1.
Là công dân của một đất nước, văn nghệ sĩ cũng chịu chung với đồng bào mình mọi nguy hiểm, khó khăn do đại dịch gây ra. Đại dịch không trừ một ai. Đã có những văn nghệ sĩ bị nhiễm Coronavirus. Đã có nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ biểu diễn qua đời vì căn bệnh nguy hiểm này. Nhiều văn nghệ sĩ cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế do bị mất cơ hội hoạt động nghề nghiệp.
Trong hoàn cảnh ấy, ta thấy đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tỏ ra vững vàng, không những chịu đựng khó khăn, nguy hiểm, mà còn tham gia các hoạt động xã hội với tư cách những công dân tích cực.
Lướt qua mạng xã hội, tôi chưa gặp một dòng trạng thái nào của văn nghệ sĩ thể hiện sự bi quan, bế tắc hoặc phê phán các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu anh hùng bàn phím. Khắp nơi, tôi gặp những lời tự động viên mình vượt qua khó khăn, những lời chia sẻ yêu thương, động viên đồng bào giữ vững tinh thần, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, quản lý của nhà nước, kiên cường chống dịch.
Trong hành động, ở đâu cũng xuất hiện những văn nghệ sĩ tham gia tích cực cùng toàn dân phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, giúp đỡ người dân vùng tâm dịch... Tiêu biểu như ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi đại dịch đang bùng phát dữ dội, nguy hiểm vô cùng, đội ngũ văn nghệ sĩ TPHCM đã cùng chung tay phòng, chống dịch bằng những việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình thông qua các hoạt động kêu gọi người dân cùng với chính quyền chấp hành các quy định phòng, chống dịch; sáng tác những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch; đóng góp chăm lo cho người dân khu vực cách ly, phong tỏa, và đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19,…
Theo trang tin điện tử Thành ủy Thàn phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, đội ngũ văn nghệ sĩ TPHCM và những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã tích cực tham gia đội hình tình nguyện viên do Thành đoàn TPHCM phát động. Đến nay, đội hình có khoảng 120 thành viên tham gia do MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM phụ trách chính.
Suốt từ khi dịch bùng phát đến nay, gần 120 thành viên trong đội hình tình nguyện của văn nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật luân phiên tham gia thực hiện các nhiệm vụ tùy thời điểm và công việc cụ thể như: hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; hỗ trợ công tác tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19; dọn dẹp ký túc xá làm khu cách ly; cung ứng thức ăn cho các khu cách ly và phong tỏa; vận chuyển hàng hóa, quà tặng đến các điểm chống dịch và khu cách ly; đi siêu thị giúp người dân khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ,…
Ở nhiều tỉnh, thành phố cũng có tình hình tương tự. Văn nghệ sĩ đã thể hiện trách nhiệm công dân cao, không những không than phiền nản chí, mà còn vững vàng vươn lên, tham gia các hoạt động thiện nguyện, cổ vũ đồng bào kiên cường vượt qua đại dịch.
Nhìn về hoạt động xã hội, văn nghệ sĩ là như vậy. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, đội ngũ văn nghệ sĩ không phải chỉ có vậy. Đại dịch với vô vàn nguy hiểm, khó khăn tạo nên thử thách vô cùng lớn lao đối với từng con người, từ đó làm bật ra những tính cách, những điển hình, có thể là chất liệu quý cho sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Vậy thì, chính trong khi thực hiện vai trò của một công dân chịu đựng và vượt qua mọi thử thách của dịch bệnh, họ cũng đóng vai trò của người sáng tạo nghệ thuật đắm mình vào thực tế, nhận thức, trải nghiệm, tích lũy vốn sống theo phương pháp mà chỉ riêng văn nghệ sĩ mới có. Có những nhà văn, nhà thơ, cũng phải lo cơm áo gạo tiền, lo thực hiện 5 K, nhưng đã âm thầm quan sát, ghi chép theo phương pháp nhận thức của người sáng tạo, âm thầm chuẩn bị cho tác phẩm về thời đại đặc biệt này.
Tính thời sự đặc biệt của một hiện thực đặc biệt đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn người nghệ sĩ, làm rung lên mãnh liệt những xúc cảm nghệ thuật mà nếu không bắt kịp, nó sẽ trôi qua, không bao giờ trở lại nữa! Vì vậy, họ không chần chừ, băn khoăn với việc lựa chọn giữa sáng tác cổ động, tuyên truyền nhất thời với thái độ ngồi tháp ngà mà suy tư thai nghén tác phẩm “để đời”! Yếu tố quyết định để tạo được tác phẩm nghệ thuật có giá trị là: Tài năng. Tâm thế của người trong cuộc. Cứ dấn thân trong giông bão đại dịch, sáng tạo bằng cả tình yêu thương vô bờ bến với con người, cuộc sống, chắc chắn sẽ có những tác phẩm có chủ đề tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao.
2.
Nhanh nhạy nhất là thơ ca, đã xuất hiện hàng loạt tác phẩm ra đời từ những ngày đầu chống dịch, với nội dung ca ngợi những chiến sĩ áo trắng trên tuyến dầu chống dịch, cổ vũ tinh thần đồng bào những vùng tâm dịch, từ Đà Nẵng, tới Bắc Giang, rồi thành phố Hồ Chí Minh, ca ngợi tinh thần thương yêu, đùm bọc của đồng bào. Đặc điểm nổi bật là sự kết hợp thơ và âm nhạc để tạo nên những ca khúc có chiều sâu tâm trạng và có bề nổi của không khí hào hùng chống dịch. Bằng phương thức làm việc trực tuyến, các nhạc sỹ cùng nhà thơ sáng tác rồi gửi bài cho các ca sỹ thể hiện để tuyên truyền trên mạng xã hội. Những bài hát góp phần tích cực giúp đỡ, động viên toàn quân và dân cả nước trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi đại dịch.
Từ các hoạt động lẻ tẻ như vậy, các nhà thơ, nhạc sĩ đã kết hợp với nhau hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để tạo thành một phong trào rộng lớn. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết:
Các nhạc sỹ Việt Nam tiếp tục bám sát tình hình thời sự, có những tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa, như một liệu pháp chữa trị cho tâm hồn bằng âm nhạc, góp phần phòng chống, đẩy lùi đại dịch. Âm nhạc luôn đóng vai trò “xung kích” trên mặt trận văn hóa-văn nghệ.
...Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng chống COVID-19 và đã nhận được trên 200 tác phẩm. Hội đã kịp thời tuyển chọn 100 ca khúc có chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin” và sau đó đã xây dựng một chương trình nghệ thuật online với tên gọi “Niềm tin chúng ta là người chiến thắng.” Chương trình đã tạo được tiếng vang trong xã hội.
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã phát động đợt sáng tác lần thứ hai. Trong một thời gian ngắn, Hội đã nhận được trên 400 ca khúc của các tác giả trên cả nước gửi về. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sỹ đối với công cuộc chống dịch. Từ hơn 400 tác phẩm đó, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip để kịp phát sóng trực tuyến chương trình “Tiếng hát át COVID.”
Gần đây, Hội nhạc sỹ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp tổ chức cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu.
Hiện nay, Hội đã có những kế hoạch xây dựng các chương trình ca nhạc trực tuyến, gửi tới đồng bào và chiến sỹ cả nước. Chương trình biểu diễn trực tuyến “Tiếng hát át COVID” số đầu tiên đã lên sóng cuối tháng Tám, số thứ hai diễn ra vào 10h ngày 3/9 để chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Chương trình giới thiệu những ca khúc mới sáng tác, đề cập đến các khía cạnh của cuộc chiến chống dịch. Mỗi bài hát là một sắc thái riêng, một hình thức riêng từ hành khúc đến tình ca, từ những bài mang tính chất kêu gọi, cổ động đến những trạng thái chia sẻ tâm tình. Tuy vậy, các bài hát có cùng một chủ đề: Hướng tới quyết tâm đồng lòng dập dịch và niềm tin chiến thắng.
Cùng với mọi tầng lớp nhân dân khác, các nhà văn trong cả nước góp phần vào cuộc chiến chống dịch bằng nhiều hành động thiết thực, đồng thời cống hiến những tác phẩm tinh thần lan tỏa năng lượng tích cực.
Trước hết, nhà văn là người trong cuộc, không phải là người đứng ngoài để quan sát và phán xét. Là người trong cuộc, nhà văn nếm trải, thấu hiểu những khó khăn mà đất nước phải trải qua, những nét đặc thù của một đất nước còn nhiều hạn chế, từ đó có thái độ tích cực, dám chịu đựng những thử thách và đóng góp khả năng của mình cho cộng đồng chống lại giặc dịch. Khi đã là người trong cuộc, đã nếm trải đắng cay và ngọt bùi, các nhà văn có tư tưởng tích cực, có rung động mạnh mẽ, để có thể sáng tạo nên những tác phẩm hữu ích. Tôi muốn nhắc đến một nữ thi sĩ, Phạm Thị Phương Thảo, từ sự trải nghiệm của bản thân thời Covid, chị đã viết nên tập trường ca Sự sống và lòng biết ơn! có giá trị. Có thể nói, Sự sống và lòng biết ơn! là tác phẩm văn học dài hơi nhất ra đời ngay trong những ngày cả nước căng mình chống đại dịch, như một liều vắc xin tinh thần, giúp công chúng có thêm sức đề kháng chống lại những “vi rút” tinh thần gây hoang mang, bi quan, hướng tới ngày đẩy dịch lui, bình an trở lại!
Theo thông tin trên một số báo điện tử, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam,” truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến mọi người trong mùa dịch. Cuộc thi tiếp nhận các sáng tác về con người, cuộc sống mảnh đất phương Nam, đặc biệt chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, tình người và dấu ấn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Cùng hướng tới việc lan tỏa tình người trong mùa dịch, TYM Books & Media tổ chức Cuộc thi viết tản văn về đề tài “Thương lắm Sài Gòn.” Với Cuộc thi này, người tham gia có thể ghi lại cảm xúc, câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn hay hành động thiện nguyện, trượng nghĩa về tình người Thành phố Hồ Chí Minh dành cho nhau trong những ngày cả thành phố đang nỗ lực chống dịch.
Nhà văn Nguyễn Duy Quyền, tác giả của các đầu sách “Quên được cứ quên,” “Tiệm ký gửi nỗi buồn”, “Còn quá nhiều thứ để thương”, “Sài Gòn trong Sài Gòn” làm trong một công ty cung ứng dịch vụ y tế cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng cộng sự tham gia quy trình xử lý sau khi xét nghiệm và đưa bệnh nhân về đúng tuyến điều trị, cũng như điều tra dịch tễ và truy vết. Tạm xa cuộc sống yên bình trước đây, anh chuyển đến khách sạn để sống cùng đồng đội trong vùng xanh.
Dù công việc bận rộn nhưng Nhà văn Nguyễn Duy Quyền vẫn tranh thủ ghi lại những cảm nhận về công việc và những chuyện diễn ra quanh mình trong bối cảnh toàn dân chống dịch như chống giặc. Tất cả đều được anh cập nhật liên tục mỗi ngày trên trang cá nhân. Anh có ý định tập hợp những ghi chép này thành một tập tản văn và ký.
Trên hành trình đi tặng gạo và nhu yếu phẩm, Nhà văn Hoàng Hiền, tác giả của nhiều tập truyện ngắn in trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ, Nhân Dân cho biết, chị gặp những thân phận đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, môi trường đặc biệt. Đó là những chất liệu quý để sáng tạo nên tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, những hành trình hàng ngàn cây số của người lao động nhập cư, những hoàn cảnh vô cùng khó khăn đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức của những người cầm bút.
Đồng quan điểm, nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban Truyền thông, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, dịch COVID-19 làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên toàn thế giới, trong đó có các nhà văn, những người nhạy cảm với đời sống, phải suy ngẫm và đưa những nhận thức này vào những trang viết. COVID-19 chắc chắn sẽ là đề tài lớn để những người viết chiêm nghiệm và cho ra đời nhiều tác phẩm phản ánh chân thực về những ngày dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo Nhà văn Bích Ngân, mỗi nhà thơ, nhà văn dù muốn hay không thì những gì họ viết ra cũng phản ánh hiện thực, quan trọng hơn, phản ánh đời sống tinh thần của con người trong giai đoạn họ chứng kiến, họ sống và viết.
Dĩ nhiên, nhà văn cũng chỉ là một con người cụ thể với nhận thức, cảm xúc, ý hướng cá nhân, bởi vậy rõ ràng hiện thực sẽ được phản ánh dưới góc nhìn riêng. Nhiều cái nhìn, nhiều phong cách sẽ góp phần phản ánh, tái tạo một thời kỳ, xa hơn là một thời đại đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn.
***
Cuộc chiến chống đại dịch còn diễn biến phức tạp và chưa đến hồi kết. Cùng với đồng bào cả nước, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sống, lao động, đấu tranh và cống hiến. Các tác phẩm văn học nghệ thuật tiếp tục được hình thành và công bố, liên tục tỏa năng lượng tích cực vào cuộc sống. Thời gian sẽ sàng lọc, để những tác phẩm thực sự có giá trị đọng lại trong đời sống.