Người già cần gì?

Hàng ngày trên đoạn đường không dài lắm người ta thấy một bà cụ khoảng gần 90 tuổi quảy đôi quang gánh lúc mấy mớ rau ngót, khi thì vài nải chuối, hoặc vài mớ rau ngải.

quang-ganh-1653619461.jpgĐôi quang gánh của cụ

Thấy cụ bán rau có người mua rau của cụ vì cụ cũng như những người bán rau khác. Cũng có người mua rau của cụ để cụ bán chóng hết. Có người mua rau của cụ vì tình cảm dành cho người già. Cụ quảy đôi quang gánh đến chỗ đông người như nơi có hàng quán thì cụ ngồi nghỉ và bán rau.

Cụ đi dọc con đường không dài lắm, vừa đi vừa nghỉ, gần đến trưa là bán hết rau vì cụ không có nhiều rau. Đối với người khác thì việc bán rau của cụ như đi bộ buổi sáng hay thư giãn nhưng với cụ thì đó là niềm vui. Niềm vui làm việc, vun trồng tắm tưới những luống rau từ mấy chục năm nay, cụ quen rồi. Rau đến lứa thì cụ thu hái đem bán và có tiền. Có câu “tiền không là gì, nhưng rất cần có tiền”. Hàng ngày cụ ra khỏi nhà là có tiền, tuy không nhiều nhưng có thể mua gì cụ cần và…để dành.

Cụ sống cô đơn?

Cụ ông đã mất. Cụ có người con gái lớn đã có gia đình. Cụ ở trong căn nhà mà hai cụ dựng đã mấy chục năm nay. Hàng ngày cụ chăm bón vườn rau, thu dọn nhà cửa. Cuộc sống như vậy là vui. Gia đình con rể, con gái cụ cách nhà cụ hơn một cây số. Thấy mẹ vườn tược vất vả lại còn phải đi bán rau, cô con gái nói với mẹ: “Mẹ không phải trồng rau bán rau nữa.”

Mẹ bảo:

- Mày kệ tao, tao làm quen rồi, không làm không chịu được.

Vợ chồng con rể, con gái có ý đón cụ ra ở cùng. Cụ bảo:

- Không! Nhà tao, tao ở.

Với cụ lời nói đơn giản, mộc mạc, chân quê. Đi bán rau lúc nghỉ gặp người quen, cụ kể lại câu chuyện rồi thêm “nhà bố mẹ là nhà của con, nhà của con không phải là nhà bố mẹ”. Thật rõ ràng và từng trải.

Con gái cụ không muốn cụ bán rau vì có người nói đến tai chị: “Vợ chồng anh chị giàu có mà để mẹ chị hàng ngày phải đi bán rau không sợ người ta nói cho à.”. Nhưng họ có biết đâu cụ không muốn sống dựa vào con cái. Có lần chị gặp mẹ bán còn một nải chuối, chị bảo mẹ bán nốt cho con, mẹ chị nói: “Mày cầm về cho các cháu”. Chị trả tiền, mẹ không nhận, chị cứ trả, đưa cho mẹ 20 nghìn, mẹ chị trả lại chị 10 nghìn, chị không nhận. Cứ thế, cuối cùng chị nhận lại của mẹ 10 nghìn. Cuộc mua bán rất “sòng phẳng” nặng tình mẹ con. Anh chị thấy rằng cần tôn trọng suy nghĩ của mẹ, việc làm của mẹ, sự tự do của mẹ. Thỉnh thoảng anh chị biếu mẹ vài ba trăm nghìn, cụ nhận; Dịp lễ tết anh chị phong bì mừng tuổi mẹ 500, một triệu, cụ nhận. Ai đó nói với cụ: Con cháu cho nhiều ít đều nhận.

Thỉnh thoảng chị mua thức ăn khi thì gửi vào, lúc thì sai con mang vào hoặc chị đưa vào cho mẹ. Thỉnh thoảng anh chị sắp xếp cả nhà vào làm cơm ăn cùng mẹ, hoặc mời mẹ ra nhà anh chị ăn cùng các con, các cháu. Nhiều khi anh chị cho cháu vào nấu và ăn cùng bà.

Cụ sống một mình mà không cô đơn vì con cháu luôn bên cạnh, mà cụ lại tự do vì cụ ở nhà của cụ.

….

Hàng ngày vẫn trên đoạn đường không dài lắm người ta thấy một bà cụ khoảng gần 90 tuổi quảy đôi quang gánh lúc mấy mớ rau ngót, khi thì vài nải chuối, hoặc vài mớ rau ngải…

~~~~~~~~~~~

P/S: Vừa rồi cụ mắc covid-19, cụ đã khỏi. Dạo này không thấy cụ đi bán rau.

Chuyện Làng Quê