Hội thảo "Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông"

Sáng 5/11, Ban truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo " Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông" do TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam và Nhả xã hội học PGS TS Phạm Bích San chủ trì.

img-20211105-084439-1636105961.jpgQuang cản hội thảo.

Liên hiệp hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội có số lượng các cơ quan báo chí lớn nhất cả nước (gồm 69 cơ quan báo chí), báo chí, truyền thông đã có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phổ biến kiến thức góp phần đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, nâng cao dân trí...Bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí và người làm báo thuộc Liên hiệp hội đang phải đối diện với không ít thách thức về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông.

Hội thảo tập trung bàn thảo về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên truyền thông số và ứng xử của lãnh đạo đối với truyền thông trước các sự kiện xảy ra. Các tham luận tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng: Xét về phương diện đạo đức nghề báo, nhìn chung, đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những đóng góp đó của báo chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

vxb-hoi-thao1-1636106504.jpgNhà báo Vũ Xuân Bân tham luận tại Hội thảo.

 

Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta cũng đã xuất hiện và tồn tại nhiều khuyết điểm, yếu kém rất đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tham luận của Nhà báo Vũ Xuân Bân, Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) sau khi dẫn chứng một số vụ vi phạm đạo đức nghè nghiệp báo chí, nêu rõ: "Đây là hệ quả tai hại đến từ lối làm việc chộp giật của một bộ phận người làm báo "xa-lông", xa rời thực tiễn, ngại đi cơ sở, thấy tin nóng là giật tít câu like, bỏ qua tác nghiệp hiện trường, không kiểm chứng, xác thực thông tin. Ðây là lý do khiến hiện tượng “sáng đưa, trưa gọi, chiều rút”, đăng bài rồi lại gỡ đã không còn là hy hữu. Lỗi này không chỉ là phóng viên (người viết) mà còn là trách nhiệm của cả biên tập, hiệu đính nhưng trách nhiệm cuối cùng trước pháp luật là Tổng biên tập, người đứng đầu tờ báo, tạp chí."

img-20211105-091856-1636107212.jpgNhà báo Nguyễn Danh Châu tham luận tại Hội thảo.

 

Nhà báo Nguyễn Danh Châu, Phó Tổng biên tập báo Tri thức và Đời sống cho rằng: Trong thời gian qua, không ít người  đã phải vào vòng lao lý, không ít người đã bị phạt, bị thu thẻ...vì thông tin sai sự thật hoặc thông tin méo mó, không quan tâm đến hậu quả thông tin...Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đạo đức báo chí như sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế, thiếu trung thực, không tôn trọng sự thật, sự thiếu hoàn thiện của cơ chế... Từ những phân tích trên cho thấy gìn giữ đạo đức người làm báo đã là khó chứ đừng nói đến nâng cao và đưa ra giải pháp trong giai đoạn hiện nay quả là một toán hóc búa.

img-20211105-094508-1636107017.jpgNhà báo Lê Hồng phát biểu tại Hội thảo.

 

Nhà báo Lê Hồng, Ban truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội với tham luận " Ba nguyên tắc bất biến về đạo đức trong nghề báo" của nghề báo nói chung và nhất là báo, tạp chí trong hệ thống của Liên hiệp hội là: Thứ nhất là không được phép nói sai sự thật; Thứ hai là động cơ của tác giả; Thứ ba là tính chuẩn mực. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người phê phán. Sự chuẩn mực ở đây nằm ở sự chừng mực và tuyệt nhiên không đẩy bất cứ ai đế " bước đường cùng". Sự chuẩn mực  còn nằm ở liều lượng thông tin. Phê phán cái xấu nhưng phải biết nâng niu cái tốt... Sự tâng bốc quá lời, sai sự thật cũng chính là "liều độc dược".

Các tham luận của Ths Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam; Nguyễn Hữu Cảm, Phó Tổng biên tập Tạp chí khoa học kỹ thuật Thú y; Nguyễn Sinh Thành, Liên hiệp hội Việt Nam; Hoàng Văn Tuyển, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ...phân tích những biểu hiện tích cực, tiêu cực, những biện pháp khắc phục. 

Kết luận hội thảo, TS Lê Công Lương và PGS TS Phạm Bích San đều nhấn mạnh: Những kiến nghị trong hội thảo sẽ được Ban truyền thông và phổ biến kiến thức tổng hợp báo lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam xem xét về cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp thông tin trong hệ thống báo, tạp chí của Liên hiệp hội.

Trong môi trường truyền thông số, tác phong, phương thức làm nghề của nhà báo có thể thay đổi, song có một thứ luôn phải giữ vững và tự kiểm duyệt là đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp; lựa chọn ứng xử phù hợp, đối với báo chí Liên hiệp hội phải tuân thủ nguyên tắc khoa học, tôn trọng sự thật, khách quan. Ðây cũng chính là đòi hỏi mang tính quyết định để báo chí tiếp tục phát huy chức năng định hướng dư luận xã hội, giữ vững vị trí là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống.