Mua bán thông tin ví điện tử: Làm sao bắt tận tay để xử phạt?

Chu Thùy Linh

Chia sẻ đến các bạn một số cách làm để bắt tận tay hành vi mua bán thông tin để xử phạt trên ví điện tử. Thông tin được chúng tôi chia sẻ trên Báo Laodong.vn.

Các hành vi tiết lộ thông tin khách hàng tại trung gian thanh toán, cho thuê mượn  hoặc mua bán thông tin ví điện tử sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31.12.2019. Đây là một quy định mới và rất cần thiết trong thời đại thanh toán trực tuyến đang ngày càng phát triển.

Người dùng không trung thực sẽ bị xử phạt

Theo Nghị định số 88/2019, đối tượng có thể bị xử phạt không chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ mà cả người dùng. Cụ thể, tại Điều 27 Khoản 1, qui định phạt tiền mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm, trong đó có việc cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán...

Như vậy chiếu theo quy định mới này,  đối tượng bị điều chỉnh chính là hàng chục triệu người dùng ví điện tử hiện nay. Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho gần 30 ví điện tử hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, tổng số người dùng tải về và kích hoạt ứng dụng ví điện tử được cho là khoảng 20 triệu. Tuy nhiên theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng hiện đạt khoảng 4,2 triệu ví.

Con số 4,2 triệu ví có liên kết tài khoản ngân hàng không hẳn tất cả đều đã được định danh chính xác và xác thực thông tin tài khoản. Với những tài khoản chưa định danh hoặc thậm chí ẩn danh, có thể thông tin cá nhân chưa được xác thực nhưng cũng có thể rơi vào tình trạng khai ảo, khai man không đúng với thực tế, đều có nguy cơ bị xử phạt.​​​​​​​

Làm sao bắt tận tay hành vi mua bán thông tin để xử phạt?

Theo quy định mới, hành vi cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng tại tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định, cũng như việc cho thuê mượn, mua bán thông tin ví điện tử có thể bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia về bảo mật, vấn đề cốt lõi là làm sao để bắt tận tay các đối tượng mua bán thông tin ví điện tử để có căn cứ xử lý là vấn đề quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar – phân tích, trường hợp cho thuê mượn ví điện tử thì không khó để lần ra đối tượng vì mỗi ví gắn với số điện thoại và một số thông tin khác, trong đó có những thông tin quan trọng, từ đó có thể lần ra người chính chủ và người thuê mượn.

Tuy nhiên trong trường hợp rò rỉ thông tin hay mua bán thông tin từ người trong tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử ra bên ngoài thì sẽ khó khăn hơn trong việc lần tìm thủ phạm. Theo ông Đức, những vụ việc bị rò rỉ dữ liệu lớn, nghiêm trọng, được cơ quan chức năng quyết tâm vào cuộc lần ngược trở lại thì có thể tìm ra thủ phạm. Còn đối với các vụ việc nhỏ lẻ, sẽ rất khó tìm ra thủ phạm vì còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của nhiều bên.

Trong khi đó, theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, hiện chúng ta không thiếu các quy định chế tài về các hành vi tiết lộ, mua bán thông tin, dữ liệu của khách hàng cả trên môi trường online và offline. Tuy nhiên từ trước đến nay, hầu như chưa có vụ việc nào được xử lý điểm cho nên thiếu tính răn đe, đối tượng có hành vi vi phạm cũng “nhờn thuốc”.