Lời khẩn cầu của đất (Bút ký)

Hơn mười năm trước tôi đặt những bước chân đầu tiên đến với Long Phú trong vai một chàng trai si tình đi tìm nhà người yêu. Ngồi trên chiếc xe đò Cần Thơ – Long Mỹ, sản phẩm đặc thù của thời bao cấp còn sót lại. Xem hành khách chả ra cái “đinh” gì, nhưng dường như lúc ấy trong tâm trạng của người đang yêu tôi chẳng mấy bận tâm dến điều nầy.

Tuy vậy, tôi cũng không khỏi thắc mắc khi thấy hầu hết các ngôi nhà ven đường đều có che phía trước một tấm bạt cao su hoặc một chiếc chiếu rất lớn áng mất cả phần chính diện. Đến khi hiểu ra thì than ôi ! chiếc áo sơ mi trắng mà tôi bỏ công o bế từng đường ly, nếp gấp đã đổi màu một cách thảm hại.

Sự tiếp đón ban đầu không lấy gì làm thân thiện nên khi đối diện với cái thị trấn vùng sâu, vùng xa dường như vẫn còn mùi thuốc súng dù đã có hơn mười năm giải phóng chẳng để lại trong tôi một ấn tượng gì đậm nét. Chỉ là chiếc cầu sắt khá cao lạnh lùng bắc qua sông mà gỗ lót cầu đã long đinh hở nhịp. Chỉ là những người dân quê lam lũ mà tôi đã gặp ở nhiều vùng đất mình đã đi qua. Nhưng đáng sợ nhất là chỉ có một chuyến đò duy nhất chạy tuyến Long Mỹ – Trà Ban, tức là chạy qua ấp Long Bình I, xã Long Phú nơi mà tôi cần phải đến.

chu-ngtrung-nguyen-1647681697.jpgTác giả Nguyễn Trung Nguyên và cháu nội.

 

Những người khách trễ đò như tôi lúc ấy vẫn còn có hai cách để đi: đó là quá giang ghe, xuồng bà con đi chợ về và cuốc bộ. Tôi đã chọn cách thứ hai, vì cách thứ nhất xem ra cũng chẳng dễ dàng gì để thử sức lại đôi chân đã từng lội suối, băng rừng của mình với hơn 7 km đường lổn ngổn đá mẹ, đá con và cũng quá thừa ổ voi, ổ gà. Con đường nầy nghe đâu đã được làm từ thời mồ ma thực dân Pháp, trải qua bao năm tháng thi gan cùng tuế nguyệt giờ nham nhở như đôi giầy da mà tôi đã đánh xi-ga cẩn thận nay bám đầy bụi đất và nặng như núi Ngũ Hành Sơn.

Lần diện kiến ấy, xã Long Phú giúp tôi hiểu ra một điều là tình yêu có sức mạnh diệu kỳ. Và tôi, dù không lấy gì làm thân thiện cho lắm nhưng cũng đã biết thêm một vùng đất mà bây giờ con tôi gọi là quê ngoại.

Trở lại Long Phú lần nầy tôi muốn nó như là một cuộc hành hương trở về với đất. Tôi muốn nghe đất thở, muốn nghe lời đất thì thầm. Cho dù tôi không phải là đứa con chôn nhau cắt rún của vùng quê nầy. Cho dù tôi chỉ là một người ngụ cư, ăn nhờ ở đậu. Thì hơn mười năm qua cũng đã biết thế nào là vị ngọt bùi của từng con ốc nhỏ, từng cọng rau dại sau vườn. Đã hiểu thế nào là nổi cay cực của đời nhà nông, thế nào là vị mặn mồ hôi giữa buổi trưa hè nắng lửa. Thế nào là nổi buồn cay đắng khi vụ mùa vừa xong thì trong nhà cũng vừa hết gạo.

Bến xe Long Mỹ – Long Phú nằm ngay ngã tư vào chợ, đối diện với bệnh viện huyện đã được xây dựng rất khang trang, bề thế. Mỗi ngày có 09 chiếc Daihatsu lần lược rời bến cách nhau mỗi tài 30 phút, suốt từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Ngoài ra còn cơ man nào là xe ôm đủ loại: Nhật có, Hàn Quốc có... mà có lẻ nhiều nhất là các loại xe Trung Quốc đỏ, xanh hào nhoáng. Vậy đó, phải chi đám cưới của tôi dời lại được đến năm 2001 nầy có lẻ sẽ không bị cái cảnh “... rước dâu bằng xuồng ba lá...”.

Đúng giờ chiếc Daihatsu rời bến dù hành khách chỉ mới hơn phân nữa số ghế. Tôi ngồi phía trước cùng tài xế ngắm nghía nhà cửa hai bên đường với bao suy nghĩ lan man. Đang vào mùa lũ nhưng con đường từ thị trấn Long Mỹ về xã Long Phú không còn cảnh lầy lội, sình sụp như mấy năm về trước. Qua cầu Hậu Giang 3 là đã bước vào địa phận của xã Long Phú và chỉ cần vượt qua khoảng 500 mét đường nữa chiếc cổng chào với dòng chữ xã văn hoá Long Phú như một lời mời trân trọng sẽ đưa ta đến với một vùng đất tuy xa xôi, heo hút nhưng đã được khắp nơi biết đến với đầy đủ cả hào quang sáng chói lẫn cay đắng bi thương.

Xã Long Phú trước kia là một làng thuộc Tổng Thanh Giang, quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá. Trong kháng chiến chống Mỹ, theo sự phân chia ranh giới hành chánh của chế độ cũ quận Long Mỹ thuộc tỉnh Chương Thiện. Là một nơi mà chiến sự diễn ra rất ác liệt cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, xã Long Phú được biết đến không phải chỉ là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Long Mỹ được thành lập năm 1937. Mà Long Phú còn có Họ đạo Trà Lồng, một họ đạo có quá trình hình thành từ hơn một thế kỷ trước.

Vào khoảng năm 1880, một linh mục người Pháp tên GRONET đã đến Long Phú khi mà nơi nầy còn là một vùng rừng rậm hoang vu, dẫy đầy thú dữ. Ông dựng lên ngôi nhà thờ đầu tiên tại kinh CARÊ (thuộc ấp Long An bây giờ) để giảng đạo, kêu gọi mọi người đến với Chúa. Hai tiếng CARÊ là do mọi người đọc trại đi từ chữ VOLONTAIRE tiếng Pháp có nghĩa là tình nguyện. Khi vị linh mục nầy kêu gọi mọi người tình nguyện đến đào kênh dẫn thủy nhập điền và đến sống trên bờ kênh nầy lập thành xóm ấp.

Một thời gian sau đó trong quá trình đi giảng đạo cũng như làm phúc cứu tế người nghèo, cha GRONET nhận thấy có một địa điểm phù hợp với việc xây dựng một nhà thờ có qui mô lớn hơn và có thể phát triển họ đạo trong tương lai nên đã dời nhà thờ về địa điểm mới tức nhà thờ Trà Lồng hiện nay. Trong lúc đi lại giữa hai địa điểm mới và cũ để chăm sóc phần hồn cho các con chiên trong họ đạo, cha GRONET dùng ngựa làm phương tiện giao thông. Nhưng cũng chính con ngựa bất kham ấy đã gây cho ông một vết thương chí mạng. Trước khi qua đời vị linh mục khai sinh ra họ đạo Trà Lồng đã trối trăn là muốn gởi thân xác ở chính vùng đất Nam bộ xa xôi nầy, chiều theo ý của người đã mất và cũng để tưởng nhớ người có công sáng lập ra họ đạo, những người kế tục đã chôn cha GRONET ngay giữa chính điện của ngôi nhà thờ hiện nay.

Trải qua 120 năm, kể từ khi cha GRONET đặt nền móng đầu tiên xây dựng họ đạo Trà Lồng đến nay đã qua 6 đời cha chánh xứ. Trong đó có 3 linh mục người Pháp và 3 linh mục người Việt. Riêng thời điểm từ năm 1960 đến 1975, họ đạo Trà Lồng do linh mục SIMÉON Huỳnh văn Tông quản hạt. Có thể nói đây là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử họ đạo, mà dấu ấn của nó vẫn còn là nổi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức của không ít người.

Cụ Cao văn Sôi 85 tuổi, nhà ở ấp Long Hưng 2. Một người đã từng là Chủ tịch Hội đồng giáo xứ họ đạo Trà Lồng một thời gian dài nhớ lại:

- “Tôi có người em vợ tên Ba Xê tham gia cách mạng, cậu ấy cứ đi đi, về về và lấy nhà tôi làm địa điểm liên lạc nên tôi trở thành đối tượng được đặc biệt quan tâm của bọn lính ngoài Trà Lồng. Chính cha Tông đã cho lính bắt tôi tổng cộng 7 lần. Có lần ông cật vấn tại sao buổi chiều tôi đem trâu về nhà, rồi tối lại đem nó đi nơi khác? Tôi trả lời vì pháo binh của cha cứ nhắm hướng nhà tôi mà bắn, nên tôi sợ trâu bị lạc đạn chết, phải lén đem cầm nó ngoài bàu lớn. Không tin cha cứ cho người ra đó mà coi mấy cái vũng trâu nằm. Vậy mà, sau khi mấy thằng lính về báo lại đúng như lời tôi nói, cha Tông còn ra lệnh giam tôi thêm một ngày, một đêm vì cái tội dám nói trâu tôi chết cha phải chịu trách nhiệm.

Mỗi khi ổng lên nhà thờ làm lễ là lính gác đầy bên ngoài. Đi đâu cha Tông cũng có hai cận vệ kè kè hai bên, giáo dân ở xa đâu dám về đây dự lễ vì lạ mặt vào nhà thờ là bị bắt ngay. Lính của ổng đâu độ 5,6 trăm người và có cả hai cây pháo 105 ly như ngoài chi khu Long Mỹ. Thỉnh thoảng trực thăng lại về đáp xuống cái nhà nóc bằng chỗ dành riêng cho cha chánh xứ”.

Vậy đó, mục đích cao đẹp của bất cứ tôn giáo nào cũng đem đến sự bình an trong tâm hồn con người. Đều cổ xúy cho tính nhân ái và tấm lòng yêu thương con người vô hạn. Thế nhưng, khoảng thời gian 15 năm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thờ Trà Lồng trở thành một lãnh địa riêng, mảnh đất Long Phú trở thành đất dữ trong sự cát cứ của những con người lợi dụng danh nghĩa thánh thần để phản đạo, hại đời.

Cụ Tám Sôi kể tiếp:

- Có lần bộ đội ta đánh vào Trà Lồng, vừa chết, vừa bị bắt rồi cha Tông ra lệnh tử hình trên 30 người. Đâu có ai dám đến lấy thây. Cuối cùng tôi cùng một vài người nữa đã chạy tiền mua ván đóng hòm đem chôn mấy ổng.

Anh Mười Bé, cán bộ Mặt trận của xã Long Phú nói với tôi cha Tông mang cấp bậc chuẩn tướng của chế độ trước. Điều đó không còn quan trọng nữa nhưng nó lại gợi cho tôi nhớ đến một giai thoại có liên quan đến cha Tông và đại tá Hồ ngọc Cẩn, tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện trong thời kỳ chiến tranh. Người mà ngày 30 - 4 - 1975, vẫn ngoan cố tử thủ để rồi nhận lấy bản án thích đáng của nhân dân.

Anh Bằng, một người bạn vong niên của tôi hiện sống tại thị trấn Thốt Nốt vốn là lính truyền tin của tiểu khu Chương Thiện ngày ấy kể lại:

- Trước khi về nhậm chức tỉnh trưởng Chương Thiện, Hồ ngọc Cẩn đã nghe nói nhiều về cha Tông. Rằng ông là người có thế lực rất mạnh, có thể chi phối cả vùng IV chiến thuật. Các vị tỉnh trưởng sau khi về nhậm chức đều phải xuống ra mắt vị linh mục nầy để mong nhận được sự che chở, đảm bảo cho cái ghế tỉnh trưởng được lâu bền. Thế nhưng, đối với Hồ ngọc Cẩn việc nầy không thể chấp nhận được. Cẩn bỏ qua cái thủ tục đã tồn tại khá lâu nầy.

Riêng cha Tông, bực mình vì sự hỗn hào nầy đã điện thoại đến tiểu khu Chương Thiện để gặp trực tiếp với Hồ ngọc Cẩn. Lần thứ nhất, Cẩn bảo bận không tiếp chuyện được. Lần thứ hai, Cẩn vẫn bảo bận. Cho đến lần thứ ba, khi Cẩn vừa cầm máy nghe cha Tông đã hỏi với cái giọng đầy đe dọa: -“Hình như Trung tá không thích cái chức Tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện? Hồ ngọc Cẩn đáp lại:- Thưa cha! Đúng vậy, tôi đâu có muốn về đây. Chỗ của tôi là ở ngoài chiến trường kìa. Chỉ có đánh giặc tôi mới lên tướng được. Còn ở đây thì biết đến bao giờ”

Câu chuyện chỉ có vậy và tôi cũng không muốn bình luận gì thêm. Kết thúc của nó như thế nào thì chúng ta đã rõ. Trong đợt tham quan Bảo tàng tỉnh Cần Thơ vừa qua dành cho trại viên trại sáng tác, tôi đã trông thấy trong số hiện vật chứng tích chiến tranh có chiếc đồng hồ đeo tay của Hồ ngọc Cẩn, kim đồng hồ dừng lại ở con số 17 giờ 5 phút. Có thể nó đã qua tay một ai đó trước khi về nằm trong tủ kính làm một thứ tỉnh vật vô hồn. Nhưng tôi cứ muốn nghĩ rằng đó chính là thời điểm Hồ ngọc Cẩn buông súng bị bắt, cái thời khắc hoàng hôn cuối ngày, báo hiệu phút cáo chung của một chế độ đã suy tàn.

Nhà thờ Trà Lồng hiện nay đã được sửa sang, trùng tu trông rất khang trang, đẹp mắt. Khoảng sân trước nhà thờ là một công viên có ghế đá, có cây cảnh để sau mỗi buổi lễ cầu chúa các con chiên trong họ đạo có thể ngồi bên nhau mà nói về cuộc sống hiện tại hoặc luận bàn tương lai. Phía bên phải nhà thờ từ ngoài nhìn vào là đất thánh. Ở đó có những con người đã từng cầm súng bắn giết đồng bào, họ đạo, nay trở về các bụi tất cả đều là những con chiên ngoan đạo nép mình dưới bàn tay nhân từ của chúa.

Linh mục Nguyễn văn Chính, cha chánh xứ họ đạo Trà Lồng hiện nay. Người nguyên là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt nam tỉnh Hậu Giang (cũ) tiếp chúng tôi tại ngôi nhà nóc bằng. Ngôi nhà dành cho các cha sở và cũng là nơi lưu giữ các hình ảnh, kỷ vật của các đời cha sở đã qua. Khi nghe tôi hỏi về việc phối hợp giữa nhà thờ và chánh quyền địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cha đáp:

- Thường thì trước khi đề ra các phong trào hay cổ động cho một chủ trương, chính sách nào đó, cán bộ chính quyền, mặt trận đoàn thể đều có trao đổi với nhà chung, cùng phối hợp với các linh mục động viên giáo dân tham gia thực hiện. Tôi cho rằng đây là cơ sở để tạo nên sự đoàn kết toàn dân cùng góp sức xây dựng quê hương.

Cha Chính còn nói với tôi nhiều điều khác nữa nhưng tựu trung vẫn là làm thế nào để quê hương giàu đẹp, làm thế nào để nâng cao đời sống mọi mặt cho tất cả mọi người cả lương và giáo. Sau đó cha dẫn tôi đi tham quan nhà thờ và chỉ cho tôi biết chỗ linh mục GRONET đang yên giấc nghìn thu.

Trước khi ra khỏi nhà thờ đi ngang qua nơi làm lễ xưng tội, bất chợt tôi tự hỏi: Liệu đã có một ai đó quỳ xuống đây sám hối vì những tham vọng đen tối của mình?

Long Phú là một xã vùng nông thôn sâu, cách trung tâm huyện Long Mỹ 21 km, nằm trên trục đường thủy liên tỉnh, tiếp giáp địa bàn huyện Mỹ Tú và Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng. Sau ngày thống nhất đất nước vừa thoát khỏi cảnh chết chóc, cảnh cha con, vợ chồng ly tán thì người dân ở đây lại phải đối mặt với cuộc chiến mới. Cuộc chiến chống đói nghèo.

Tôi nhớ rất rõ vào những năm đầu của thập niên 90, người dân ở Long Phú vẫn còn nghèo lắm. Ruộng đất trầm thủy, nhiễm phèn mặn lâu đời nên chỉ trồng được lúa một vụ mà năng suất thì cũng lên xuống bất thường như con nước thủy triều. Một dạo không biết ai bày ra phương pháp sạ gởi mà cha vợ tôi phấn khởi lắm. Khi bắt đầu gieo sạ vụ thần nông ông trộn vào cả giống lúa mùa. Đến khi thu hoạch xong vụ lúa sớm thì cây lúa mùa cũng đã được 3, 4 tháng tuổi. Vụt xuống một đợt phân cho cây lúa mùa vượt lên, đợi thêm khoảng 2 tháng nữa lại tiếp tục thu hoạch đợt hai. Hiệu quả kinh tế thì đã rõ, nó giúp người nông dân giảm đi một khoản thời gian và chi phí đáng kể nhưng để thoát nghèo thì rỏ ràng là không thể.

Cũng vào thời điểm nầy Nhà nước đang khuyến khích nông dân làm giàu bằng kinh tế vườn. Báo Hậu Giang (cũ) lúc ấy cứ vài kỳ lại có bài về một triệu phú miệt vườn mà ông Chín Khương ở Châu Thành chính là mô hình mẫu. Trông người lại nghĩ đến ta. Cha vợ tôi lúc ấy cũng có vườn, nhưng lại là vườn tre, vườn trúc. Đôi ba tháng, nữa năm gì đó bán đi một đợt cho lái, nhưng thật ra cũng chẳng bỏ bèn gì. Mà không trồng trúc, trồng tre thì biết trồng gì với cái thứ đất lưu niên quến phèn nầy?!

Tất cả đều trông chờ vào Nhà nước.

Ông nhạc tôi không bỏ sót một buổi thời sự nào của Đài Truyền hình Cần Thơ trên chiếc Tivi trắng đen 14 inch. Chiếc Tivi độc nhất của cả xóm. Có lần ông hỏi tôi về cụm từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và thế nào là mô hình VAC nhưng sau đó lại thừ người ra nghĩ ngợi.

Chuyện thoát nghèo vẫn đang đi vào ngỏ cụt, ít ra là đối với bà con thân tộc bên vợ tôi. Thì đùng một cái xảy ra vụ “xã Long Phú dở cầu Trà Ban bán phế liệu”. Đó chính là cái tít bài báo Hậu Giang đã đăng ở chuyên mục Sổ tay phóng viên mà tôi nhớ như in.

Năm 1990, xã Long Phú vừa tách ra thêm xã Tân Phú (chỉ một thời gian ngắn, sau đó sát nhập lại cho đến nay). Nhưng ấp Long Bình I, thuộc xã Long Phú là ấp có tuyến đường giao thông chiến lược chạy dài từ thị trấn Ngã năm, huyện Thạnh Trị đến thị trấn Long Mỹ, ra Vĩnh Tường, Cần Thơ. Con đường nầy được xây dựng từ thời Pháp thuộc để phục vụ chiến tranh. Trải qua hai thời kỳ kháng chiến, bom đạn đã làm hư hại rất nhiều, xe cộ không còn lưu thông được nữa. Nhưng trong thời bình, việc khôi phục lại tuyến đường nầy là hết sức cần thiết. Nó mở ra rất nhiều triển vọng cho việc phát triển kinh tế.

Trên tuyến đường nầy cầu Trà Ban có một vị trí rất trọng yếu. Đấy là loại cầu sắt 3 nhịp, lót gỗ dài khoảng trên 50 mét bắt qua sông Trà Ban. Trong chiến tranh bom đạn làm nghiêng đi một nhịp nhưng sau đó đã được gia cố lại bằng trụ thông rất chắc chắn. Trong biên bản do phòng Giao thông huyện Long Mỹ lập ra lúc ấy còn ghi rỏ: chất lượng thép còn 90%, và giá trị của nó mặc dù đã hư hại vẫn còn cao gấp vài trăm lần so với cái giá 1 triệu đồng mà đương kim chủ tịch xã Long Phú lúc bấy giờ ký hợp đồng bán cho một người thu mua phế liệu ở Thạnh Trị.

Chưa nói đến chuyện cầu Trà Ban đã được xếp vào dạng tài sản quốc gia, ngay cả tỉnh cũng không có quyền thanh lý như kiểu bán tống, bán tháo mớ phế liệu rẻ tiền mau hỏng. Đằng nầy, kế hoạch khôi phục lại tuyến đường ở thời điểm ấy đã nằm trên bàn các vị lãnh đạo. Hậu quả từ tầm nhìn hạn chế của người đứng đầu xã Long phú lúc bấy giờ không phải chỉ là bản án kỷ luật một vài cá nhân nào đó, mà nó đã phá luôn cả dự án khôi phục lại tuyến đường có tính chiến lược nầy.

Kinh tế chậm phát triển đã đành, mà ngay cả hơn 10 năm sau khi Long Phú tiến hành xây dựng lại hệ thống giao thông nông thôn trong xã để đáp ứng nhu cầu đi lại trong giai đoạn mới. Cũng như để tiến lên xây dựng mô hình ấp, xã văn hóa đã phải đi một đường vòng vừa khó khăn, tốn kém hơn, vừa thiếu tính chiến lược vì kinh phí của một xã không thể nào kham nổi việc xây dựng lại chiếc cầu có qui mô như cầu Trà Ban.

“Hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai”. Ông nhạc tôi hay nói như vậy để khuyên con cháu cố gắng chịu đựng, vượt qua thời kỳ khó khăn. Điều nầy quả là đã đúng với người dân xã Long Phú. Cùng với thời điểm nhập xã, tỉnh đã cho đào kênh HG 3, bắt đầu từ Phụng Hiệp xổ ngang qua Long Mỹ như một luồng nước mát tưới tắm cho vùng đất cổi cằn nầy. Như cô Tấm bước ra từ trái thị, đất đai ở Long Phú cởi dần chiếc áo phèn chua mặn từ bao đời mà thiên nhiên khắc nghiệt đã đặt để. Từ cây lúa mùa chuyển sang hai vụ rồi ba vụ. Những mầm cây ăn quả đã được đặt xuống, mặc dù chỉ mới ở tính tự phát, nhỏ lẻ nhưng rỏ ràng chuyện chú Tám Lắm ở Long Bình I bán nhãn được vài chục triệu, sau đó lại cho lên bờ hết số đất ruộng còn lại là một nguồn tin hết sức sốt dẻo. Cha vợ tôi cũng hào hứng không kém, mấy công trúc quanh nhà được hạ xuống và thay vào đó là giống xoài cát Hòa Lộc được đặt mua tận trường Đại học Cần Thơ. Ông lập luận:

- Mua cây giống trôi nổi trên ghe thì rẻ hơn và nhẹ công vận chuyển nhưng lại không chắc ăn. Thà chịu tốn một chút mà có giống tốt lại được hướng dẫn kỹ thuật tận tình. Tính toán kỷ vẫn lợi hơn rất nhiều.

Tám Nhựt, người anh em bạn rể với tôi trong một tiệc nhậu đã cao hứng:

- Có hai công ruộng trong tay, mỗi năm tôi dư được một cây vàng.

Có thể đó chỉ là câu nói vui trong lúc trà dư tửu hậu nhưng chính điều đó cũng cho thấy người nông dân đã tin tưởng vào mãnh đất dưới chân mình.

Đúng lúc ấy, lại xảy ra một sự kiện cũng nổi đình, nổi đám không kém vụ bán cầu Trà Ban nhưng ở một góc độ khác. Đó là việc Long Phú được công nhận là xã văn hóa đúng vào cái ngày cuối cùng của năm 1996.

Hào quang của ngày khánh thành xã văn hóa đầu tiên của tỉnh và cũng là đầu tiên của ĐBSCL như một ngụm rượu mạnh làm lâng lâng tất cả mọi người. Hàng chục chiếc xe bốn bánh tung bụi mù lướt nhanh về Long Phú. Chủ tịch xã Tám Hiếu tất bật tới lui, tay bắt mặt mừng. Nhìn ông ta lúc ấy không ít người đã nghĩ thầm: Rồi đây ông ta sẽ còn đi lên nữa trên con đường hoạn lộ. Một dạng cán bộ trẻ có năng lực đang được chú ý. Cha vợ tôi lúc ấy hay nhắc tới Tám Hiếu như một tấm gương cho con cháu noi theo.

Không lâu sau đó, mặc dù ở Cần Thơ nhưng tôi cũng nghe tin chủ tịch Tám Hiếu trúng số độc đắc 5, 6 trăm triệu đồng.

Đúng là có thời.

*

* *

Tiếp tôi tại văn phòng UBND xã Long Phú, phó chủ tịch Võ văn Mốc nhớ lại:

- Thật ra việc đưa Long Phú trở thành xã văn hóa ở vào thời điểm ấy là quá vội vả. Cái danh hiệu lá cờ đầu đã khiến những người có trách nhiệm của xã Long Phú lúc bấy giờ phạm vào những sai lầm đáng tiếc. UBND xã mà đứng đầu là chủ tịch Tám Hiếu đã vay mượn rất nhiều khoản tiền lớn từ nhiều nguồn khác nhau với lý do xây dựng xã văn hóa. Tiêu cực, tham ô cũng từ đó phát sinh. Đã năm năm rồi, chủ tịch Tám Hiếu và bí thư của cái ngày công nhận xã văn hóa ấy đã bị kỷ luật nhưng hậu quả của nó là những khoản nợ vẫn còn đeo đẳng đến bây giờ.

Vậy đó, trong vòng bốn mươi năm trở lại đây. Mãnh đất Long Phú đã phải nhận vào mình biết bao điều do chính con người tạo nên. Hết là đất dữ đầy đe dọa chết chóc lại trở thành một vùng đất điển hình được khắp nơi biết đến với đủ thứ mỹ từ đẹp đẻ. Để rồi chính người dân chớ không ai khác phải nhận lấy hậu quả là những năm tháng đói nghèo triền miên.

Long Phú đang hồi sinh trở lại, chiếc cổng chào cũng đã được làm mới đặt trang trọng cách địa điểm củ khoảng 500 mét, nơi bắt đầu của 14 km đường nhựa dẫn đến trung tâm xã. Tôi không muốn nêu ra đây những số liệu khô cứng để minh chứng cho sự đi lên của Long Phú. Liệu cái % tỷ lệ so sánh nào đó có thay thế được cho khu trung tâm thương mại đang sừng sửng ở cửa ngỏ ấp Long Bình I và còn thêm 3 điểm chợ nữa đang hình thành trong toàn xã. Tôi tin rằng Long phú sẽ đi lên với thực lực vốn có của mình và với những con người tha thiết yêu vùng đất mình đang sống.

Để chấm dứt bài viết nầy tôi xin nói thêm một điều. Nếu những thửa ruộng, dòng sông ở Long Phú nầy có được cảm xúc, suy nghĩ thì sau bao năm oằn mình vì những toan tính của con người sẽ thốt lên rằng: “Xin hãy để người ta nhớ tới Long Phú như nhớ tới một vùng đất ngọt ngào. Nơi khởi đầu cho tình yêu và hạnh phúc”.