì vị trí là phim phổ biến nhất trên nền tảng này. Chính Netflix cũng phải thừa nhận “không thể tin rằng” họ đã giới thiệu 80 phim và chương trình truyền hình Hàn Quốc trong những năm gần đây, cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu khi nền tảng này bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc năm 2016. Tổng doanh thu ở nước ngoài của các bộ phim Hàn Quốc năm 2021 đạt khoảng 83,61 triệu USD, tăng 13,3% so với năm trước. 

Lý giải về những dấu ấn của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới, Bộ trưởng Hwang cho rằng có thể tập trung vào 2 "bí quyết" chính là sự năng động và đồng cảm. Động lực năng động tạo ra từ những thay đổi lớn trong chính trị - xã hội Hàn Quốc, qua đó tác động tới những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa. Trong vài thập niên, kinh tế cũng phát triển vượt bậc, đưa Hàn Quốc trở thành một nước phát triển. Những trải nghiệm của giai đoạn này đã tạo ra nền tảng cho các lĩnh vực phát triển khác cùng song hành, gồm cả văn hóa. 

Lý do thứ hai là sự đồng cảm về văn hóa giữa người Hàn Quốc và thế giới. Kể từ năm 1989, nhiều người Hàn Quốc đã ra nước ngoài học tập, du lịch, tăng cường hiểu biết và hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới. Dân số Hàn Quốc không quá 50 triệu, nhưng 60% trong đó, tương đương khoảng 30 triệu người hằng năm đi du lịch nước ngoài, giúp  cảm nhận về thế giới bên ngoài có những thay đổi rất lớn. Chính việc cảm nhận thế giới đa dạng và đa chiều như vậy đã thay đổi nội dung các sản phẩm văn hóa, tạo ra đồng cảm của thế giới một cách rất tự nhiên.  

Bộ trưởng Hwang Hee đánh giá văn hóa có sự giao lưu trao đổi giữa các nước và trở thành dòng chảy đa chiều. Trong thời đại ngày nay, quá trình giao lưu, hấp thụ văn hóa lẫn nhau trở thành một xu hướng và cầu nối quan trọng. Các tác giả của Hàn Quốc đã hấp thụ được văn hóa đa dạng của thế giới và biến thành các chất liệu trong những câu chuyện tạo được sự đồng cảm lớn của cộng đồng, mức độ cảm nhận văn hóa Hàn Quốc đã được nâng lên rất nhiều.

Những thành công này còn có sự tiếp sức đắc lực của kỹ thuật số, đặc biệt là các nền tảng truyền phát trực tuyến như Netfix và kênh chia sẻ video Youtube. Những công cụ kỹ thuật số này được coi là cánh tay nối dài đưa văn hóa Hàn Quốc vươn xa, đến với các khán, thính giả toàn cầu. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Hwang Hee, công nghệ là một lĩnh vực Chính phủ Hàn Quốc chú trọng trong chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa, cùng với lĩnh vực hệ thống và pháp lý. Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho phát triển các công nghệ tiên tiến hỗ trợ sản xuất nội dung hội tụ và nội dung chuyên để sử dụng trên nền tảng số và không gian ảo, hỗ trợ cho lĩnh vực game, webtool và hỗ trợ các tác giả sáng tác nội dung; tạo quỹ đầu tư mạo hiểm; đi tiên phong khai mở thị trường nước ngoài; bảo vệ bản quyền, tạo môi trường thị trường công bằng. 

Chính phủ cũng dành ngân sách hằng năm cho việc sản xuất các nội dung online và đào tạo nhân lực. Đơn cử như trong lĩnh vực điện ảnh-truyền hình, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ cho ngành công nghiệp nội dung OTT (giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng không gian rộng lớn Internet), tạo quỹ phim truyền hình và tăng cường hỗ trợ cho sản xuất nội dung chuyên biệt về OTT; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất...

 
 

Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ đào tạo để phát triển tài năng bằng cách tạo ra một cách có hệ thống môi trường giáo dục cho ngành công nghiệp điện ảnh, sản xuất phim, gây dựng được những thế hệ tác giả chất lượng trong lĩnh vực điện ảnh. Hàn Quốc hiện có Học viện Điện ảnh (thành lập năm 1984), Phòng thí nghiệm nội dung Hàn Quốc (có 16 chi nhánh trên toàn quốc), Học viện Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc, Trường Cao học Văn hóa và Công nghệ, v.v., cũng như các viện đào tạo nhân sự khu vực công cũng như khu vực tư nhân như Nghệ thuật và Đại học Visual. Trong dự án Đồng hành cùng Tài năng Sáng tạo (chương trình nuôi dưỡng nhân lực theo phong cách học việc triển khai trong 10 năm qua) đã đào tạo được 2.815 người sáng tác. Ngoài ra là hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và kết nối liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chia sẻ trong các chuyến công tác đến Mỹ hay châu Âu, ông có thể cảm nhận làn sóng văn hóa Hàn đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước như một “cường quốc văn hóa”. Ông đã rất bất ngờ khi thấy rất nhiều người hâm mộ Hallyu chờ đợi để tham gia trò chơi trong "Squid Game" tại các trung tâm văn hóa ở nước ngoài. Số lượng người nước ngoài muốn học tiếng Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể, và làn sóng Hàn Quốc khiến mối quan tâm đến văn hóa và cả nghệ thuật Hàn Quốc nói chung đang được lan tỏa. Hình ảnh đất nước Hàn Quốc được nâng lên rõ rệt thông qua Hallyu và tạo ra giá trị xã hội mang lại niềm vui, cảm xúc và hy vọng cho những người sử dụng nội dung Hallyu. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của việc nâng cao giá trị gia tăng từ phát triển văn hóa cho các lĩnh vực khác như ngành thời trang, thẩm mỹ, thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi và du lịch cũng rất đáng kể. 

Ở chiều ngược lại, ông Hwang Hee cho rằng sự phát triển của Hallyu cũng đóng góp vào văn hóa thế giới và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của con người, bởi văn hóa tạo thành triết lý và các giá trị. Văn hóa trong giai đoạn mới đang thay đổi từ văn hóa thiên về giải trí sang tạo ra các giá trị quan trọng hơn trong tương lai, chính vì thế mà ảnh hưởng của văn hóa ngày càng rộng lớn.

Nhắc lại cuộc gặp với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam hồi giữa tháng 12/2021 trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc, Bộ trưởng Hwang Hee hy vọng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 2022 sẽ là cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc hiểu biết hơn về  lịch sử văn hóa của nhau, thông qua đó tạo ra môi trường để khai phá các lĩnh vực hợp tác mới trong tương lai.

Như nhận định của ông Hwang Hee, sự phát triển và công nghệ của Hàn Quốc kết hợp với những giá trị của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn, không chỉ ở khu vực châu Á, bởi "văn hóa là sự tích tụ sâu thẳm truyền thống của mỗi đất nước và thúc đẩy giao lưu văn hóa truyền thống tạo nền tảng và động lực cho phát triển bền vững".