Theo hồ sơ vụ việc, ngày 30/9/2019, tại trụ sở Văn phòng công chứng Phong Phú (quận 9), bà Mã Thị H. có vay của bà Nguyễn Thị Kim Dung số tiền 12,5 tỷ đồng, theo thỏa thuận hai bên ký kết thì thời hạn vay là 3 tháng và không có lãi xuất. Hết thời hạn hợp đồng, nếu bà H. không trả đủ thì bà Dung có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.
Do khó khăn kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên tới ngày 23/3, bà H. mới hoàn trả hết số tiền 12,5 tỷ cho bà Dung. Tuy nhiên lúc này, bà Dung tính thêm lãi suất là gần 1,9 tỷ đồng tiền phát sinh.
Hồ sơ thể hiện bà H. đã trả hết nợ
“ Tôi không đồng ý và phản ứng vì thấy số tiền này là vô lý nên không ký vào giấy nợ, lúc này chị Dung cầm dao nạt không cho tôi nói và dọa nạt tôi”, bà H. khẳng định.
Cũng theo trình bày của bà H., ngày 20/5, Công ty đòi nợ Đất Bắc cho 14 thanh niên đến nhà cùng với ủy quyền của bà Dung đến đòi nợ số tiền trên và gây mất trật tự. Tiếp tục đến ngày 28/5, công ty đòi nợ tiếp tục đến đòi nợ, miệt thị gia đình bà H.
Theo bà H., hiện tại vụ việc vẫn chưa được 2 bên thống nhất. Cũng từ khi vụ việc xảy ra đến nay các thành viên trong gia đình liên tục bị “khủng bố” bằng những tin nhắn đe dọa đòi tiền, hình ảnh,… Việc này khiến gia đình bà H. hết sức hoang mang lo sợ, nhất là các con của bà.
Bà H. cho biết, hiện vụ việc đã được bà trình báo với cơ quan công an phường Phước Long A, đơn vị này cũng đã tiếp nhận, làm việc với hai bên. Tuy nhiên tới nay, các đối tượng đòi nợ thuê vẫn “bao vây” gia đình bà, ép phải trả nợ.
Để làm rõ vấn đề phản ánh của bà H., phóng viên đã liên hệ với UBND phường Phước Long A và Công an phường Phước Long A để tìm hiểu. Được biết, hiện công an phường Phước Long A đã nắm được vụ việc và làm việc với các bên liên quan. Theo đó, phía Công an cũng cho biết bà Dung cũng đã thừa nhận là đã nhận được số tiền 12,5 tỷ mà bà H. đã chuyển.
Các đối tượng đòi nợ liên tục đến gây sức ép tại gia đình bà H.
Tuy nhiên, theo trình bày của bà H. hiện Công ty đòi nợ Đất Bắc vẫn liên tục cho người tới gây sức ép đối với gia đình bà khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn, hoang mang lo sợ.
Vừa qua, trao đổi với báo chí về vấn đề dịch vụ đòi nợ thuê gây mất an ninh trật tự, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, họ biến tướng, sử dụng nhiều cách khác nhau để làm sao đòi nợ được như đe dọa, sử dụng nhiều hình thức khách nhau. Trước tình hình như vậy, TP có kiến nghị lên Trung ương coi cái đó là quy định cấm đừng cho kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần có quá trình, bởi nghị định cho ra đời việc dịch vụ đòi nợ thuê cũng đã ra đời hơn 10 năm nên muốn sửa phải có báo cáo đánh giá tổng thể về vấn đề này.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết việc xã hội đen đi đòi nợ thuê thực chất là hành vi cưỡng đoạt, thậm chí là cướp tài sản. Việc này, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh: Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.