Ngày 10-10, qua đường dây nóng báo Tuổi Trẻ, ông Trương Sơn Bắc (42 tuổi, nhà hẻm 496 Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ảnh: "Xóm tôi mới xuất hiện một con khỉ, không biết từ đâu đến, nghe mọi người nói nó sổng chuồng từ nhà người khác đi qua đây. Mọi người lo lắng chưa biết phải xử trí sao...".
Cả phường "bó tay" với một con khỉ
Ông Bắc kể thêm: từ khi con khỉ đến xóm, nó leo từ cây này qua cây kia. Thậm chí nó chui vào nhà nhiều hộ dân lục lọi đồ ăn, phá bể đồ đạc.
"Nhiều người dụ để bắt nó nhưng không được. Có những đêm, nó chạy từ nhà này sang nhà kia khiến chó sủa um sùm làm mọi người thức giấc, náo loạn cả khu xóm", ông Bắc nói.
Có mặt tại nơi ông Bắc phản ảnh, chúng tôi thấy chú khỉ khoảng 8kg đang thoăn thoắt đi trên mái nhà, leo trên các nhánh cây rồi luồn vào nhà một người dân để tìm thức ăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là con khỉ đuôi lợn, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Bà K.L. (65 tuổi, hàng xóm với ông Bắc) kể có buổi sáng bà đang tập thể dục trên sân thượng thì con khỉ leo lên. Bà L. sợ nó vào nhà nên chạy đến đóng cửa lại thì nó thò tay khoèo, may mà chỉ trúng áo.
"Con khỉ hay bắt chước, thấy mình làm gì là nó làm theo. Nó thấy mình dùng dao làm cá nó cũng bắt chước nên rất nguy hiểm. Khu này con nít nhiều nên bắt được nó sớm ngày nào người dân yên tâm ngày đó", bà L. lo lắng.
Sau phản ảnh của người dân, chiều 11-10, UBND phường 6 (quận Gò Vấp) đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn đến hỗ trợ bắt khỉ.
Thấy con khỉ ngồi trên mái nhà, hai nhân viên của Thảo cầm viên chuẩn bị ống tiêm chứa thuốc mê, nhưng khi đến gần thì chú khỉ nhanh chóng chạy đi nơi khác.
Tiếp đến chiều 21-10, ông Phan Đình An, chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp), trực tiếp cùng cán bộ môi trường của phường và một cán bộ kiểm lâm đến khu vực này để xử lý con khỉ.
Khi cán bộ kiểm lâm tìm cách đến gần để thổi ống tiêm chứa thuốc mê, một lần nữa con khỉ lại chạy mất hút.
Và theo một cán bộ môi trường UBND phường 6 (quận Gò Vấp) thì mãi đến ngày 22-10 nhân viên Thảo cầm viên mới thổi ống tiêm có thuốc mê dính vào con khỉ. Tuy nhiên sau khi trúng ống tiêm con khỉ hoảng, đem theo cả ống tiêm thuốc mê chạy đi đâu không rõ.
"Tới nay UBND phường đang tiếp tục theo dõi thông tin, khi phát hiện con khỉ sẽ nhờ các đơn vị hỗ trợ xử lý" - vị cán bộ trên nói.
Trao đổi thêm, ông An cho rằng đối với động vật hoang dã sổng chuồng có khả năng gây hại đến tính mạng con người, trong trường hợp khẩn cấp, UBND phường sẽ có công văn đề nghị UBND cấp quận chỉ đạo các đơn vị xử lý.
"Một số người dân có thói quen tự xử lý, bắt giữ những động vật hoang dã. Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo người dân nên báo cho UBND phường nơi mình cư trú, để UBND phường có thể liên hệ các đơn vị chuyên môn cùng xử lý. Từ đó giúp người dân tránh bị thương tích do động vật hoang dã gây ra", ông An nói.
Động vật sổng chuồng, tấn công người
Trước đó, bà N.T.H. cùng nhiều người dân tại đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh) cũng "sống trong sợ hãi" từ khi một con khỉ lớn chừng 6-7kg xuất hiện.
Theo bà H., con khỉ trên rất dạn và phá phách, giành ăn, đánh nhau cả với mấy con chó trong xóm. "Nó nghịch ngợm hái trái ổi, xoài, khế trồng tại nhà tôi... rồi ném đồ ăn dư vào người trong nhà", bà H. kể.
Cán bộ kiểm lâm cũng đã vài lần đến khu dân cư trên tìm cách gây mê, bắt khỉ nhưng không thành. Tuy nhiên, trong một lần giành đồ ăn với chó tại sân một biệt thự, con khỉ trên đã bị chó cắn chết.
Vào tháng 6-2018, một con khỉ nuôi nhốt cũng bị sổng chuồng và tấn công người tại huyện Bình Chánh.
Khi đó bé gái N.P.N.K. (14 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đang ngồi chơi với gia đình trước sân thì bị khỉ nhà hàng xóm sổng chuồng, chạy qua tấn công, cào mặt và cắn ngay đỉnh đầu bé. Bé K. đã được gia đình đưa ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng TP cấp cứu.
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi K. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh, chẩm phải.
Về trường hợp trên, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP cho biết con khỉ sổng chuồng cắn bé gái sau đó đã được người dân bắt giao cho Chi cục Kiểm lâm TP đưa về trạm cứu hộ.
Trước đó, vào đầu năm 2015, một bé trai 3 tuổi (huyện Hóc Môn) cũng bị một con gấu nuôi nhốt cắn đứt cánh tay. Lúc đó dư luận đã bức xúc về những hiểm nguy rình rập từ việc nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Xuân Lưu - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - cho biết thêm thời gian qua trên địa bàn TP đã xảy ra một số trường hợp khỉ, gấu... sổng chuồng cắn người.
Lực lượng kiểm lâm TP thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để xử lý động vật hoang dã nuôi nhốt, buôn bán trái phép cũng như động vật hoang dã sổng chuồng ở khu dân cư có nguy cơ gây hại cho người dân.
Những động vật hoang dã sổng chuồng khi bắt từ khu dân cư sẽ được đưa về trạm cứu hộ ở huyện Củ Chi. Sau thời gian cứu hộ con vật sẽ được thả về môi trường tự nhiên hoặc các trung tâm bảo tồn được Nhà nước cho phép nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Lưu cũng đưa ra khuyến cáo: theo các quy định hiện hành, trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đe dọa, tấn công trực tiếp đến tính mạng con người (ở các khu vực nằm ngoài khu rừng đặc dụng, phòng hộ), sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.
Ông Nguyễn Xuân Lưu (chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM):
Người dân không nên tự xử lý!
Động vật hoang dã đều có bản năng tự nhiên, có thể tấn công con người bất kỳ lúc nào. Do đó lực lượng kiểm lâm khuyến cáo người dân không nên nuôi những động vật này tại khu dân cư.
Việc nuôi động vật hoang dã trái phép tùy theo tính chất mức độ mà có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện các trường hợp buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã hoặc động vật hoang dã sổng chuồng, người dân không nên tự ý xử lý mà cần báo ngay cho tổ dân phố hoặc UBND phường để chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp giải quyết.