Thạch hộc tía có tên khoa học Dendrobium officinale Kimura et Migo, thuộc chi Thạch hộc, họ Lan (Orchidaceae), phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 1.000 - 3.400 m so với mặt biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng.

Đặc trưng hình thái và phân bố
Trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 - 18 độ C, lượng mưa 900 - 1.500 mm, thường tập trung sống ở phần dốc núi râm mát, độ ẩm cao và vách đá chua.
Thạch hộc là cây phụ sinh mọc trên cây gỗ hay vách đá, cao 30 - 50 cm, thường mọc thành khóm. Thân hơi dẹt, có rãnh dọc, phía trên hơi dày hơn, có đốt dài 2,5 - 3,0 cm, có vân dọc. Thân thạch hộc tía có màu tía, thân các thạch hộc khác có màu xanh. Lá mọc so le thành dây đều hai bên thân, thuôn dài, hầu như không cuống, đầu lá hơi cuộn hình móng, có 5 gân dọc, dài 12 cm, rộng 2 - 3 cm. Cụm hoa ở kẽ lá. Hoa to màu hồng, mọc thành chùm trên những cuống dài, mang 2 - 4 cánh hoa có cánh môi hình bầu dục, nhọn, cuốn thành phễu trong hoa, ở họng hoa có những điểm màu tím. Quả nang hơi hình thoi, khi khô tự mở. Hạt rất nhiều và nhỏ như bụi phấn.

Mùa hoa tháng 2 - 4, mùa quả tháng 4 - 6. Cây mọc hoang ở rừng núi trên cây gỗ, được trồng làm cảnh ở Việt Nam.
Trên thế giới họ Lan có 1.400 loài, trong đó Trung Quốc có 81 loài. Trong chi Thạch hộc có nhiều loài dùng để làm thuốc quý. Ở Trung Quốc chi Thạch hộc có 14 loài và 12 loài phụ, trong đó chỉ có 11 loài làm thuốc quý nhưng Thạch hộc tía là loại làm thuốc tốt nhất, được bán với giá cao nhất trên thị trường.
Các loài Thạch hộc thường thấy là:
- Thạch hộc tía (Thiết bì) với đặc trưng vỏ cây có màu xanh tía, là cây thảo bản phụ sinh lâu năm, sống bám vào cây gỗ lớn rừng nguyên sinh có độ ẩm cao hoặc ở vách đá ẩm ướt, ưa khí hậu ẩm và râm mát, có giá trị độc đáo về dược phẩm.
- Thạch hộc Lưu tô (đuôi ngựa) phân bố chủ yếu ở Quý Châu, Vân Nam, Quảng Châu ở độ cao 600 - 1.700 m, phụ sinh trên cây gỗ rừng kín hoặc vách đá ẩm ướt, phân bố ở nhiều nước Ấn Độ, Nê Pan, Xích Kim, Bu Tan, Myanma, Thái Lan, Việt Nam. Rất dễ sinh trưởng, mọc nhanh, năng suất cao, cũng có tác dụng nhất định về công năng dược liệu.
- Thạch hộc Kim thoa cũng là cây thảo bản lâu năm, mọc thành bụi, phân bố chủ yếu ở Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây (Trung Quốc), cũng có công dụng làm thuốc chữa một số bệnh.
- Thạch hộc Cầu hoa thân đứng hoặc nghiêng, mọc trên cây gỗ rừng độ cao 750 - 1.800 m, hoa rất đẹp, thường dùng làm cây cành.
- Thạch hộc Cổ chùy là cây thảo bản phụ sinh lâu năm, mọc bám vào cây gỗ rừng thường xanh hoặc vách đá rừng thưa, độ cao 500 - 1.600 m, phân bố ở Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam.
- Thạch hộc Hooc sơn phân bố ở huyện Hooc Sơn, An Huy - Trung Quốc, có công dụng làm dược liệu để chữa một số bệnh.
- Thạch hộc Thủy thảo rất dễ trồng, sinh trưởng nhanh, năng suất cao, cũng có công năng làm dược liệu chữa một số bệnh.
Ở Việt Nam họ lan có nhiều loài, phân bố ở các vùng núi từ Bắc vào Nam, nhiều loài đã bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng, một số loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, trong đó có loài lan Thạch hộc Dendrobium nobile Lindl. phân bố ở vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam đang được nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng để làm thuốc.

Công dụng và hiệu quả kinh tế
Thành phần hóa học:
Thạch hộc làm thuốc có nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học quý. Thạch hộc tía giàu polysacarit thạch hộc, alkaloit thạch hộc, các acid amine và nhiều chất khoáng kali, canxi, magie, mangan, đồng, titan và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó polysacarit thạch hộc tới 22%, hàm lượng các acid amine như glutamic, asparagic, glucin chiếm tới 35% tổng lượng acid amine. Ngoài ra Thạch hộc tía còn có những hợp chất đặc thù như phenanthryn, bibenzyl , keton, ester và các chất nhầy, hợp chất amidon.

Những năm gần đây công năng làm thực phẩm chức năng đã được khám phá thêm, là sản phẩm thiên nhiên an toàn và bổ dưỡng.