Đàn Cò nhạn có số lượng lên đến hàng trăm con. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, trên cánh đồng tại các xã Thanh Luông, Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đã xuất hiện loài Cò nhạn. Vào buổi sáng hàng ngày, khi nhiệt độ ngoài trời ấm dần lên, hàng trăm cá thể Cò nhạn bay về đây, sà xuống trên những thửa ruộng vừa cày ải, đổ nước để kiếm ăn. Thức ăn của Cò nhạn là ốc, ếch nhái và côn trùng. Trong quá trình kiếm ăn, Cò nhạn đậu kín trên suốt chiều dài hàng chục mét của chân ruộng. Do đặc tính khá dạn người nên chỉ khi những người lao động trên cánh đồng đến rất gần thì Cò nhạn mới đồng loạt bay lên, sau đó lại sà xuống ở những diện tích ruộng gần đó để tiếp tục kiếm ăn. Tới chiều muộn, Cò nhạn mới bay khỏi khu vực kiếm ăn, tìm về rừng trú ngụ. Mỗi lúc bay khỏi chỗ kiếm ăn, hàng trăm cá thể Cò nhạn đã tạo nên những “vũ khúc” đẹp mắt trên bầu trời.
Cò nhạn thuộc nhóm R+, cực kỳ quý hiếm, có trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Anh Phạm Văn Lục, người dân sinh sống ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Khoảng 4 ngày nay, chiều nào đi làm qua cánh đồng tôi cũng thấy đàn chim này. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là Cò trắng nhưng nhìn kỹ thì không phải, vì kích thước cơ thể của loài chim này cao và to hơn lại có mỏ dài, bộ lông có hai màu trắng xám và đen, phần cuối của đôi cánh có màu đen; các bộ phận khác như chân, cánh cũng rất dài. Điều đặc biệt là đoạn giữa cặp mỏ của loài chim này không khép chặt vào.
Chị Lò Thị Thu, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ thích nhất là được nhìn thấy cảnh đàn Cò nhạn bay lên. Tiếng vỗ cánh của hàng trăm con cùng nhịp đập nghe rào rào, rất vui tai. Rồi sau đó là cảnh hàng trăm con cò cùng sải cánh chao lượn trên bầu trời tạo nên khung cảnh rất sinh động cho bản làng, thu hút sự chú ý của mọi người.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, đây không phải là lần đầu tiên Cò nhạn xuất hiện trên địa bàn. Những năm trước Cò nhạn đã từng xuất hiện tại khu vực lòng chảo Mường Thanh và nhiều xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, lúc cao điểm số lượng lên đến hàng ngàn cá thể. Năm nay, Cò nhạn xuất hiện muộn hơn và số lượng có khả năng nhiều hơn.
Ông Phạm Văn Khiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Qua nắm bắt thông tin và tiến hành khảo sát đã xác định đây là loài Cò nhạn, rất quý hiếm, có tên trong Nghị định số 06 năm 2019 của Chính phủ, cần phải được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của loài chim này, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp để bảo vệ đàn Cò nhạn. Về phía ngành Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động, lực lượng phòng chống cháy rừng của Chi cục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân không được săn bắt Cò nhạn. Cùng với đó, tăng cường công tác nghiệp vụ tại những nơi đàn cò đi kiếm ăn để không bị người dân xua đuổi hoặc bị các đối tượng săn bắt, đánh bẫy trái quy định của pháp luật, xâm hại đến số lượng và môi trường sống của loài Cò nhạn.
Cò nhạn (còn gọi là Cò ốc), tên khoa học là Anastomus Oscitans, thuộc họ Diệc, bộ Hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới, Cò nhạn thường ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh. Cò nhạn có trọng lượng khoảng 1 - 1,5kg, chim trưởng thành có chiều cao lên đến 50cm, chiều dài sải cánh khoảng 1m. Loài chim này có đặc điểm sinh sống định cư, tuy nhiên khi vùng sinh sống, nơi kiếm ăn bị thu hẹp thì chúng di cư đến vùng khác thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của loài chim này là ốc, các động vật thủy sinh (ếch, nhái, tôm, cua) và côn trùng...