Lớp phóng viên GP10 cho "Trận đánh cuối cùng", góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang TTXGP và TTXVN

Sau đây là tham luận của Vũ Xuân Bân, cựu phóng viên biên tập TTXGP, nguyên Trưởng Ban biên tập tin Trong nước- TTXVN tại Hội thảo khoa học "TTXGP với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" tổ chức chiều 6/5/2022.

GP10 là lớp phóng viên đặc biệt cho Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) theo Chỉ thị của Ban Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ, đào tạo cho trận đánh cuối cùng (giải phóng miền Nam). Khi nói tới GP10, mọi người nhận diện được ngay. Cả TTXVN đều biết lớp phóng viên GP 10 là một trong những “thế hệ vàng”, đã trở thành thương hiệu, đúng ra là một danh hiệu, góp phần tô thắm, làm rạng danh truyền thống vẻ vang 15 năm của TTXGP nói riêng trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và của TTXVN nói chung.

Thời gian trôi đi rất nhanh, đến  nay, lớp phóng viên  GP10 đều nay đều đã U80, đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Chúng tôi đều đã về nghỉ hưu cả chục năm nay, không còn phân biệt ngôi thứ, chức tước, trở về đời thường làm người “dân vạn đại”, sức khỏe ngày một suy giảm, mỗi người đều mang trong mình một bệnh, hoàn cảnh chẳng ai giống ai.

hoi-thao-ttxgp-652022b-1651912979.jpgMột số thành viên tham gia hội thảo đầu cầu Hà Nội. Tác giả tham luận Vũ Xuân Bân (đứng giữa thứ 5 từ phải sang)

 

Theo tiếng gọi thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, biết là gian khổ hy sinh, nhưng  lớp phóng viên GP10 là thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… đều với tinh thần tự nguyện, sẵn sàng đi làm nhiệm vu khi tổ quốc cần. Đây là lớp phóng viên chiến trường của TTXVN với quy mô lớn nhất, chất lượng, chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và quyết định nhất- trận đánh cuối cùng.

Ngày 16 tháng 3 (năm Quý Sửu - 1973), đánh dấu bước ngoặt không bao giờ quên  của lớp phóng viên GP.10- một vinh dự không phải ai cũng có được. Đó là ngày chúng tôi rời miền Bắc thân yêu với cây bút, quyển sổ và máy ảnh lên đường ra mặt trận, đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào. Trang sử vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam còn ghi đậm mãi mãi dấu chân của lớp phóng viên GP10 trên đường mòn Hồ Chí Minh trong những ngày, cả nước náo nức hành quân đi đánh giặc, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ lại những ngày làm việc tại TTXGP ở trong R (chiến khu rừng Tây Ninh),giáp Campuchia và khắp các chiến trường miền Nam khi mà chúng tôi vừa phải làm rẫy vừa làm phóng viên biên tập tin, ảnh, không ít người bị sốt rét, nhiều lúc bụng đói cồn cào. Rồi những tháng ngày, chúng tôi làm phóng viên chiến trường ở địa bàn  từ Bình Trị Thiên khói lửa, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ đói cơm, nhạt muối, khốc liệt, miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”, sốt rét triền miên, đến Đồng bằng sông Cửu Long- Rừng U Minh cực Nam của Tổ quốc quanh năm sống cùng cây đước, cây tràm  trong vùng ngập nước, và đặc biệt là tham gia năm mũi tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lớp phóng viên GP10 đã có mặt kịp thời phản ánh những tin tức, hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân, dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” làm náo nức lòng người, cùng cả nước một thời hào hùng, một thời đi vào lịch sử của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt đã có những đồng đội  lớp phóng viên GP10 ngã xuống, một số là thương binh đã để lại một phần máu xương tại chiến trường miền Nam. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới hai liệt sỹ lớp phóng viên GP10 đã hy sinh trên đường hành quân tại ngã 3 Đông Dương thuộc tỉnh Attapeu của nước bạn Lào lúc 10 giờ 10 phút ngày 2/4/1973,  bỏ lại phía sau hoài bão lớn. Đó là các liệt sĩ Trần Viết Thuyên quê Hà Tĩnh, Phạm Thị Kim Oanh quê Thái Nguyên.

Lớp phóng viên GP10 đều day dứt, đau đáu khi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt hai liệt sĩ Trần Viết Thuyên, Phạm Thị Kim Oanh mặc dù có chụp được ảnh kỷ niệm lưu lai phần mộ tại rừng khộp ngã ba Đông Dương. Được lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện, lớp phóng viên GP10 cũng đã cử phóng viên cùng với Đội K53 Kon Tum, là lực lượng chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam hy sinh ở Đông Bắc Campuchia và Nam Lào thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đến Attapeu của nước bạn Lào lần theo dấu vết nhiều ngày đi tìm mộ hai phóng viên Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh nhưng chưa có kết quả. Xin thắp một nén hương tưởng nhớ hai  phóng viên liệt sĩ Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh cùng hơn 260 Nhà báo liệt sĩ của TTXVN đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chủ quyền lãnh hải đất nước, chiếm 2/3 Nhà báo liệt sỹ của cả nước.

Sự hy sinh, mất mát thật lớn lao. Trong số 149  thành viên của lớp GP10, đến nay (tháng 4/2022) đã 26 người qua đời, trong đó có 2 liệt sĩ là Trần Viết Thuyên quê Hà Tĩnh, Phạm Thị Kim Oanh quê Thái Nguyên khi tuổi còn rất trẻ, 24 người bị bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc da cam khi làm phóng viên chiến trường, chủ yếu là bị ung thư, Nhiều anh chị em bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, bị di chứng sốt rét ác tính trong chiến khu, bưng biền trước đây vẫn bám đuổi dai dẳng, tái phát hành hạ, đang phải chống chọi với những bệnh tật quái ác, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của lớp phóng viên GP10 khi chiến tranh đã lùi xa. Nhiều phóng viên GP 10 đang bị trọng bệnh, nhiều lần vào các bệnh viện điều trị...   

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại nổ ra. Phóng viên tin, ảnh GP10 lại có mặt ở tuyến đầu. Tin tức và hình ảnh đầu tiên về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước đều do phóng viên lớp GP10 tại Tây Ninh và Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) lúc đó điện về sớm nhất báo hiệu cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới. Nhiều anh chị em chúng tôi lại một lần nữa hành quân ra trận, trong đó có nhiều anh chị em được cử đi làm phóng viên mặt trận bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ. Trên mặt trận xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở khắp nẻo đường đất nước, đều có mặt phóng viên lớp GP10.

Những tháng năm gian lao kháng chiến cứu nước, nhất là những năm công tác tại TTXGP là phóng viên chiến trường, đã tôi rèn lớp phóng viên GP10 gắn liền với lịch sử hào hùng của TTXVN và đất nước, không ngừng trưởng thành và ngày càng phát huy tác dụng. Dù ở vị trí công tác nào, anh chị em phóng viên  lớp GP10 đều cần mẫn, năng nổ, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều người từng là cây viết chủ lực tại các Ban biên tập, tòa soạn các ấn phẩm, trưởng các cơ quan đại diện TTXVN ở trong và ngoài nước. Có phóng viên  GP10 giành được Giải A Giải thưởng Quốc gia về báo chí viết về sự kiện Tây Nguyên năm 2004. Một số anh chị em là phóng viên, biên tập viên cao cấp đã tích cực tham gia đấu tranh thông tin, viết tin, bài phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước của thế lực thù địch về “dân chủ, nhân quyền, tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc...”. Những tin, bài đó đã góp phần bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận quan tâm và bạn đọc đánh giá cao là dòng thông tin chủ lưu, chính thống của TTXVN, kịp thời chỉnh hướng những thông tin sai lệch trong thời đại công nghệ số 4.0 “bùng nổ” thông tin. Nhiều phóng viên nhiếp ảnh  lớp GP10 giành được giải thưởng ảnh báo chí ở trong nước và quốc tế, trở thành hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế.

Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, tháng 10/2020, TTXGP được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Đấy là dịp gợi nhớ lại những tháng năm gian lao kháng chiến, ác liệt, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương của người dân, đã giúp chúng ta củng cố niềm tin tất thắng, có thêm nghị lực, dũng khí, vững vàng trên vị trí phóng viên TTXVN, người lính xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc để đất nước có cơ đồ ngày hôm nay.

Trang sử hào hùng của TTXVN và đất nước mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp cao quý của các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên đã từng tham gia TTXGP, trong đó có lớp phóng viên  GP10. Tin tưởng rằng, thế hệ TTXVN hôm nay và mai sau sẽ kế tục, phát huy xứng đáng  truyền thống vẻ vang đó, tiếp tục vươn lên bắt kịp thời đại kỹ thuật số, đưa sự nghiệp TTXVN không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

V-X-B