Âm nhạc dân ca Việt Nam là di sản văn hóa vô giá, chứa đựng bản sắc dân tộc độc đáo và tinh thần của người Việt qua nhiều thế hệ. Để gìn giữ và phát huy giá trị này, việc nâng cao chất lượng đào tạo và biểu diễn dân ca mang âm hưởng dân ca trong các trường nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang, giảng viên thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặt ra nhiều thách thức. Các trường đào tạo nghệ thuật ngày càng quan tâm đến việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả để thúc đẩy học viên tham gia tích cực vào các hoạt động nghệ thuật. Việc nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật mà còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa văn hóa và lịch sử của các ca khúc dân ca, từ đó phát huy tính sáng tạo và khả năng diễn xuất riêng.
Một số nghệ sĩ trẻ hiện nay có xu hướng ngại làm mới các ca khúc mang âm hưởng dân ca quen thuộc hoặc bắt chước các phiên bản đã có trên mạng xã hội, dẫn đến thiếu tính sáng tạo và sự tìm tòi về không gian văn hóa, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển những phương pháp biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca hiệu quả, khuyến khích sinh viên thể hiện tài năng, đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân ca Việt Nam trong bối cảnh hiện đại là vô cùng cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, theo Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng chương trình đào tạo đa dạng và chuyên sâu: Cần phát triển nội dung lý thuyết phong phú, bao gồm lịch sử, đặc điểm và giá trị văn hóa của dân ca ba miền. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nghệ nhân hàng đầu. Đồng thời, cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo điều kiện cho học viên luyện tập kỹ năng biểu diễn, từ cách hát, nhả chữ đến biểu cảm sân khấu. Mời các nghệ nhân dân gian, nhạc sĩ, chuyên gia đến giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn.
Hai là, đổi mới phương pháp biểu diễn: Cần khuyến khích sự sáng tạo trong dàn dựng biểu diễn, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, từ âm nhạc, hình ảnh, ánh sáng đến trang phục và công nghệ âm thanh. Quan trọng nhất là phải phát triển kỹ thuật biểu diễn, kết hợp yếu tố truyền thống với kỹ thuật thanh nhạc hiện đại, giúp học viên có phong cách biểu diễn độc đáo, thu hút khán giả trẻ.
Ba là, tăng cường giao lưu và kết nối: Tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, tạo môi trường để học viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và biểu diễn. Phát động các dự án cộng đồng, khuyến khích học viên tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca tại địa phương.
Bốn là, ứng dụng công nghệ trong biểu diễn: Cần đầu tư hệ thống âm thanh chất lượng cao, thiết bị xử lý tín hiệu âm thanh và xử lý âm học cho không gian biểu diễn. Thực hiện truyền hình trực tiếp các buổi biểu diễn, ứng dụng các nền tảng truyền thông số để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến đông đảo khán giả.
Ngoài ra, Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo thanh nhạc. Theo đó, cần đổi mới công tác nghiên cứu khoa học gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, xây dựng cơ sở dữ liệu âm thanh, video chất lượng cao, và phát triển ứng dụng di động chuyên biệt cho luyện tập thanh nhạc.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin, và khuyến khích tham gia vào các khóa đào tạo chuyển đổi số. Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ, và các tổ chức quốc tế để tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và sinh viên.
Việc nâng cao chất lượng phương pháp biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca ba miền tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Thạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang tin tưởng có thể khơi dậy niềm đam mê dân ca trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao vị thế của âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế.

