Ký ức về làng

Nhiều người cũng vào Nam ra Bắc và con cháu họ cũng được sinh ra một nơi nào đó, ý niệm về làng ngày càng được mở rộng phóng khoáng hơn, riêng tôi tình yêu thương giành ở nơi đâu, nơi đó chính là làng, Liên Hoá là nơi chôn rau cắt rốn là nơi lá rụng về cội của tôi.

248279162-1779848298891645-2121369769748968879-n-1635320305.jpg

"Nỗi nhớ quê hương trong giấc ngủ chập chờn

Con bỗng muốn nghe câu ru hời của mẹ"

Hai câu thơ của một người con quê hương, giờ cũng không ở trên chính trên mảnh đất nơi mình được sinh ra. Cũng như tôi vậy quê nội tôi ở Quảng Hoà, chiến tranh giặc giã gia đình ông bà tôi tản cư lên đây. Ông nội tham gia du kích và bị bom Mỹ đánh trúng  nằm viện một thời gian và không qua khỏi, Ông nội qua đời, bà Nội ở lại Tuyên Hoá và Ba Mẹ tôi sinh tôi ra trên mãnh đất Mai Hoá thân thương. Nhiều người cũng vào Nam ra Bắc và con cháu họ cũng được sinh ra một nơi nào đó, ý niệm về làng ngày càng được mở rộng phóng khoáng hơn, riêng tôi tình yêu thương giành ở nơi đâu, nơi đó chính là làng, Liên Hoá là nơi chôn rau cắt rốn là nơi lá rụng về cội của tôi.

Những năm tháng chiến tranh ở đâu cũng là Làng và tôi lớn lên trên Liên Sơn sau này tách đôi thành thôn Liên Hoá. Trong ký ức của tôi Làng là một cố kết cộng đồng gắn bó, sức mạnh đoàn kết thương yêu và chia sẽ, những năm tháng tuổi thơ tôi ngụp lặn trong nỗi gian truân vất vã, cả cái làng này thiếu áo đói cơm, ai cũng chạy vạy theo miếng ăn, đa số làm nông nghiệp, nhờ cả vào trời, lúc đại hạn, lúc ngập úng, những ai có bữa ăn là hạnh phúc nhất vùng, thế mà người này nương tựa vào người kia, đồng cam cộng khổ vượt qua tất cả. Trong sự gian khó đó gia đình tôi nhận được nhiều nhất sự cưu mang bao bọc của làng, chính bà con xóm giềnh đã giúp tôi có cái ăn cái học và chính xóm giềng đã cho tôi một tuổi thơ êm đềm, nếu có thể được sinh ra lần nữa tôi cũng xin chọn làng này để mẹ sinh tôi.

Chiến tranh, không nói hết đau thương mất mát, gia đình nào cũng có con Cháu hy sinh cho tổ quốc, những người sống hôm nay tự hào về truyền thống cha ông và thầm gìn giữ nếp nhà, giữ nếp văn hoá Làng xã như mạch nguồn thấm vào đất đai, thấm vào máu thịt. Nhiều người xa quê để lo cho cuộc sống mưu sinh cơm áo, có ít khi trở về quê,rồi chẳng bao lâu cũng thấy mây trắng phủ bạc tóc mình, muốn về quê, muốn làm cái gì đó lưu lại cho quê. Nhưng biết làm được gì đâu khi gánh nợ áo cơm cứ bám lấy phận người đeo đẳng, chẳng có ai bảo rằng hoặc cảm thấy rằng tôi nhiều tiền, ai ai cũng thấy thiếu, người thì thiếu chỗ này người khác thiếu chỗ kia, vì triết lý cuộc sống không bao giờ thấy đủ. Chỉ bản thân mỗi người cảm nhận cuộc sống mình thế nào là đủ. Và mỗi người yêu quê theo cách của riêng mình, góp một sức nhỏ vào làng quê nghìn năm văn hiến.

Là một người con quê hương, tôi yêu quê biết nhường nào, mượn những câu văn, câu thơ nói hộ tấm lòng, còn về vật chất thì chưa giúp ích được gì cho làng, mọi đóng góp chỉ là hạt cát trên sa mạc, như hạt muối giữa biển đông và nhiều người con quê hương họ không nói ra nhưng đều chất chứa tình yêu quê, yêu cha mẹ ông bà, anh chị em bà con lối xóm, nhiều người bận rộn trăm công nghìn việc. Ít dịp về quê, nhưng chắc họ cũng như tôi, mỗi đường làng ngõ xóm , mỗi thửa ruộng, tên núi tên khe đều in dấu chân tuổi thơ mang bao kỷ niệm rưng rưng. Mỗi lần về quê thế nào tôi cũng đi bộ một vòng quanh làng , quanh đồng ruộng, thấy quê hương đổi mới mà mừng mừng, tủi tủi nhớ lại ngày xưa, nhớ bóng dáng người thiên cổ cả đời cực khổ bần hàn, tôi nhớ người thân đã khuất, có khi nhớ người dưng nhưng lại rất thân, vì trong lao động con người yêu thương nhau như ruột thịt, có đôi lần tôi khóc.

Quê còn nghèo nhưng quê luôn đẹp đẽ và in dấu kỷ niệm thiêng liêng của mỗi chúng ta, ra Bắc hay vài Nam đâu đâu cũng thấy những cổng chào làng văn hoá, cũng thấy bộ mặt thôn quê rất rạng rỡ hoành tráng, chắc mỗi người chúng ta ai cũng muốn có một nơi để tự hào để ấp ũ, Cổng làng chính là nôi hiện hữu rõ nhất bộ mặt của một làng, vì vậy ban mặt trận thôn đã cố gắng hoạt động kêu gọi đóng góp để làm nên một bộ mặt của làng, trong mỗi người cảm nhận và tự thấy vai trò trách nhiệm của mình để đóng góp sức mình, làm đẹp cổng Làng lưu giữ mãi muôn sau. Cảm xúc của một người con xa quê khi đọc hai câu thơ:

Nỗi nhớ quê hương trong giấc ngủ chập chờn

Con bỗng muốn nghe câu ru hời của mẹ

Đã làm tôi xúc động viết lên tản văn này

Xin gửi bà con trong thôn chia sẽ và đồng cảm.

 

Theo Chuyện Làng quê