(Chinhphu.vn) – Sáng mai (22/6), tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau hơn một năm triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, tiết kiệm 1.000 tỷ đồng và đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân.
Cán bộ chiến sĩ công an làm việc xuyên đêm cấp căn cước cho công dân. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tiết kiệm 1.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước
Theo Bộ Công an, thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và Đề án 896 của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì thực hiện dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2020 và tháng 9/2020, chỉ trong thời gian hơn 1 năm với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án do Bộ trưởng Tô Lâm trực tiếp là Trưởng Ban. Trong đó, xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là “chiến dịch” của toàn lực lượng trong năm 2020 và 2021, đồng thời đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” để hoàn thành 2 dự án vào ngày 1/7/2021.
Bộ Công an đã cố gắng bố trí đủ nguồn nhân lực thực hiện 2 dự án từ Trung ương tới cơ sở, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, đặc biệt là đã bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 người), đây là nguồn nhân lực quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày.
Mặc dù là 2 dự án độc lập, nhưng Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để bảo đảm đồng bộ tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Bộ Công an cho biết, đã chỉ đạo các nhà thầu chính của dự án triển khai thiết kế kỹ thuật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân dựa trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Hơn 164.000 thiết bị của dự án được kiểm soát chính hãng ngay từ nguồn gốc và được Cục Nghiệp vụ chuyên ngành của Bộ Công an kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế hệ thống, bảo đảm đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4 theo Nghị định số 85/NĐ-CP của Chính phủ; đường truyền và các phương án bảo mật đã được bố trí từ Trung ương đến cấp xã. Ban Cơ yếu Chính phủ áp dụng giải pháp bảo mật cơ yếu, xác thực, ký số toàn vẹn dữ liệu, bảo mật kênh truyền cho hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng này. Bộ Công an đã ban hành quy định về bảo đảm an ninh mạng đối với 2 hệ thống và chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao theo dõi thường xuyên, tăng kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
“Làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư
Đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc. Đến nay, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đã hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử; đồng thời trong thời gian ngắn hoàn thành triển khai chiến dịch cấp 50 triệu thẻ cho công dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Nhờ có sự lồng ghép giữa 2 dự án, nên thủ tục cấp thẻ đã được cải cách tối đa, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn (hiện nay, trung bình thời gian thực hiện thủ tục cấp căn cước đối với 1 người dân là khoảng từ 3-5 phút).
Để bảo đảm cho nhân dân sớm được hưởng những tiện ích của thẻ căn cước mới, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai chiến dịch thu nhận hồ sơ để cấp 50 triệu thẻ căn cước trước ngày 1/7/2021. Từ 1/3/2021 đến nay, toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước 1 tháng so với kế hoạch.
Bảo đảm thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”
Với những kết quả đã đạt được, Bộ Công an chính thức công bố đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Hai hệ thống này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Công an cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, khó khăn. Đó là, một số vấn đề vướng mắc về thông tin công dân cần được tiếp tục giải quyết như các trường hợp nhân khẩu đặc biệt liên quan đến xác định quốc tịch, tôn giáo; sự đa dạng và di biến động về dân cư ở nước ta rất lớn, đặt ra nhiều áp lực cho công tác thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin; các nguy cơ tấn công hệ thống, xâm nhập, lấy cắp dữ liệu luôn rình rập, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu; qua kiểm tra của Bộ Công an cho thấy còn nhiều lỗ hổng về bảo mật và nguy cơ mất an ninh, an toàn khi kết nối; việc in và trả thẻ căn cước công dân còn chậm…
Về những nhiệm vụ công tác thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ để hoàn thiện, duy trì và phát huy giá trị của 2 dự án. Trọng tâm là duy trì thường xuyên việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư, bảo đảm thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống” một cách bền vững và lâu dài. Tiếp tục cấp căn cước công dân với thủ tục nhanh gọn, bảo đảm 100% công dân đến độ tuổi được cấp căn cước; nâng cao hiệu xuất in và trả thẻ căn cước theo đúng quy định. Duy trì bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo mật, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu; nghiên cứu, thiết lập Hệ thống định danh và xác thực điện tử. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú sửa đổi, chuyển đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Lê Sơn