Lì xì ngày Tết

Suốt ba ngày Tết, tôi phải tháp tùng bà vợ đi chúc tết họ hàng nội ngoại và các cụ cao niên trong xóm.

ngay-tet-1643157465.jpgẢnh minh họa

 

Không giống mọi năm, bất kể thân sơ đều được vợ tôi ghé vào, đi tới đâu là rộn ràng đến đó. Thậm chí mấy bà mẹ mới sinh em bé được vài ngày vợ tôi vẫn ghé thăm, dù đây là điều tối kị của năm mới, không những thế, bà vợ tôi thấy đó là niềm vui và cơ hội để tâm sự. Đến nhà nào chúc tết, theo sự phân công từ trước, nhiệm vụ duy nhất của tôi là cầm điện thoại chụp...chụp...và chụp.

Sau một buổi đi chúc tết về, việc đầu tiên cần làm ngay là trình cho bà vợ tôi xem và duyệt ảnh, sau đó chỉnh sửa đăng lên phây búc. Để có được những buổi chúc tết thành công như vậy, bà vợ tôi đã chuẩn bị chu đáo từ trước tết tận hai tháng. Dạo đó tối nào ăn cơm xong, tôi thấy vợ mình ngồi dãi thẻ đem mớ tiền lẻ ra đếm, sau đó ghi chép và trầm tư, nhìn cảnh đó tôi tặc lưỡi nghĩ, phụ nữ bạc tóc để lo ba ngày tết nên bà nào cũng như nhau cả thôi, khéo không có tết các bà ý bớt nhanh già đi.

Đúng ngày 28 tết, vợ tôi bắt đầu giảng giải:

-Năm nay nhà mình không những phải đi tết các cụ trong họ, mà còn mở rộng ra các cụ cao niên trong xóm, các chị em phụ nữ nữa.

Không để tôi hỏi, vợ tôi tiếp tục nói:

-Theo sự phân bổ rất chi cẩn thận và hợp lý, ông có nhiệm vụ cầm và đưa các bao lì xì cho chính xác, nhớ phát đúng đối tượng và tiêu chuẩn được hưởng, nếu không sẽ bị âm quĩ.

-Bao lì xì có 5 ngàn dành cho nhà có một con.

-Bao lì xì có 2 ngàn là lì xì cho nhà nào có từ hai con trở lên.

Các cụ từ 60 đến 70 tuổi thì mừng tuổi 10 ngàn, cụ nào 75 tuổi nhưng già yếu thì mừng tuổi 15 ngàn, cụ nào từ 75 đến 80 tuổi sẽ mừng tuổi 20 ngàn, nếu cụ nào ốm sắp chết, lúc đó nhớ mừng tuổi thêm 10 ngàn. Tất cả các bao đều có kí hiệu rồi, việc của ông là không được đưa nhầm.

Bà vợ tôi nhấn mạnh:

-Quan trọng nhất là lúc tôi đưa phong bì, ông phải chụp ảnh không bỏ sót trường hợp nào, trên đời khổ nhất là áo gấm đi đêm.

Việc phân loại bao lì xì vô cùng chi li để phù hợp các mức tiền, vợ tôi học được trên tivi đó. Hầu như năm nào tết đến xuân về, lãnh đạo các cấp đều công bố mức tiền tết cho gia đình người có công, trợ cấp cho người già, cảnh thăm viếng tặng quà được trình chiếu cả một tuần trước tết, đây chính là giáo cụ trực quan và sinh động cho những người như vợ tôi học tập.

-Ơ hay, mọi năm có đi chúc tết và mừng tuổi khắp xóm đâu nhỉ, sao năm nay bà lại có sự đổi mới thế?

Vợ tôi khẽ thì thào:"

-Ông không biết sao, hết năm nay bà giáo Thành xin nghỉ chức Hội trưởng Phụ nữ vì già yếu. Đây là cơ hội để tôi ứng cử vào chức Hội trưởng, muốn làm hội phụ nữ, hãy để mọi người thấy mình trước khi giỏi việc nước phải đảm việc nhà, việc họ. Tôi cắn răng chi tiền mừng tuổi cốt lấy tiếng với bà con, tốn một chút nhưng được việc.

-Làm cái hội đó thì ăn được gì, tôi vặn lại.

-Đúng là ông tối ngày chỉ lô đề không chịu tìm hiểu, chính làm trong các hội mới kiếm ăn được, không phải làm gì nhưng hàng năm vẫn ngửa cổ hứng tiền từ ngân sách.

Nghe bà vợ nói vậy thì tôi nể rồi, chưa đảm nhiệm chức vụ nhưng bà ý có vẻ thông thạo chính sách, thôi mình đành ủng hộ. Để chắc suất, vợ tôi dặn dò, nếu có đánh lô đề thì ra khu khác, đánh trong xóm, ngộ nhỡ đứa nào bép xép, mình lại mang tiếng. Muốn làm cán bộ, trước tiên phải có gia đình gương mẫu cho bà con nhìn vào.

-----

Ngày tết, tôi thực hiện đúng như phân công, đến nhà nào chúc tết, bà vợ tôi đều mừng tuổi các cụ cao niên trước. Nhiều cụ điếc lòi ra, vợ tôi phải ghé tai hét lên, cốt để cho đám con cháu nghe thấy:

-Năm mới, vợ chồng con xin mừng tuổi cụ 100 ngàn.

Nói phao lên vậy, kì thực bao lì xì có nhõn 10 ngàn, các cụ già rồi nên cũng nhớ nhớ quên quên. Khổ thân nhiều cụ đang nằm ngủ cũng bị vợ tôi dựng dậy nhét bao lì xì có 15 ngàn vào tận tay, sau đó bắt ngồi ngay ngắn để chụp vài kiểu ảnh cúng phây. Có cụ mắt nhắm nghiền vì ngái ngủ, báo hại tôi phải chụp đi, chụp lại vài lần mới đạt yêu cầu. tính toán kĩ là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng được thuận lợi. Đúng sáng mùng 3 tết, vợ chồng tôi vào mừng tuổi bà cụ Tâm đã bước sang tuổi 92. Thấy cụ nằm bẹp một góc giường trông ốm yếu, tưởng cụ sắp chết nên tôi lấy bao lì xì có đánh dấu chữ S nghĩa là sắp chết, trong bao có 30 ngàn đưa cho bà vợ.

Quen như mọi lần, vợ tôi liền lôi cổ bà cụ dậy rồi hét to:

-Năm mới con mừng tuổi cụ 200 ngàn.

Quả là lần này vợ tôi có điêu hơn mấy lần trước, ai ngờ bà cụ mắt đang lim dim, chợt nghe thấy số tiền nhiều vậy, bỗng tỉnh như sáo. Cụ mau mắn cảm ơn còn tay bóc luôn bao lì xì...thôi xong. Không cần phải ghé sát mắt làm gì, tuy cao tuổi nhưng mắt cụ vẫn tinh và tai cực thính. Nhìn trong báo lì xì có tờ 10 ngàn và tờ 20 ngàn, cụ nói luôn:

-Chị mừng tuổi già 200 ngàn, vị chi là còn thiếu 170 ngàn nhé.

Bà vợ tôi đứng hình trong phút chốc, những đã tươi cười nói:

-Cụ ơi, con không nhầm đâu, chắc do vội nên lão chồng con nhét thiếu đó, thôi ra tết con bù cho cụ nhé.

Ngồi thêm vài phút, vợ tôi bấm tay ra hiệu chuồn êm, riêng vụ đá quả bóng trách nhiệm sang chồng êm ru, khiến tôi bái phục. Mặc dù suốt ngày ở nhà nội trợ, nhưng vợ tôi đã học được chiêu này của các sếp, mỗi khi có sự việc xảy ra đều thanh minh “lỗi do thằng đánh máy”. Sau mỗi ngày đi chúc tết, đến trưa hoặc chiều đều như vắt tranh, bà vợ tôi đăng phây búc những hình ảnh đi mừng tuổi,

mục đích cho bà con trong họ thấy tấm gương của hai vợ chồng là “dâu hiền, rể thảo”,  là người sống chan hòa với bà con lối xóm.

Đến ngày mùng 6 tết, tôi bị bà vợ bắt ra vệ đường gom một đống rác để đó. Đợi lúc nắng đẹp, bà vợ tôi vén tay áo rồi cúi người cầm mấy bịch rác, nhanh như chớp tôi liền chụp hơn 30 kiểu ảnh với nhiều góc máy khác nhau rồi đăng phây búc với tiêu đề rất ấn tượng: Cùng hội phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường sống.

----

Chiều mùng 8 tết, tôi chạy xe đi kiếm khách mở hàng cho một năm may mắn, do được tự do sau mấy ngày làm "trợ lý đạo diễn" không lương, tôi la cà đến tối cùng mấy người đồng nghiệp. Khi xe chạy về đến ngõ, tôi nghe thấy  bà vợ mìnhđang chửi ầm ĩ với âm thanh chát chúa:

-Tsb đứa nào thả chó ị ngay cửa nhà bà đúng ngày tết, nếu chúng mày không sang dọn sạch, bà sẽ hót cho vào đĩa dâng lên ban thờ cho cả họ nhà chúng mày xơi.

Giật mình vì sự việc, lôi vội bà vợ vào nhà, tôi khẽ gắt:

-Vì bãi cứt chó, bà chửi ầm lên có phải là phí công ứng cử chức Hội trưởng Phụ nữ không.

Bà vợ tôi rền rĩ:

-Mất công toi rồi, con mẹ Hiền bán cháo lòng cao tay hơn, nó cậy nhiều tiền nên không phải diễn như tôi, nó chạy thẳng cửa trên vì thế sáng nay nó được chỉ định vào chức Hội trưởng.

 Chưa hết bực trong người, bà vợ tôi phán ngay:

-Thôi từ hôm nay, ông ra đầu ngõ mà lô đề như mọi khi, đỡ mất công đi xa.

Lúc đi xuống bếp tôi vẫn nghe thấy tiếng bà vợ đang lẩm bẩm chửi:

-Hội với hè.

-Toàn lũ ăn bám.

-Đúng là rách việc.

-----

Trích trong cuốn HỒN QUÊ TRONG PHỐ.

Theo Chuyện Làng Quê