Lấy vợ lẽ

Tôi chào chú ra về. Bước xuống cầu thang lại nghĩ: “Đồng tiền chỉ để cho ta yên tâm. Chứ không đưa ta đến hạnh phúc”.

lay-vo-le-1637373554.jpgẢnh minh hoạ

Năm ấy, thằng con trai út của tôi thi đậu vào trường phổ thông trung học chuyên của tỉnh.

Sau một tháng, kể từ khi khai giảng, hôm nay là ngày họp phụ huynh đầu năm, khi đã họp xong toàn trường, là họp theo từng lớp. Nội dung gồm nhiều phần nhưng cuối cùng là bầu đại diện hội phụ huynh lớp. Vốn là người ăn nói trôi chảy, mà cũng có tâm trong việc học tập của con cái, và lại hay "ngứa mồm", sau khi tôi phát biểu ý kiến cuối cùng trước buổi họp, tất cả phụ huynh trong lớp đều nhất trí bầu tôi làm hội trưởng hội phụ huynh lớp. Công việc đối với tôi cũng không phải mới mẻ gì, vì tôi cũng đã nhiều năm làm rồi, khi thằng nhỏ nhà tôi còn đang học phổ thông cơ sở.

Khi kết thúc buổi họp phụ huynh đầu năm, mọi người ra về. Riêng đại diện của các lớp đều ở lại, lên phòng giám hiệu, để bầu ban chấp hành hội phụ huynh của toàn trường.

Chủ trì cuộc họp là thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng gần nhà tôi, là bạn học cùng tôi thời cấp ba. Tất cả thành viên trong buổi họp, đều đồng ý bầu tôi làm hội trưởng. Tôi một mực từ chối, xin làm cấp phó thôi, dù sao cũng là năm đầu chưa quen công việc.

Sang năm rồi làm cấp trưởng. Nhưng không ai nhất trí cả. Họ bảo: "Bác phải làm cấp trưởng, chúng em tin tưởng bác, bác cứ nhận đi, có gì đâu, mà khó khăn gì, bọn em ủng hộ".

Không thể từ chối được nữa, tôi đành phải chấp nhận. Từ sáng đến giờ, mới có vài tiếng đồng hồ và lên được hai chức, vừa hội trưởng của lớp, vừa hội trưởng của trường. Kể ra thì cũng may mắn thật. Nếu mà cán bộ công chức mà lên nhanh như thế chắc "trúng to".

Hồi đó trường mới có chín môn chuyên là: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Anh, Sinh học, và Tin học. Mỗi lớp có 30 em ,tất cả 27 lớp của cả ba khối. Hơn 800 em học sinh.

Theo như nội dung cuộc họp đã thống nhất, mỗi em phải đóng góp 100 k vào quỹ hội phụ huynh trong một năm.

Khi có tiền rồi phải có người giữ tay hòm chìa khóa, phải chọn mặt gửi vàng. Tuy số tiền chẳng đáng là bao, nhưng là của tập thể.

Nên phải hết sức thận trọng, trong việc quản lý và sử dụng đồng tiền.Bây giờ phải tìm cho được một người làm thủ quỹ. Tôi giới thiệu chú Thành. Tất cả 27 thành viên đều hoàn toàn nhất trí.

Chú Thành kém tôi mấy tuổi. Người chú cao to, tính tình hiền hậu. Chú có thằng con trai út đang học lớp 10 chuyên lý.

Về kinh tế, chú và loại giàu có của cái thị xã nhỏ bé này, bố mẹ vợ chú đã định cư ở nước ngoài, mấy chục năm rồi. Hai con gái là Thanh với Hương cũng định cư bên đó, đứa nào cũng đã lập gia đình, và đã có con. Kinh tế bọn này khá giả. Có cửa hiệu, có cả khách sạn do ông bà ngoại giao cho (ông bà ngoại không có con trai).Vợ chú Thành chăm ăn, chăm làm, đẹp người, đẹp nết.

Tìm được một người như chú. Tôi thật sự an tâm với cách làm ra tiền và sử dụng đồng tiền của chú. Khó ai mà theo được, chú tính toán từng nghìn. Một lần tôi đã chứng kiến, thằng út đêm đi học thêm về, chú bảo:

- Cầm tiền đây. Rồi ra phố ăn bát cháo, về mà đi ngủ"

Thằng bé:

- Dạ!

Rồi cầm 15k đủ ăn một bát cháo. Nó đi ra phố ăn đêm.

Chú có nhiều nhà cửa đất đai, nhiều nhà ở mặt phố cho họ thuê thời đó kinh doanh bất động sản này có lãi lắm, mua hôm trước là hôm sau có lãi, thiếu tiền thì con gái gửi về, chú cứ mua đi bán lại như thế, mỗi năm chú kiếm tiền tỷ là chuyện bình thường.

Nhưng mọi chi tiêu thì quá bủn xỉn, keo kiệt. Đã nhiều lần các tiệm con gái cắt tóc, khi chú Thành vào, là chúng nó bỏ tiệm đi ra ngoài với nhiều lý do khác nhau

Khi thì bảo: Đón con đi học ,khi thì đi mua thức ăn v.v

Không đứa nào muốn cắt tóc, cạo râu cho chú cả.

Vì mỗi khi vào tiệm chú cũng trả tiền trước, cạo râu, ngoáy tai là 10 k.Lúc nào cũng thế. Tiệm nào cũng khiếp vì chú . Bọn chúng nó thường nói với nhau đó là: "Thành trọc phú”.

Vì chú ấy có nhiều tiền, nhưng không có chữ. Hoàn cảnh nhà chú khi nhỏ quá nghèo, nên không có tiền đi học.

Vào một ngày, người vợ chú Thành đột ngột qua đời, vì căn bệnh nhồi máu cơ tim.Con gái con rể từ nước ngoài cũng về đầy đủ, để lo công việc hậu sự cho mẹ một cách chu đáo, trọn vẹn.

Thời gian này tôi hay qua lại thăm nhà, và luôn động viên chú.

Sau hai năm, hết khó (mãn tang) vợ. Chú cưới vợ cho thằng út. Cho vợ chồng nó một căn nhà. Hai vợ chồng ở riêng ,nhưng sổ đỏ không phải là tên vợ chồng nó, mà là tên chú. Chúng nó như người đi ở thuê nhà.

Thời gian trôi qua, tôi cũng không đến với chú nhiều như trước nữa ,cũng bận công việc gia đình, cái gì nó đến, nó sẽ đến, cái gì nó đi ,nó sẽ đi. Mọi công việc của chú ngày càng ổn định.

Thế rồi! Một lần tôi đi cắt tóc, thấy cô thợ bảo:

- Ông Thành trọc phú dạo này có bồ rồi, con bồ trẻ đẹp lắm, ít tuổi hơn con gái đầu của ông

Tôi rất ngạc nhiên.

-Thật ạ! Nhanh nhỉ! Sao mà nhanh thế, con người hà tiện, keo cú như chú ấy ai mà giám cặp bồ, xơ múi gì đó mà cặp. Động cơ chắc chắn là vì tiền, hay nếu như có con, thì các chị ở nước ngoài, sau này cũng đưa em sang bên đó.

Cắt tóc xong. Tôi vào nhà thăm chú, thăm hỏi tình hình sức khỏe, và công việc làm ăn ,buôn bán đất đai dạo này thế nào?

Trên căn phòng rộng rãi ở tầng hai, (tầng dưới cho thuê) hai anh em nói chuyện vui vẻ. Trước khi ra về tôi bảo chú:

- Nghe họ nói chú dạo này có cô vợ trẻ đẹp lắm ạ?

- Làm gì có bác. Tuổi anh em mình cao rồi, con cháu đề huề. Nội ngoại có cả, dính vào làm gì cho mệt bác.

Tôi có tính hay tin người. Mà lại một con người như chú tôi càng tin. Trước khi ra về tôi bảo chú:

- Khi buồn chú có thích tý "văn hóa văn nghệ" thì cứ "bóc bánh trả tiền" theo kiểu dân xã hội vẫn thường nói. Chứ như tôi có đi đâu mà biết, bóc bánh gì? Và phải trả bao nhiêu tiền?

Thấy chú cười rất vui, tôi chào chú ra về, chú tiễn tôi xuống tận cầu thang.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi mới biết chú Thành đã cưới vợ bé và đã có một đứa con trai,hơn hai tuổi. Chú mua cho vợ bé một căn nhà mặt phố ở riêng ra, ngoài ra còn cho tiền mua xe ca chở khách chạy đường dài, mặc dù cậu con trai út rất phản đối.

Vào một ngày, nghe tin chú Thành bị bệnh tai biến liệt nữa người nguyên nhân là do áp huyết cao. Mới đi điều trị tại Hà nội về.

Tôi đến thăm chú, căn nhà lạnh lẽo trống vắng, chú nằm trên giường bất động. Thấy tôi vào đôi mắt chú chớp chớp, hai dòng nước chảy theo hai khóe mắt. Tôi biết chú rất xúc động. Tôi đi giặt khăn lau mặt cho chú rồi pha sữa bón cho chú. Tuy là không đi lại được. Nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Tôi hỏi vợ con chú đâu mà chú phải nằm một mình thế này.

- Vợ con nó có ở đây đâu. Thằng út nó không cho vào nhà. Cũng vì tôi lấy vợ nó không đồng ý, sợ sau này tôi qua đời lại tranh chấp tài sản, từ đó mâu thuẫn cha con trở nên gay gắt. Suy nghĩ nhiều mới sinh ra bệnh tật này đó. Tiền nhiều mà làm chi, bác. Tiền là bạc. Hồi trước em nghe lời bác, đâu có ra cái cảnh thế này.

Tôi chỉ biết im lặng, rồi động viên chú, đừng suy nghĩ gì nữa, cứ vô tư mà sống được ngày nào hay ngày ấy.

Tôi chào chú ra về. Bước xuống cầu thang lại nghĩ: “Đồng tiền chỉ để cho ta yên tâm. Chứ không đưa ta đến hạnh phúc”./.

Theo Chuyện quê