HIỂM HỌA LÂY NHIỄM TỪ BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÁI PHÉP DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TỔ CHỨC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN TOÀN CẦU

Trong bối cảnh vật lộn với tình trạng sức khoẻ cộng đồng nguy cấp và tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, cả loài người đang phải đối măt với hiểm họa ngày một gia tăng của Đại dịch COVID-19. Mối liên hệ giữa những bệnh truyền từ động vật sang người tại các chợ buôn bán động vật hoang dã đã trở thành trọng điểm quan tâm của các Chính phủ và nhiều cộng đồng quốc tế.

Nguồn gốc chính xác của đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều nghi vấn, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, đây là dich bệnh có nguồn gốc lan truyền từ động vật, do virus từ động vật hoang dã truyền sang người. Hạ tuần tháng 2 năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm. Và mới đây, tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) đã công bố báo cáo về Đại dịch COVID-19 với buôn bán động vật hoang dã tại 5 thị trường châu Á. Diễn đàn tổng hợp một số nội dung để cùng trao đổi

Kết quả khảo sát của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới

Khảo sát đã được tiến hành tại 5 thị trường chính là Hong kong,Nhật Bản.Myanmar,Thái Lan

và Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Đông vật hoang dã (WWF) phát hành tại Hồng Kông ngày 07 tháng 4 thì, hơn 90% số người được khảo sát tại khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông đã ủng hộ các chính phủ đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát, tỷ lệ này này tại Việt Nam lên hơn 93%. Kết quả nghiên cứu của WWF còn cho thấy, người dân trong các khu vực khảo sát đều tích cực ủng hộ các Chính phủ ban hành một lệnh cấm tương tự.

Động vật hoang dã được cho là nguồn lây nhiễm nhiều loại bệnh lạ cho con người

Mang sứ mệnh ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, xây dựng một tương lai trong đó, con người sống hài hoà với thiên nhiên, thông qua bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, giảm tiêu dùng lãng phí và ô nhiễm môi trường, WWF đã trở thành tổ chức toàn cầu bảo tồn nhiên, hoạt động độc lập tại 100 quốc gia. Báo cáo khảo sát phát hành tháng 4 năm 2020 của WWF đã nhấn mạnh “ …Virus Corona chủng mới, hay COVID-19, được cho là khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, hiện đã trở thành một đại dịch toàn cầu. Nhận thấy các chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý có khả năng cao là một nguồn lây nhiễm virus Corona, WWF đã uỷ thác cho GlobeScan thực hiện một cuộc khảo sát công chúng ở Hongkong, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam để tìm hiểu thái độ và mức độ ủng hộ của họ đối với việc đóng cửa tất cả các chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 này….”

Từ ngày 3 đến 11 tháng Ba năm 2020, Global Scan đã phỏng vấn 5.000 người ở 5 nền kinh tế được khảo sát theo cách chọn mẫu ngẫu nhiên;  người được hỏi là những đại diện giới tính và lứa tuổi của cộng đồng trực tuyến tại các thị trường khảo sát. Riêng ở Myanmar, cộng đồng trực tuyến chủ yếu là những người trẻ tuổi.

Những người tham gia khảo sát được hỏi về cảm xúc về dịch bệnh virus Corona và quan điểm của họ về những chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý. Trong cuộc khảo sát này, động vật hoang dã được định nghĩa là những động vật sống trên cạn, không thuần hoá và không chăn nuôi.

Bày tỏ quan điểm của người dân được khảo sát  trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, báo cáo của WWF cho biết, tới 88% trả lời rằng họ cực kỳ hoặc rất lo lắng về việc bùng nổ dịch bệnh virus Corona. Trong đó, phụ nữ có phần lo lắng nhiều nhất chiếm 92%, tương tự người trong độ tuổi từ 41 đến 60 cũng có mức lo lắng cao chiếm  tới 91%.

Về vai trò then chốt trong việc chống lại đại dịch virus Corona, theo những người được khảo sát, Chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất chiếm 51%, tiếp đó là các  cơ sở y tế 50% và chính quyền địa phương chiếm 40%. Về những cơ quan đáng tin tưởng trong việc chống lại đại dịch virus Corona, những người được hỏi đã trả lời theo thứ tự  cơ sở y tế  chiếm 55%, Chính phủ 52% và tổ chức Liên Hợp Quốc 40%.

Trong số những người tham gia phỏng vấn, 90% cho rằng họ có khả năng hoặc rất có khả năng hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ và ngành Y tế để đóng cửa những chợ bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý; 91% thể hiện sự ủng hộ tương tự với việc đóng cửa những nhà hàng bán động vật hoang dã phi pháp và không được quản lý. Những người được hỏi cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ những động thái và nỗ lực đó bằng cách chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nhằm dừng việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã hoặc thuyết phục người khác không ăn thịt động vật hoang dã, không dùng sản phẩm từ động vật hoang dã. Về thói quen mua sản phẩm từ chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng gần đây, kết quả khảo sát cũng cho thấy, những người mua chủ yếu là đàn ông chiếm 55% và  ở lứa tuổi từ 36 đến 45 tuổi với những loài chủ yếu là chim sống,rắn và dơi.

Theo WWF, cuộc khảo sát cho thấy những người trả lời có hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa động vật hoang dã và những dịch bệnh như COVID-19; gần như tất cả đều ủng hộ Chính phủ hành động quyết liệt để triệt tiêu những khu chợ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý; 79% số người trả lời cho rằng, đó sẽ là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những dịch bệnh tương tự trong tương lai. Trong số những người có khả năng mua sản phẩm từ động vật hoang dã ở các chợ, 41% nói rằng họ sẽ ngừng mua các sản phẩm này. Trên 80% số người được hỏi tại 5 thị trưòng khảo sát đã thể hiện thái độ cực kỳ lo lắng trước sự bùng phát của những dịch bệnh như COVID-19 trong tương lai, nếu không có biện pháp đóng cửa những khu chợ bán động vật hoang dã có nguy cơ cao. Qua đó cho thấy, các biện pháp trừng phạt có thể mang lại liệu quả thiết thực.

Tại Việt Nam, công cuộc khảo sát của WWF đã được tiến hành tại 8 khu vực trên địa bàn cả nước, bao gồm: Tây Bắc Bộ (3%), Đông Bắc Bộ (9%), Đồng bằng sông Hồng (29%), Bắc Trung Bộ (8%), Duyên hải Nam Trung Bộ (7%), Tây Nguyên (2%), Đông Nam Bộ (34%) và Đồng bằng sông Cửu Long (8%). Trong bối cảnh cuộc sống của người dân, nền kinh tế và sức khoẻ cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, kết quả khảo sát cho thấy: Hầu hết những người được hỏi đều thực sự lo lắng về dịch virus corona; người tham gia phỏng vấn đều ủng hộ mạnh mẽ những biện pháp giải quyết tận gốc đại dịch và những dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng bùng phát trong tương lai do săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.

Khoảng 90%, số người được hỏi cho rằng, họ có khả năng hoặc rất có khả năng ủng hộ những nỗ lực của chính phủ và các bộ ngành liên quan về đóng cửa các thị trường và nhà hàng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và thiếu kiểm soát. Những chợ và nhà hàng buôn bán bất hợp pháp tiềm ẩn nguồn lây nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang người. Ở quy mô quốc gia, thói quen mua sản phẩm động vật hoang dã thời gian qua đã góp phần làm nghiêm trọng thêm mối tương tác giữa động vật hoang dã và con người, mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu được bằng cách đóng cửa các cửa hàng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Có thế diễn ra sự thay đổi đáng kể khi 82% người được hỏi cho rằng, họ sẽ không mua sản phẩm từ những khu chợ buôn bán đông vật hoang dã bất hợp pháp. Có thể nhận thấy, giải pháp trừng phạt quyết liệt sẽ là cách làm để ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu được dịch bệnh bùng phát trong tương lai và đảm bảo các loài hoang dã được sống ở nơi chúng thuộc về thiên nhiên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ do tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã, cũng như ban hành các chính sách phù hợp và tăng cường thực thi pháp luật.

Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương của WWF, Christy Williams  nhận xét “…Chính phủ Trung Quốc đã có bước tiến lớn trong việc cấm săn bắt, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt động vật hoang dã. Tại Việt Nam Chính phủ cũng đang tích cực soạn thảo một chỉ thị tương tự. Các chính phủ ở  khu vực châu Á cần phải làm theo để đóng cửa các chợ động vật hoang dã có nguy cơ cao và chấm dứt vĩnh viễn hoạt động thương mại này để cứu lấy sinh mạng người dân và giúp ngăn chặn một sự đứt gẫy về kinh tế và xã hội mà chúng ta đang phải trải qua trên toàn cầu”.

Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai và bảo vệ sức khoẻ của con người, báo cáo của WWF đã  nhấn mạnh  đến  việc trấn áp các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp,00 không được quản lý và cho rằng, đóng cửa được các khu chợ này sẽ tác động đáng kể tới việc mua bán các sản phẩm làm từ động vật hoang dã.

Thay cho lời kết

Sau phá hủy sinh cảnh, buôn bán động vật hoang dã tận diệt là mối hiểm họa lớn thứ hai đối với đa dạng sinh học toàn cầu. WWF đã  sử dụng kiến thức về các loài hoang dã của mình để cùng các chuyên gia y tế trên toàn cầu chặn đứng nguồn gốc gây ra các bệnh dịch từ động vật, đồng thời với việc tăng cường  hợp tác trên quy mô quốc tế để đóng cửa các thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và không được quản lý.

Nhằm giảm thiểu dịch bệnh bùng phát trong tương lai và đảm bảo sự tồn tại của các loài hoang dã, nhân loại cần tiếp tục nâng cao nhận thức về động vật hoang dã, cũng như các chính phủ cần ban hành những chính sách phù hợp và tăng cường hơn nữa thực thi luật pháp.

Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, Marco Lambertini nhận định: “Đây là lúc chúng ta cần sâu chuỗi các vấn đề buôn bán động vật hoang dã, môi trường tự nhiên suy thoái và những rủi ro đối với sức khoẻ con người. Chúng ta cần phải hành động ngay vì chính sự sống của tất cả: vì con người, vì nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe doạ bởi nạn buôn bán và tiêu thụ”.

Thủ tướng Chính phủ  Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến  chỉ đạo, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải khẩn trương phối hợp cùng với các bộ liên quan, soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước. Hành động kịp thời và quyết đoán này cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo nhà nước trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Đồng tình với Macro Lambertini và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Quốc gia WWFViệt Nam Văn Ngọc Thịnh cho răng: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành đồng khẩn cấp để chấm dứt các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai. WWF sẵn sàng làm việc với chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan để thực thi Chỉ thị này và chấm dứt nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã”.

 Hành động của WWF là một cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò đi đầu khu vực trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và ngăn chặn những dịch bệnh bắt nguồn từ động vật có thể bùng phát trong tương lai. Hy vọng những việc làm thiết thực của Việt Nam sẽ góp phần có ích vào việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 và chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong tương lai gần nhất./.