Một số giải pháp phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

TS. Hoàng Xuân Trường

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Kinh tế tập thể là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của nước ta đã được khẳng định trong Văn kiện đại hội Đảng qua nhiều giai đoạn. Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt. Các HTX dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Phát triển HTX kinh doanh tổng hợp đa ngành hoặc chuyên ngành. Nhà nước giúp HTX đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thông tin, mở rộng thị trường, xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, giải quyết nợ tồn đọng, khuyến khích việc tích luỹ, phát triển có hiệu quả vốn tập thể trong hợp tác xã.

a18-1624243845.jpg
TS. Hoàng Xuân Trường, PGĐ Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp

Năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010-2020, khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tính đến 31/12/2020, toàn quốc có hơn 26.000 HTX, 100 liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác. Toàn khu vực thu hút 7,7 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững.

Phát triển kinh tế tập thể phải phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế tập thể, HTX cũng cần tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Xuất phát từ tầm quan trọng của kinh tế tập thể mà trực tiếp là HTX trong việc phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Dựa trên các báo cáo của các cấp, các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, chúng ta cùng phân tích và đề xuất một số giải pháp phát triển HTX nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện trạng HTX nông nghiệp tại Việt Nam

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển kinh tế tập thể và đã có một số thành tựu nhất định. Theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và PTNT, tính tới hết tháng 12/2020 Việt Nam có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp (98% hoạt động theo Luật HX 2012), trong đó HTX hoạt động hiệu quả khoảng 14.650 HTX (chiếm 83%). Trong đó có 6.046 HTX trồng trọt, 1.025 HTX chăn nuôi, 202 HTX lâm nghiệp, 964 HTX thủy sản, 31 HTX diêm nghiệp, 41 HTX nước sạch nông thôn, 7.594 HTX tổng hợp. Số HTX và liên hiệp HTX hoạt động yếu kém nhưng chưa được giải thể là 1.604 HTX và 02 liên hiệp HTX.

hoalan1-1624243941.jpg
Mô hình phát triển hoa lan ứng dụng công nghệ cao của HTX Đan Hoài

Vùng đồng bằng sông Hồng có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất với 4.667 HTX (chiếm 26,7%); Trung du miền núi phía Bắc có 4.301 HTX (chiếm 24,6%); Bắc Trung Bộ 2.662 HTX (chiếm 15,2%); Duyên hải Nam Trung Bộ có 1.343 HTX (chiếm 7,7%); Tây Nguyên có 1.255 HTX (chiếm 7,2%); Đông Nam Bộ có 717 HTX (chiếm 4,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 2.517 HTX (chiếm 14,4%). Các vùng có số lượng HTX nông nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn 2013-2020 là Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Bắc.

Về năng lực và chất lượng hoạt động của các HTX: Số lượng thành viên HTX nông nghiệp là 3,78 triệu thành viên. Trung bình 1 HTX nông nghiệp có khoảng 222 thành viên. Có 2.217 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp, tăng 1.870 HTX so với trước năm 2016. Có 934 HTX là chủ thể tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP được công nhận. Có 4.028 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chiếm 23% tổng số HTX NN cả nước, tăng hơn 10% so với trước 2015).

Về trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp. Năm 2020, tổng số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là 50.691 người, trong đó cán bộ có trình độ đại học, trên đại học chiếm 8,76%, trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 28,1%, trình độ sơ cấp nghề chiếm 15,8%) và chưa qua đào tạo chiếm 47,4%. Như vậy tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học đã chiếm 36,8%, tỷ lệ cán bộ qua đào tạo là 52,6% (trước năm 2015 tỷ lệ tương ứng là 22,6% và 38,4%).

Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp là 15.200 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp có tổng số vốn, tài sản là 871 triệu đồng.

Doanh thu và lãi bình quân 01 năm của HTX nông nghiệp đạt 2,44 tỷ đồng và 383 triệu đồng, tăng 1.461 triệu đồng và 279 triệu đồng so với năm 2017. Thu nhập bình quân của 01 lao động là 40,45 triệu đồng/năm tương đương 3,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với thời điểm năm 2017 là 2 triệu đồng/người/tháng.

Cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 HTX trồng trọt, 74 HTX chăn nuôi, 74 HTX thủy sản, 04 HTX diêm nghiệp, 223 HTXNN tổng hợp. Các HTX tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (1.490 HTX, chiếm 78,4%); áp dụng công nghệ tự động hóa (151 HTX, chiếm 12,5%); áp dụng công nghệ sinh học (60 HTX, chiếm 7,1%); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (16 HTX, chiếm 1%); ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh ở HTX (90 HTX, chiếm 1%).

Theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và PTNT về việc Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định số 461/QĐ-TTg thì tính đến hết tháng 12/2020, cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó HTX hoạt động hiệu quả khoảng 14.650 HTX, đạt 97,6 % so với mục tiêu 15.000 HTX, có 02 liên hiệp HTX ngừng hoạt động, 66 liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, đạt 132% chỉ tiêu kế hoạch của Đề án[1]. Số liên hiệp HTX thành lập mới tăng 38 liên hiệp HTX so với thời điểm 31/12/2017.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia các hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do như ATIGA, CPTPP, EVFTA ..., nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường trong nước, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu về chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, môi trường,... Đây là thách thức lớn với các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, phát triển HTX là giải pháp căn cơ để khắc phục các thách thứ và hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, xây dựng, phát triển thương hiệu của địa phương gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản.

Vai trò của HTXnông nghiệpđể phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025

HTXnông nghiệpcó vai trò rất lớn trong kinh tếnông nghiệp,nông thôn, là tổ chức đại diện của nông dân để thực hiện việc tổ chức sản xuất kinh doanhnông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống cho thành viên và giải quyết các vấn đề xã hội khác trong cộng đồng. Cụ thể là:

- HTX nông nghiệplà đầu mối để Nhà nước tiến hành quy hoạch, phân vùng, bố trí sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và đưa các hỗ trợ phục vụ sản xuất cho nông dân, sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn. Việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước hình thành nên tài sản chung của HTX giúp giảm việc hỗ trợ trực tiếp đối với nông hộ (vốn dĩ gây nên sự ỷ lại của nông dân và đầu tư dàn trải, không đồng bộ). HTX sẽ ràng buộc được các thành viên trong tổ chức sản xuất bởi quyền lợi của họ được hỗ trợ thông qua HTX. Đồng thời, các hoạt động quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp(nhất là công tác thông kế; quản lý an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường) được thực hiện hiệu quả hơn khi thông qua đầu mối là HTX.

htxjpg-1624244062.crdownload
Nhiều mô hình HTX kiểu mới ra đời đã phát huy hiệu quả

- HTX nông nghiệp có vai trò thúc đẩy hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp tác thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất từ cung ứng các yếu tố đầu vào, sản xuất đến chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và mang đặc trưng riêng của địa phương. Trong đó, HTX tự thực hiện hoặc cùng doanh nghiệp tiến hành: (i) cung ứng dịch vụ và vật tư đầu vàocho hộ sản xuất với giá phải chăng, tiện lợi và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp; (ii) nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất về khả năng tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng mới; (iii) giám sát việc tuân thủ theo yêu cầu của doanh nghiệp/tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng và (iv) ứng trước vật tư, cho vay vốn sản xuất đốivới hộ thiếu vốn hoặc gặp khó khăn trong sản xuất.

- Không chỉ gắn với doanh nghiệp, HTX nông nghiệp có thể trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cùng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX được ưu tiên hỗ trợ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo hệ thống phân phối của OCOP theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, các HTX thu lợi ở tất cả các khâu sản xuất, phân phối sản phẩm; tăng thu nhập cho các thành viên HTX và nâng cao được khả năng phản ứng với thị trường, năng lực quản trị, đàm phán, marketing, xây dựng và quảng bá thương hiệu gắn với sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa phương, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

- Đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệplà các hộ nông dân nghèo, đời sống gắn với sản xuất nông nghiệp nên HTX nông nghiệp có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, HTX nông nghiệpcòn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã chăm lo đời sống tinh thần của thành viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

- Trong giai đoạn 2021-2025 và tới năm 2030 nước phát triển HTX dựa chủ yếu vào năng lực của người dân, và căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà có phân bổ nguồn vốn đầu tư và phát triển HTX theo các nghị định đã ban hành như Nghị định 98 về liên kết, nghị định 57 về thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 55 về tín dụng cho HTX…

Phát triển HTX cần lồng ghép với các chương trình Mục tiêu quốc gia đang thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó cần phối hợp huy động các nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp mong muốn phát triển các chuỗi giá trị có tổ chức sản xuất và đầu mối là các HTX

Thuận lợi, khó khăn để phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

* Thuận lợi:

- Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, và được cụ thể hóa trong các chính sách của Chính phủ

- Là nước nông nghiệp, nông dân sản xuất nhỏ lẻ phân tán vì vậy mô hình HTX là phù hợp trong quá khứ, hiện tại và tương lai cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển HTX chuyên ngành sẽ phát huy được các ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể hay kinh tế hợp tác trong tương lại, các ưu điểm cụ thể như:

+ HTX là mô hình tổ chức kinh tế mà có thể thu hút được nhiều thành viên tham gia, tạo điều kiện phát triển cho việc sản xuất, kinh doanh của những cá thể riêng lẻ, thể hiện tính xã hội cao.

+Việc quản lý HTX được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng nên không phân biệt đóng góp nhiều hay ít vốn giữa các thành viên trong việc biểu quyết, quyết định các vấn đề của hoạt động của HTX.

+ Thành viên trong HTX chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào HTX. Trường hợp này, trách nhiệm hữu hạn tạo điều kiện cho cho các thành viên có thể yên tâm cùng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tránh được tâm lý lo lắng rủi ro khi tham gia vào HTX.

* Khó khăn trong phát triển HTX: Từ thực tế đã chứng minh, việc phát triển kinh tế tập thể trong đó xây dựng và vận hành được các HTX hoạt động có hiệu quả luôn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể HTX có nhiều nhược điểm như:

- Cũng do cơ chế bình đẳng, dù đóng góp được nhiều hay ít vốn thì đều có quyền quyết định như nhau đối với vấn đề của HTX nên mô hình HTX thường không thu hút được thành viên đóng góp được nhiều vốn bởi họ sẽ cảm thấy quyền lợi về việc quyết định không phù hợp với số vốn mà mình đã góp.

- Số lượng thành viên tham gia HTX thường rất đông nên gây nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý HTX.

- Nguồn vốn của HTX thường được huy động chủ yếu từ nguồn vốn góp của thành viên và có tiếp nhận thêm các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức khác. Trong khi đó trình độ quản lý, khả năng tạo ra lợi nhuận của HTX còn hạn chế nên khả năng huy động vốn không cao so với các hình thái kinh tế khác.

- Về chính quyền địa phương: Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển HTX, chưa dành ngân sách và đầu tư con người đủ năng lực để phát triển kinh tế tập thể, coi nhẹ các hoạt động thành lập mới và vận hành các HTX, coi HTX như doanh nghiệp và chưa có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển.

- Về nội tại trong HTX:

Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Đa số các HTX ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ; khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, trong khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng khó khăn (đặc biệt là vay vốn lưu động) dẫn đến khó khăn trong tổ chức hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh kém. Nhiều HTX thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; máy móc, thiết bị, hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại sản phẩm nông nghiệp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Vì vậy, nhiều HTX chưa mạnh dạn, chủ động trong việc tham gia các hoạt động XTTM, giao thương kết nối cung cầu, hội chợ, triển làm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và kết nối doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân. Đa số các HTX chưa chú trọng việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nên chưa thu hút được người tiêu dùng. Trình độ nhận thức, ứng dụng các công nghệ của một bộ phận cán bộ, thành viên HTX còn hạn chế nên việc ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn.

+ Vẫn còn nhiều HTX tuy đã đăng ký lại theo Luật HTX nhưng không chuyển đổi được mô hình hoạt động nên hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, chưa có giải pháp để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ dừng ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

+ Các HTX nông nghiệp bước đầu đã có sự cải thiện cả về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển (lâm nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản) nhưng số lượng HTX còn ít.

+ Nhiều HTX chưa thế hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên, sự gắn kêt lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa chặt chẽ, chưa mang tinh thần hợp tác, các thành viên chưa thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động và sự sống còn của HTX.

+ Liên kết giữa doanh nghiệp và HTX số lượng ít, chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thoả thuận mua bán, tình trạng phá vỡ liên kết thường xuyên xảy ra

Một số giải pháp phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

Xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp luôn gặp những khó khăn và thách thức, nhưng không thể phủ nhận vai trò lịch sử của HTX qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Để phát triển HTX trong giai đoạn tới cần ưu tiên một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia (thông qua các video ngắn trên các trang website chính thức và mạng xã hội gắn với câu chuyện các sản phẩm); Công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho HTX (Chủ tịch, GĐ HTX, kế toán HTX); Hỗ trợ HTX ứng dụng CNC, công nghệ thông tin (CN số) trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị

- Cần giao cho một số trường, viện, học viên đào tạo sơ cấp nghề lãnh đạo HTX nông nghiệp (Chủ tịch HĐQT; Giám đốc; Kế toán, Kiểm soát…), xác định nhu cầu từ địa phương gửi lên và theo kênh tự nguyện (các đơn vị thông báo tuyển sinh, như tuyển sinh đại học). Thí điểm đưa thêm môn học Quản lý, quản trị HTX vào các trường đại học, dạy nghề coi như một môn học tự chọn để các sinh viên hiểu biết hơn khi ra trường.

- Cần có chính sách riêng (Nghị định về phát triển HTX nông nghiệp) gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới. Có thể chỉnh sửa bổ sung lại Nghị định 98/NĐ-CP đã ban hành năm 2018 (tỷ lệ đối ứng phù hợp hơn trong điều 8; làm rõ các hạng mục đầu tư ưu tiên, làm rõ các hỗ trợ phải qua dịch vụ của HTX trong điều 9…), cần chỉ đạo hướng dẫn các tỉnh, TP ra nghị quyết phù hợp với tình hình PT của địa phương mình. Ưu tiên việc xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và thương mại của các HTX; Dự án khởi nghiệp trong các HTX nông nghiệp. Cần có cơ chế, chính sách về tín dụng cho các HTX nông nghiệp khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu. Quan tâm tới khâu xây dựng thương hiệu, quản lý phát triển sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ và gắn với chương trình OCOP quốc gia.

- Cần có các đề án, dự án giao về các tỉnh đang gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH (đồng bằng SCL (mặn); Duyên hải miền trung (hạn) nhằm nâng cao năng lực HTX ứng phó với BĐKH; Các dự án đầu tư hạ tầng cho HTX nông nghiệp theo quy định tại Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của TTCP.

- Tổng kết các bài học kinh nghiệm từ các HTX hoạt động hiệu quả; Bài học từ các địa phương đã có chính sách hỗ trợ nhân rộng các HTX phù hợp với điều kiện của địa phương mình, nhất là các mô hình ứng dụng CNC, chuyển đổi số, tích tụ rộng đất, tín dụng nhỏ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
  2. Báo cáo tổng kết thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.
  3. Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.
  4. Luật hợp tác xã năm 2012 của Quốc hội khóa XIII.
  5. Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX của Chính phủ.
  6. Nghị đinh 107/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
  7. Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký HTX và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  8. Thông tư 83/2015/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX của Bộ Tài chính.
  9. Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
  10. Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
  11. Nghị định 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
  12. Liên minh HTX Việt Nam. Báo cáo tổng kết tình hình KTHT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018; nhiệm vụ công tác trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018.
  13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

 

 

[1]Mụctiêu phấn đấu có trên 50 liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả.