Kỳ I. Cô gái Mỹ gốc Việt sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp ở Hollywood để trở về đất mẹ
Cô gái người Mỹ gốc Việt sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp ở Hollywood để trở về đất mẹ với một sứ mệnh đặc biệt góp phần cải thiện sự hòa hợp giữa hai dân tộc Việt – Mỹ sau chiến tranh.
Tiana Alexandra lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cô gái Việt thành danh trên đất Mỹ
Tiana Alexandra sinh năm 1961 tại Việt Nam với cái tên Thanh Nga. Năm lên 5 tuổi, cô cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Cô bé người Việt nhỏ nhắn ngày ấy thường bị bạn bè bắt nạt nên xin bố mẹ cho theo học võ và trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Chính Lý Tiểu Long đã giới thiệu Tiana với người bạn thân là nhà biên kịch của Hollywood Stirling Silliphant. Là tác giả của nhiều phim nổi tiếng, như: “Route 66” (Đường số 66), “Naked city” (Thành phố trần trụi)... và đoạt giải Oscar năm 1968 với “In the heat of the night” (Đêm nóng), giải Quả cầu vàng năm 1968 và 1969 cho hai kịch bản “In the heat of the night” và “Charly”. Stirling Silliphant đã đưa Tiana đến với nghệ thuật thứ bảy khi cô mới 15 tuổi.
Về sau Tiana trở thành người bạn đời, cũng là người đồng hành với nhiều bộ phim danh tiếng của nhà biên kịch, đạo diễn Stirling Silliphant, một người Mỹ từng giành giải Oscar. Stirling Silliphant từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu tư tưởng Phật giáo và dành mối thiện cảm với các nước Á Đông, đặc biệt là Việt Nam.
Năm 1987, đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của cô là vai diễn trong bộ phim “Catch the Heat” cùng diễn viên Rod Steiger do chính chồng cô làm đạo diễn. Những tháng năm ở Hollywood, được với những diễn viên gạo cội và có chiều sâu văn hóa. Chính điều này đã khiến khích cô trở về với cội nguồn dân tộc.
Khát vọng trở về với sứ mệnh cao cả
Vào cuối những năm 80, khi Việt Nam còn đang nằm trong sự cấm vận của Mỹ, Tiana đã tìm về quê hương. Chuyến đi này được coi là chuyến đi thay đổi cuộc đời của cô với nhiều biến động trong suy nghĩ, tinh thần của cô gái mang quốc tịch Mỹ khi tìm về được cội nguồn của chính mình.
Hiện thực cuộc sống ở Việt Nam sau chiến tranh với bao đau thương mất mát đang hồi sinh từng ngày đã thôi thúc Tian tự nhận về mình sứ mệnh hoà hợp dân tộc, làm cầu nối hữu nghị Việt Mỹ, mang cho thế giới một cái nhìn khách quan về dân tộc Việt Nam luôn khát vọng hoà bình, về những người Cộng Sản Việt Nam chân chính, tiêu biểu cho họ là Bác Hồ, Bác Giáp...mà ở bên kia địa cầu người ta đang tuyên truyền sai sự thật!
Sứ mệnh của cô vấp phải những rào cản rất lớn vì lúc đó Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hoá quan hệ! Nhưng với tình yêu nước trong sáng, ý thức mang trong mình giọt máu đào dân tộc, là con Lạc cháu Hồng dù rằng cô sinh ra bởi một người cha đã có lúc lầm lỡ! Cô tin ở Đại tướng về Việt Nam và dấn thân vào cuộc hành trình khó khăn bởi "thù hận dân tộc", sự khác biệt về nhận thức của những người ở quê hương thứ nhất và quê hương thứ hai của cô!
Tiana Alexandra cùng chồng Stirling Silliphant trong một lần phỏng vấn Đại tướng
Cha của Tiana từng là cậu học trò ưu tú của Đại tướng năm xưa, trợ lý báo chí cho chính quyền cũ ở niềm Nam thân Nhà trắng trong những năm diễn ra chiến tranh ở Việt Nam, sau đó sang Mỹ định cư. Ông đã không thể tin được khi xem lại những thước phim chân thực và đầy cảm động về một vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam, danh tướng vì hòa bình khi tiếp con của một cựu thù địch tại nhà riêng.
Trong khoảng thời gian những chuyến viếng thăm của cô giữa năm 1988 và 1991 Tiana đã phỏng vấn được những nhân vật chức sắc quan trọng trong chính phủ hợp nhất của đất nước, tìm gặp lại họ hàng và phỏng vấn những người sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai. Dù cô là con gái của một nhân sĩ ở miền Nam Việt Nam, cô không ngần ngại khi sử dụng những thước phim lưu trữ để thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh và việc người phương Tây đã tìm cách để chia rẽ đất nước.
Gia đình tác giả bài viết lưu niệm cùng Tiana Alexandra
Tư liệu quý về quan hệ Việt – Mỹ
Sau những nỗ lực thúc đẩy tình hữu nghị Việt - Mỹ của Đảng và Nhà nước ta, của nhân dân tiến bộ hai nước, của những người như Đại tướng và Tiana, của những thượng nghị sĩ Mỹ chân chính, chính sách ngoại giao nhân văn ngàn đời của ông cha ta được thực hiện "Súng gươm gác lại để hiền như xưa", Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ, là bạn là đối tác của nhau.
Bộ phim tài liệu chân thực về Việt Nam "Từ Hollywood đến Hà Nội" dài 78 phútcủa Tiana đã góp phần làm nên điều đó! Cô như một thành viên thân thiết của gia đình Đại tướng sau hành trình quay những thước phim lịch sử!
Bộ phim tài liệu của cô đã được đề cử giải thưởng do Ban giám khảo tặng tại Liên hoan phim Sundance năm 1993 và gây được nhiều sự chú ý trong Liên hoan phim Telluride với sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng.
Bộ phim tài liệu cũng nhận được giải Nhân quyền tại Liên hoan phim quốc tế Venice. Nhưng đối với Tiana, giải thưởng lớn và có ý nghĩa nhất với cô đó chính là tình cảm mà khán giả khắp nơi trên thế giới đã dành cho bộ phim. Bộ phim được chiếu tại Nhà trắng và dùng làm tư liệu giảng dạy trong nhiều trường học của Mỹ, đồng thời làm tư liệu cho nhiều bài thuyết trình về quan hệ Việt – Mỹ cho tới tận ngày nay.
Trong phút giây tự hào về thành tích của bộ phim cũng là dịp mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng, Tiana đã viết: “Bác là một nhà chiến lược bậc thầy của thế kỷ, một thiên tài quân đội có thể sánh ngang hàng cùng Patton, Rommel, Napoleon…Đối với con, bác đơn giản là một thầy giáo lịch sử của cha con.Trong 15 năm, bác đã rất độ lượng khi cho phép con quay phim về bác…Những đứa trẻ mang cả 2 dòng máu Việt Nam và châu Âu sẽ dạy cho con cháu chúng bằng cách nào mà bác lại làm được những điều tưởng chừng như không thể. Bác đã đối đầu và đánh bại lực lượng hùng mạnh nhất trên trái đất: Nước Mỹ - đất nước đã nuôi dưỡng con…Con cám ơn bác đã mang con trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm xa cách. Con đã tìm thấy mảnh đất làm tấm gương cho điều mà con cố kiếm tìm giữa chiến tranh và hòa bình, thiên đàng và trái đất. Và giữa bên này và bên kia. Con sẽ nhớ và sống để kể câu chuyện này”.
Đón đọc Kỳ II. Những thước phim lịch sử
Nhà báo Vương Xuân Nguyên