Say với nghề cha ông
Căn nhà nhỏ cấp 4 ven sông Hồng bên làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), được nghệ nhân Phạm Đạt chọn làm phòng làm việc cho mình. Vẻ bề ngoài đơn sơ của căn nhà với mái ngói sậm màu thời gian, lớp tường quét vôi đã bị bong tróc nhiều, nhưng với Phạm Đạt, nơi ấy lại tiếp sức cho anh trong nghiên cứu, phục chế, gìn giữ và phát triển dòng men rạn cổ của Bát Tràng. Chỉ về phía tủ kính, nơi trưng bày nhiều sản phẩm gốm men rạn cổ, Phạm Đạt nói, đó là những giá trị tinh thần lớn của mình trong mỗi ngày làm việc.
Sinh năm 1976, nhưng đến nay anh đã có gần 30 năm gắn bó với nghề làm gốm. Anh kể, là hậu duệ đời thứ 3 của cố Nghệ nhân Phạm Văn Huỳnh (cụ Cửu Huỳnh) nên ngay từ nhỏ anh đã theo cha, ông làm nghề gốm.
"Mỗi gia đình, dòng tộc tại làng gốm cổ Bát Tràng lại có một công thức, bí quyết pha chế với các nguyên liệu, tỷ lệ khác nhau để tạo ra những bài men độc đáo của riêng mình. Những dòng men nổi tiếng làm nên tên tuổi của sản phẩm gốm Bát Tràng là men lam, men nâu, men trắng (ngà), men ngọc. Trong số đó, dòng men nổi tiếng nhất góp phần làm nên “thương hiệu” gốm Bát Tràng mà các nghệ nhân của làng cổ Bát Tràng xưa tạo ra là men rạn. Đây là một loại men độc đáo có được nhờ sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men gốm" - Nghệ nhân Phạm Đạt chia sẻ.
Sự độc đáo của dòng men này được thể hiện rõ qua các tài liệu, thư tịch nghiên cứu về gốm men cổ ở Việt Nam xác nhận sản phẩm gốm men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỷ XVI và kéo dài tới đầu thế kỷ XX chứ không xuất hiện tại bất kỳ làng nghề làm gốm nào khác trong và ngoài nước. Các bức tượng nghê, tượng hổ, lư hương, đỉnh gốm men rạn Bát Tràng do nghệ nhân làng gốm Bát Tràng làm từ thế kỷ XVI - XVII được tìm thấy thể hiện tay nghề và tinh hoa của những nghệ nhân nghề làm gốm đất Việt.
"Nổi tiếng là thế nhưng công thức pha chế dòng men này chỉ lưu truyền trong một số gia tộc và do những nghệ nhân giỏi nhất của làng nghề Bát Tràng nắm giữ. Tới khoảng cuối thế kỷ XIX, công thức pha chế dòng men rạn này bất ngờ mai một và bị thất truyền" - Nghệ nhân Phạm Đạt nói thêm.
Hồi sinh dòng men cổ
Bên chén trà mạn, rít sâu hơi thuốc, Nghệ nhân Phạm Đạt tâm sự, dòng men rạn mới được phục hồi và phát triển khoảng gần chục năm trở lại đây. Mặc dù luôn đau đáu hồi sinh lại tinh hoa của dòng họ nhưng do thực lực chưa có nên người nghệ nhân tuổi Bính Thìn này đã phải trải qua rất nhiều nghề. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Phạm Đạt đã theo chị gái vào một số tỉnh phía Nam buôn bán, kinh doanh các sản phẩm gốm. Sau đó, lò gốm của Phạm Đạt nhận sản xuất sản phẩm cho một công ty của Nhật Bản. Đối tác đưa mẫu mã tới, cơ sở sản xuất theo yêu cầu, nói chung, lợi nhuận cũng có nhưng với người nghệ nhân, đó không phải là sản phẩm của mình. Làm vài năm, khi đã có lưng vốn, Phạm Đạt mới quyết định nghiên cứu để làm hồi sinh dòng gốm cổ của cha ông.
Nghệ nhân Phạm Đạt kể, điều quan trọng đầu tiên để hình thành nên các lò gốm là nguồn đất sét. Ở Bát Tràng, nguồn đất sét trắng đã cạn kiệt từ lâu, nên trong những lần đi buôn than, ngược xuôi Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) anh đã tiếp cận và tìm được nguồn nguyên liệu, rồi nghiên cứu. Nghệ nhân Phạm Đạt cho biết, quá trình tạo men rạn khá công phu, phức tạp.
Đầu tiên, phải biết cách kết hợp đặc tính của xương gốm, da gốm sao cho hoàn hảo nhất. Công đoạn trộn đất, sử dụng đất sét xanh, cát già và giả đất (là bã khi lọc men) để làm xương gốm cũng phức tạp và phải theo một tỷ lệ nhất định. Men rạn được chế từ tro trấu, hoặc tro củi quế. Sau khi tạo hình và tráng men, vật phẩm được nung trong lò ở nhiệt độ cao, thường là 1.000 độ C. Với nhiệt độ cao như thế sẽ giúp xương gốm đủ chín, men đủ chảy nhưng vẫn còn những khe hở tạo nên những vết rạn.
Phạm Đạt nhớ lại: "Những ngày đầu hỏng nhiều lắm. Khi đó, các lò gốm vẫn sử dụng than đá không dùng lò gas như bây giờ nên việc điều chỉnh nhiệt độ để tạo ra sản phẩm ưng ý mình không dễ. Bởi vậy, khi thành công từng sản phẩm, tôi lại mày mò tỷ lệ trộn đất, rồi tăng nhiệt độ lò lên để gốm khi ra lò đanh, gõ vào kêu "cong cong" lại có tiếng ngân vang, men rạn đều. Từng bước một cho đến khi thành công". Đến nay, sử dụng nhiên liệu là gas, lò gốm của Nghệ nhân Phạm Đạt đã đạt đến nhiệt độ 1.200 độ C, điều mà ít lò gốm nào có được nhưng vẫn cho ra sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Sau khi phục chế thành công dòng men trứ danh của cha ông, dòng men rạn được Phạm Đạt cùng các nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng đưa lên tầm cao mới khi nghiên cứu tư liệu, sách cổ để mỗi một chi tiết trên từng sản phẩm đều được tạo hình thủ công với kỹ thuật tạo khuôn, đắp nổi, khắc chìm, tráng men rạn. Do sự khác nhau giữa thành phần men, xương gốm nên độ đông đặc và kết dính của mỗi chất không giống nhau. Cũng nhờ vậy mà người nghệ nhân Bát Tràng đã tận dụng để tạo ra loại gốm men rạn độc đáo.
Đến nay, sau gần chục năm phát triển, lò gốm Phạm Đạt có quy mô khoảng 3.000m2 với gần 400 thợ thủ công. Mỗi năm cơ sở sản xuất và chế tác ra hàng ngàn mẫu mã sản phẩm tâm linh men rạn cao cấp. Kế thừa truyền thống gia đình, Nghệ nhân Phạm Đạt luôn tiếp nhận những người có cùng đam mê nghề gốm tại các tỉnh, thành phố bạn về học nghề miễn phí, được hỗ trợ ăn ở, phụ cấp hằng tháng. Sau khi ra nghề mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng, hoặc tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.
Với những đóng góp của mình, Nghệ nhân Phạm Đạt đã được nhận nhiều danh hiệu như “Nghệ nhân Hà Nội” do UBND TP Hà Nội trao tặng, danh hiệu “Cúp Bàn tay Vàng” của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, danh hiệu “Tinh hoa văn hóa Việt” của UBND TP Huế... Kết thúc năm 2017, doanh thu của Gốm tâm linh Gia tộc Việt của Nghệ nhân Phạm Đạt đã đạt con số khá ấn tượng khoảng 100 tỷ đồng. Nghệ nhân Phạm Đạt cho biết, anh vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển dòng men rạn của cha ông.
Người "giữ hồn" dòng gốm men rạn cổ
20/08/2023