Anh mời tôi một chén trà. Tôi rất vui được gặp anh, một nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi nhâm nhi chén trà thơm, ấm áp trong một buổi sáng dìu dịu đầu đông.
Tôi hỏi anh: Anh là nghệ sĩ thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nổi tiếng trong điện ảnh, truyền hình và sân khấu kịch nói, anh có thể chia sẻ đôi điều về những kỷ niệm đáng nhớ nhất không ạ?
Anh rất vui vẻ, rồi nói chuyện với tôi một cách cởi mở, gần gũi. Anh kể về những mẩu chuyện về Bác Hồ mà anh đã từng nghiên cứu.
Mải nghe anh nói chuyện mà tôi quên mất chưa kịp hỏi trà này hương vị gì mà sao thơm ngon tinh khiết như hương ban mai đến thế!.
Anh kể: Ngày xưa Bố anh ở thành phố Vinh, Nghệ An lấy mẹ anh là người thị trấn Yên Viên, Hà Nội. Rồi anh được sinh ra ở Thủ đô Hà Nội năm 1959. Đến khi 21 tuổi anh công tác tại Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. Anh đã từng đóng nhiều vai diễn khác nhau. Cho đến năm 1987, Đoàn dựng vở kịch "Đêm trắng" của tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Lúc đó, anh 28 tuổi, dáng gầy hao hao cao 1m70, nặng 53kg. Anh may mắn được chọn đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cố NSƯT Nhữ Đình Nguyên nói: "Tiến Hợi là một diễn viên đã toát lên thần thái thông qua từ ánh mắt, đến gương mặt rất lợi thế để đóng vai Bác Hồ, rất phù hợp với vai diễn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn của thời kỳ kháng chiến".
Đây là một vở kịch đầu tiên nói về Bác Hồ sâu đậm nhất và đi vào chi tiết nhất, so với tất cả các vở diễn khác trước đây. Với vai diễn anh đã thể hiện toát lên thần thái và tính cách rõ nét nhất của nhân vật.
Sợ anh chưa đủ tự tin, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang đọng viên:"Tiến Hợi cố gắng lên, Tiến Hợi đạt được phần hóa trang rất ổn rồi".
Nhận vai diễn, anh đến Hãng phim Tài liệu Quân đội, mượn một số phim tài liệu nói về Bác Hồ. Cử một người trực, để chiếu những thước phim tài liệu cho anh xem. Ngoài ra, anh đến Đài Tiếng nói Việt Nam, tới Viện lưu trữ để sao lục một số băng các bài phát biểu, nói chuyện của Bác Hồ. "Nghe làm sao để âm lượng chất giọng của Bác hòa vào trong mình. Tai nghe của mình thẩm thấu, để nghe được âm thanh và hình ảnh của Bác lúc nào cũng vang vọng trong tâm trí mình.".
Với hơn 2 tháng tập và để ra công diễn, vở diễn được duyệt tại Nhà Hát Lớn TP Hà Nội. Buổi duyệt có quan khách của Bộ Chính trị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và những Lãnh đạo Quân đội về dự. Hàng ghế Đại biểu có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bác Đỗ Mười, bác Vũ Kì… Buổi duyệt đầu tiên ấy đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ đối vơí khán giả. Khi hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên sân khấu, toàn bộ khán giả đứng dậy vỗ tay và không kìm được cảm xúc. Khán giả dâng trào nước mắt, họ không kìm được nước mắt. Cả hội trường sân khấu vỡ òa và vỗ tay khen thưởng rất lớn.
Tình cảm của khán giả dành cho anh dạt dào, sâu lắng. Anh diễn say sưa bằng toàn bộ khả năng trí tuệ, với tấm lòng kính trọng vô bờ đối với Bác, cộng với tình yêu say mê của người nghệ sĩ thời tuổi trẻ với vinh dự lần đầu đảm nhận vai diễn lớn về Bác Hồ.
Nghe anh kể chuyện và những gì mà tôi được biết về anh thông qua báo chí truyền thông, tôi thấy hình như anh sinh ra để được hóa thân thành vai Bác Hồ trên sân khấu.
Anh kể: Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi xem xong vở: “Đêm trắng”, lên tặng hoa cho anh. Đại tướng cười, nước mắt rưng rưng: “Cảm ơn! Cảm ơn!”. Bác Vũ Kỳ là thư ký của Bác Hồ đã vào tận phòng hóa trang ôm anh khóc, vỗ vai: “Tốt quá! Tốt quá! Cảm ơn nghệ sĩ. Cậu trẻ thế này mà thể hiện được thần thái của Bác. Tôi xem, tôi xúc động vô cùng!”.
Vợ anh nguyên là diễn viên kịch nói của Đoàn nghệ thuật QK2 Vương Đạm Thủy. Chị là người luôn theo để hóa trang cho anh trong vai diễn của vở kịch “Đêm trắng”. Mỗi lần hóa trang đến 2 giờ. Anh rất thương vợ vì hóa trang vất vả. Thành công của anh có một phần đóng góp rất lớn của người vợ.
Tôi tò mò hỏi về chuyện riêng gia đình anh chị. Anh vui vẻ trả lời: Anh có 2 người con trai. Năm 1989 khi đang đóng phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" thì vợ anh mang bầu. Qua năm 1990 là năm kỉ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, anh đặt tên con là Nguyễn Vương Thành.
Năm 1996 anh quay xong phim "Hà Nội mùa đông năm 1946", Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh; vợ anh mang bầu rồi sinh con năm 1997, đặt tên là Nguyễn Vương Nam. Đây là mốc lịch sử của gia đình: Hai cậu con trai gắn liền với 2 bộ phim truyện nhựa.
Với gần 40 năm thể hiện trong nhiều thể loại vào vai Bác Hồ, anh cho biết việc vào vai Bác Hồ vừa là vinh dự vừa là trọng trách nhưng cũng là áp lực rất lớn. Thời gian cứ dần trôi đi như thế, trôi đi trong lời kể của anh, trôi đi như hạt sương mai long lanh, tinh khiết thấm dần dần vào lòng đất mẹ. Anh đã hóa thân hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu đến phim truyền hình, điện ảnh và các chương trình sự kiện lớn của đất nước. Và rồi cái duyên đó cứ tự nhiên ngấm dần vào trong anh, hình thành một phần tính cách con người anh. Anh học được ở Bác đức tính dung dị, mộc mạc và sự chính xác trong công việc. Khi anh đi ra ngoài đường, gặp mọi người, họ cứ nói hình như anh bị “nhiễm” vai diễn của Bác Hồ hay sao mà từ dáng đi, dáng tay đưa, tác phong, giọng nói, giống Bác đến như thế.
Đối với gia đình, anh luôn nhắc nhở các con hãy sống hòa mình cùng cộng đồng và sống chân chất, trung thực, thẳng thắn. Đó là cách mà anh học được từ Bác Hồ.
Anh tâm sự: Anh rất muốn kỳ vọng có một người nào đó đến để anh “truyền nhân” lại những kinh nghiệm khi thể hiện vai Bác Hồ trong lĩnh vực nghệ thuật.
Nhâm nhi chén trà, anh tủm tỉm cười và nói: Người nghệ sĩ không có khái niệm về hưu. Khi đèn sân khấu sáng lên, khán giả vỗ tay, máy quay bấm: “ diễn “ , là anh luôn sẵn sàng.
Cảm xúc của anh, hơi thở của anh như một chàng nghệ sĩ tuổi ngoài 30 mươi. Anh chưa muốn ngắt những dòng cảm hứng đang dào dạt toả lên trong từng ánh mắt của chúng tôi nên anh nói tiếp: Anh nhớ mãi đêm biểu diễn tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khi hình tượng Bác Hồ xuất hiện trên sân khấu. Có một cụ già đứng dậy: "Xin phép Bác cho cháu phát biểu ý kiến". Khán giả yêu cầu Cụ ngồi xuống để xem, nhưng cụ không chịu và bảo vệ phải đưa cụ đi vào sau cánh gà, để mời cụ ngồi chờ nghệ sĩ diễn xong, sẽ gặp cụ.
Khi nghệ sĩ Tiến Hợi diễn xong, bước sang cánh gà, ông cụ quỳ xuống, khóc và nói: “Sao giống thế! Tôi cảm giác Bác đang hiện lên bằng da bằng thịt ở ngay trước mắt tôi".
Từ khi anh đến, cho đến khi anh đi về tôi vẫn bị choàng ngợp như đang được ngồi cạnh Bác Hồ. Giọng nói trầm ấm, thần thái toát lên, đặc biệt là ánh mắt sáng, đầy tự hào kiêu hãnh của anh. Dáng anh đi hay như Bác đang về, cứ cuốn tôi theo chăm chú, kính phục, không chớp mắt. Anh về lúc nào tôi không hay. Tên loại trà anh mời là gì tôi cũng chưa kịp hỏi. Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi vô cùng kính mến của chúng ta là vậy đấy! Anh không lẫn vào đâu dù có chen lẫn xô đẩy trong dòng người hối hả sắp bước sang năm mới.
Kìa xuân Canh Tý đang về
Chợt nghe anh diễn say mê đất trời!
Tác giả Chu Thị Hảo