Người cho em mùa Xuân

chuyejn-qu1d-1637199210.jpg 

 

Thấy nó buồn bã, đau khổ, thầy bảo “Thầy biết rõ mọi chuyện em ạ! Mỗi người ai chẳng có một lần vấp ngã, quan trọng là phải biết sức mình và biết đứng dậy từ chỗ vấp ngã đó”.

Bọn trẻ gọi nó là Đen, “đen như cột nhà cháy". Đen suốt ngày phơi mình dưới nắng chăn trâu thuê nên da không bị đen mới là lạ. Gọi riết thành tên “cúng cơm". Vậy mà thằng Đen không thấy tức bọn trẻ, ngược lại, mỗi khi có ai gọi “Đen, làm giùm cái này coi", “Đen đi chăn trâu về muộn thế", “Sao trán Đen bị sưng thế kia?"... là nó cười tít cả mắt, tay làm, miệng trả lời trôi chảy.

Thằng Đen mồ côi cha từ nhỏ, khi vừa được 3 tháng tuổi. Nhiều lúc, mắt nó đỏ hoe khi nhìn thấy bạn bè được cha ru ngủ, được dắt đi những bước chập chững đầu tiên, được kiệu ở trên vai, được cha giả làm ngựa chạy nhong nhong khắp nhà, được chở đi chơi, được cha mắng, được cha đánh đòn.

Hiểu gia cảnh nghèo rớt mồng tơi của mình, thằng Đen không muốn đi học. Nó muốn ở nhà phụ giúp mẹ làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập, chứ mẹ nó cũng yếu lắm. Mẹ nó khóc, bảo “Con là niềm hy vọng của đời mẹ. Con biết đấy, mù chữ, thất học, cuộc sống khổ cực như thế nào”.

Chẳng có tiền dóng học phí ở lớp chính quy, lại lớn tuổi, nó học lớp phổ cập ban đêm tại trường tiểu học Vĩnh Điều. Ngày đầu tiên đến lớp, nó run, hồi hộp, cứ thập thò ngoài cửa không dám vào. Mẹ nó phải dẫn vào bàn ngồi, rồi ngồi ở ghế đá hành lang trường đợi tan học đón về. Được vài buổi, nó vùng vằng đòi nghi học vì “học không vô” và “lớn tồng ngồng rồi mà phải ngồi học với bọn con nít".

Mẹ nó biết không phải vì nó “học không vô” mà đòi nghỉ học, nó đòi nghỉ học vì bị “quê” vì lớn tồng ngồng rồi, chơi với bọn con nít nhỏ tuổi không hợp, chứ nó thích được đi học lắm, bởi đôi lần mẹ nó bị mắng vốn khi nó chăn trâu thuê để trâu ăn lúa của người ta vì mải nhòm vào lớp học mà quên mất mình đang chăn trâu, đôi lúc nó nhìn bọn trẻ cùng trang lứa khăn quàng đỏ thắm trên vai tung tăng tới trường với cặp mắt thẫn thờ. Vì thế, tối nào mẹ cũng phải ngọt nhạt động viên, đưa đón nó đi học, không dám buông lơi.

***

Nó sững sờ, trời đất như đổ sụp dưới chân khi nhận được giấy báo điểm. Trước đây nó tự hào bao nhiêu, giờ thì xấu hồ với mọi người bấy nhiêu. Nó thẫn thờ, ủ rũ, mất phương hướng, chẳng thiết ăn uống gì, suốt ngày nằm bẹp trên giường. Chán, liền mò đến trường gặm nhấm kỉ niệm xưa để khuây khỏa nỗi lòng, nhưng có khuây khỏa được đâu. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, bờ vai rung rung. Nó khóc. Giờ này, bạn bè nó đang háo hức chuẩn bị hành trang vào giảng đường thì nó lại ngồi ở đây trơ trọi một mình. Nó cảm thấy mình cô đơn, bất tài, không làm được trò chống gì. Bất chợt, có một bàn tay đặt vào vai khiến nó giật mình. Thì ra đó là thầy Trương Thanh Hiệp - người dạy môn Toán và là giáo viên chủ nhiệm suốt ba năm cấp ba. Đến nhà tìm nó, không gặp, thầy lo lắm, không biết nó có mệnh hệ gì không, liệu nó có vì bị thi trượt mà làm điều dại dột không? Thầy hỏi thăm, tìm kiếm khắp nơi. Thầy nghĩ, có lẽ nó ở trường nên tìm đến.

Đúng như dự đoán của thầy. Thấy nó buồn bã, đau khổ, thầy bảo “Thầy biết rõ mọi chuyện em ạ! Mỗi người ai chẳng có một lần vấp ngã, quan trọng là phải biết sức mình và biết đứng dậy từ chỗ vấp ngã đó”. Nó sững sờ, bởi vì có người coi thường, có người xa lánh nó, vậy mà thầy lại đến bên nó vào đúng thời điểm nó đang bi ai, chán nản cuộc đời của mình. “Em biết làm sao bây giờ? em đang bế tắc, không biết chọn con đường nào cho tương lai?" - nó thẽ thọt. Theo thầy em có thể thi hoặc đăng kí vào một trường ở trong tỉnh mình với một nghề nào mà em thích, rồi sau đó nếu có điều kiện sẽ đi học thêm, lên cao hơn”.

Nó đến nhà thầy chơi. Thầy đã chia sẻ, động viên, tư vấn những vấn đề về chọn nghề, chọn trường, việc làm, ôn kiến thức 3 năm học cấp 3, ôn thi Cao đẳng, Đại học đợi mùa thi sau. Công việc của thầy cứ bận rộn suốt ngày với chuyện trường, lớp, công đoàn, thanh tra, ôn thi học sinh giỏi, chủ nhiệm lớp, chuyện nhà chuyện cửa nhưng thầy vẫn dành thời gian miệt mài ôn bài cho nó.

Mỗi lần nó đến, thầy vui lắm, rót nước “Em thấy đỡ chưa? chuyện của em nhưng thầy cũng đắn đo mãi. Hay là em học Nông nghiệp được không? Thầy thấy Nông nghiệp cũng phù hợp ở quê mình”. Ý thầy cũng đúng, Giang Thành là huyện biên giới tập trung nhiều đồng bào dân tộc, đặc biệt dân tộc Khmer, đất nông nghiệp không được phì nhiêu, năng suất lúa không cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chậm, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.... Làm kĩ sư nông nghiệp sẽ có điều kiện giúp bà con nông dân có biện pháp cải tạo ruộng đồng, thay đổi tập quán canh tác, cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sàn xuất như ba giảm ba tăng, bốn đúng, trồng lúa giảm khí thải nhà kính, mô hình lúa - tôm, xen canh... để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống.

Nhưng, nhà mình thì nghèo, mẹ đau ốm luôn, lấy tiền đâu ăn học mấy năm đại học. “Em muốn đi làm thầy ạ!”. Nó lí nhí. “ Đi làm à?...” thầy ngạc nhiên. Bất chợt thầy nắm bàn tay chai sạn của những tháng ngày làm thuê, làm mướn ân cần hỏi han khiến nó bất ngờ, ngạc nhiên lắm. Sao thầy lại biết rõ mồn một “nội tình" như thế! Quả thật, nó vừa đi học vừa đi làm thuê cho nhiều nhà trong xóm như trông em, dặm lúa, gặt lúa, vác lúa, phụ hồ...

Thầy lại nói “Hay là em học ngành y”, nó giãy nảy "Không thầy ạ! Em sẽ té xỉu trước mặt bệnh nhân khi thấy có vết máu”, “Vậy thì không được rồi!”, thầy trầm ngâm “hay là em học sư phạm. Thầy thấy nghề này thanh cao lắm!”. Nó phân vân, đầu óc đan xen bao ý nghĩ chồng chéo nhau.

Trò chuyện với thầy, nó mới vỡ ra nhiều điều không có trong sách vở, những vấn đề hiện tại của cuộc sống, năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai. Nó nhận ra rằng con đường đến tương lai thật là khó. Nếu không có người định hướng, tư vấn thì người học sinh sẽ như con tàu chệch khỏi đường ray, có thể đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà mình không biết, chỉ biết than thân trách phận, đổ cho “số mình nó vậy”.

Nó khăn gói lên đường nhập học Trường Cao đẳng Sư Phạm Kiên Giang, học khối c, khoa Văn. Mấy tuần đầu xa nhà, xa quê, nhớ mọi thứ. Đây là lần đầu tiên nó vượt ra khỏi lũy tre làng lên tỉnh, mọi thứ đều ngỡ ngàng, xa lạ đối với nó. Nó đăng kí ở kí túc xá nhà trường để đỡ tốn tiền thuê nhà, đi học cho thuận tiện. Thỉnh thoảng nó nhận được thư của thầy, nhưng không hiểu trong mỗi lá thư đều có chung một điểm: “em cố gắng học, nếu thầy không khoẻ thì đừng về”. Tại sao thế! dụng ý lời nhắc nhở của thầy là gì khiến nó suy nghĩ mãi! Điều ấy, sau này nó mới hiểu: sợ cậu học trò chân quê lên tỉnh học, gặp khó rồi bỏ học về quê không?” Sự quan tâm cùa thầy là thế đó!

Sau khi tốt nghiệp, ra trường, nó trở thành giáo viên dạy Văn cấp 2. Hạnh phúc biết bao khi nó trở thành đồng nghiệp của thầy. Những bài giảng đầu tiên, những trang giáo án đầu đời, những phương pháp giảng dạy như vấn dáp, gợi mở, quy nạp, thuyết trình, tích hợp liên môn, tư thế đi đứng, ngồi, viết bàng, giảng bài, nắm bắt tâm lí học sinh, hoàn cảnh gia đình các em học sinh, ứng xử sư phạm....đều được thầy đem hết kinh nghiệm đúc kết của gần 40 năm làm nghề dạy học truyền đạt lại cho đứa học trò thân yêu, nhiều thiệt thòi này. Thật mừng, sau hai năm giảng dạy, nó trở thành giáo viện dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở, được Ủy ban nhân dận huyện tặng giấy khen, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen.

Trong sự nghiệp giáo dục của mình, nó đã không ngừng học hỏi, phấn đấu và đã đạt được những thành tích cao trong sự nghiệp như giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhà giáo ưu tú. Những phần thưởng cao quý ấy nó dành tặng thầy. Bởi vì, không có người gieo mầm thì làm sao có cây, có lá, có bông, có trái. Mỗi lần trên trường về, nó đều ghé thăm thầy, thắp nén nhang cho người thầy đáng kính đã mở đường cho nó ngày nào, đã tạo nên động lực mạnh mẽ để nó tiến bước đến thành công.

Đứng trước vong linh người thầy quá cố, nó thầm thì "Thầy chính là người đã cho em mùa Xuân, em nguyện dâng hiến cuộc đời mình, nối tiếp thầy làm người mở đường cho các em học sinh thân yêu.

TIỄN BIỆT THẦY -Nhạc: Phạm Việt Long, Thơ: Nguyễn Đặng Hà Anh, Hát: Hiền Anh