Mừng và lo

Hôm nay cả nước có 4.363 ca mắc Covid-19 (Con số thấp nhất trong vòng 1,5 tháng trở lại đây). Số khỏi bệnh trong ngày là 25.573 ca, cao gấp 4 lần số mắc. Ở thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc trong ngày là 1.491.

244112245-3027625394183249-465743973154847496-n-1633761405.jpgẢnh sưu tầm minh họa: Trèo lên bàn giơ tay mà cô không thấy

Những con số làm người đọc yên tâm, ứng với câu “Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói cuối tuần trước. Việc nước yên tâm, giờ lo sang việc nhà. Ổn định sản xuất, lao động, sáng tạo là việc của lớp thanh niên và trung niên. Lứa “già thải” như bọn mình chỉ bận tâm tới việc học hành của bọn trẻ trong giai đoạn bình thường mới. Từ đầu năm học đến giờ các cấp học tổ chức học online và dự kiến có thể sẽ học đến hết học kỳ 1. Cô giáo chủ nhiệm lớp của cháu mình điện thoại đến từng phụ huynh học sinh, giới thiệu lớp học thêm của cô giáo. Hiện cả lớp chỉ còn 2 học sinh chưa đăng ký học thêm, trong đó có cháu mình và 1 bạn nữa. Ngay lập tức, cháu mình đã có cảm giác cô giáo không thích mình, bỏ sót điểm học tập dù rất cao (10 điểm) vào sổ học tập của cháu và hạn chế gọi cháu phát biểu trong giờ học. Ông bà nội cháu đều là viên chức về hưu, gọi là có hiểu biết. Ông bà ngoại của cháu lại là giáo sư bậc đại học. Cả hai bên nội ngoại đều ủng hộ bố mẹ cháu, cho cháu học “trường làng” vì sát nhà và không cho học thêm các lớp tại trường suốt từ năm lớp 1 đến năm lớp 5. Kết quả cháu học luôn đứng đầu lớp và có thời gian đi thi ở các trung tâm giáo dục của thành phố. Cháu đều đoạt giải cao và được nhiều phần thưởng của các trung tâm. Cháu đã rèn được ý chí và phương pháp học tập, dù ở trường lớp cũ cháu cũng đôi lúc bị cô chủ nhiệm kỳ thị vì không học thêm các lớp của trường.

Năm nay chuyển cấp, cháu lên học lớp 6. Ngay cuối năm lớp 5 cháu đã đăng ký thi vào các trường điểm của Ba Đình và Hà Nội. Cháu đã trúng tuyển vào 2 trường thuộc loại TOP TEN. Lên mạng tìm hiểu thêm, mẹ cháu xem giới thiệu về một trường ở Thanh Xuân. Trường này là lá cờ đầu của quận và cam kết không tổ chức các lớp học thêm. Trường này gần nhà mới của gia đình nên cháu được hướng thi thử xem sao, dù biết rằng với quy mô và danh tiếng của trường, sẽ phải một đấu với nhiều học sinh muốn theo học. Vậy mà cháu đã đỗ và được theo học tại trường. Nay cô giáo chủ nhiệm lại kêu gọi học thêm. Theo học hay không? Câu hỏi đó khiến cả họ nhà chúng tôi bây giờ rối trí. Cho theo học, cháu sẽ là một học sinh được đối xử bình thường như những cháu đã đăng ký học thêm, nhưng lại lệch với quan điểm về việc học ở cấp phổ thông của các phụ huynh học sinh. Không cho theo học thêm, cháu sẽ có thời gian để theo đuổi những môn học hoặc các hoạt động văn hóa thể thao mà cháu yêu thích. Cháu cùng gia đình sẽ cân đối hợp lý Thời khóa biểu học tập. Nhưng nếu vậy, cháu sẽ đứng trước nguy cơ là “Học sinh cá biệt” trong lớp.

242844250-3027625644183224-4027743148468660336-n-1633761526.jpgẢnh sưu tầm minh họa: Các cháu đang ngủ online

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Giáo dục Trung Quốc đang mạnh tay chấn chỉnh việc dạy học thêm, loại bỏ các hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận, thậm chí còn cấm dạy thêm trực tuyến. Họ e ngại các học trò sẽ biến thành “những em bé gà công nghiệp” do chỉ nhồi nhét riêng kiến thức khi đang “Tuổi ăn tuổi lớn”. Thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với việc học và dạy học cho thế hệ tương lai của đất nước, ta nên tham khảo và học tập.

 

Theo Chuyện Làng quê