Hội nghị Trung ương 4: Ngăn chặn từ gốc các biểu hiện suy thoái

Suy thoái chính là cái gốc, là mầm mống nảy sinh tiêu cực và nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ ta.

Công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là điều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 4.

Liên tiếp từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, trong 3 khóa, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chọn nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bàn và quyết định những định hướng chiến lược cho cả nhiệm kỳ. Điều đó tạo dấu ấn sâu đậm trong Đảng và trong Nhân dân về “Nghị quyết Trung ương 4”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Chỉ riêng trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỉ luật 10 tổ chức Đảng và 60 Đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỉ luật 169 Đảng viên và hơn 2.200 cán bộ, Đảng viên bị kỉ luật do liên quan đến tham nhũng.

 

Theo ông Mai Trực – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây chính là minh chứng rõ cho quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của Đảng. Những kết quả đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát một cách chủ động thường xuyên liên tục để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

“Thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm trọng điểm, trong đó coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa. Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh xong cần phải trên tinh thần nhân văn trị bệnh cứu người. Vi phạm của đảng viên, nhất là vi phạm có liên quan đến tham nhũng thì cần phải được phát hiện trước hết từ trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ đầu khi mới manh nha, tránh không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng”, ông Mai Trực nhấn mạnh.

Để loại bỏ tận  gốc, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32 "về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", thay thế Quy định số 211, năm 2019, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Ðảng trong phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

 

“Tiêu cực, suy thoái diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Điều đó chúng ta càng thấy rằng, nhận định của Trung ương là phải kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Bởi vì đây chính là cái gốc, đây chính là mầm mống nảy sinh tiêu cực và nó liên quan đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ ta là như vậy”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho hay.

Với những nội dung, yêu cầu mới đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII chắc chắn sẽ tiếp tục tạo những dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề quan trọng để Đảng ta tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng và chính đốn Đảng, củng cố niềm tin của Đảng viên và nhân dân.