Dưới đây là niềm cảm mến sâu sắc và trân trọng của bản thân tôi đối với ông. Đó là lần Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi, Đại đội trưởng 53 trinh sát của Trung đoàn 113 Đặc công tổ chức lực lượng vào điều nghiên trong tổng kho Long Bình để chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Vào ra các đồn bót của địch đối với cánh lính chúng tôi, là chuyện thường tình. Có điều, đột nhập một căn cứ với tầm cỡ quy mô như Long Bình thì đây là lần đầu. Phải thừa nhận là rất khó và nguy hiểm nhưng phải thực hiện cho kỳ được.
Mở đầu giao nhiệm vụ, ông khêu gợi: - Sơn này, Trung đoàn ta vừa mới thành lập, tới đây thể nào chúng ta cũng sẽ mở ra những trận đánh quy mô lớn, đạt hiệu suất cao. Đây không phải ý muốn chủ quan của Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn mà nó đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong tình thế mới, cục diện mới có lợi cho ta. Là cấp trung đoàn, sau này chắc chắn sẽ hình thành nhà truyền thống, trưng bày những hình ảnh, hiện vật thành tích chiến đấu, xây dựng qua các thời kỳ. Đây là hình thức giáo dục sinh động cho các thế hệ. Điều này không phải tới khi kết thúc chiến tranh mới nghĩ đến, như thế là đã muộn, mà ta phải nghĩ ngay từ bây giờ, Sơn ạ. Vì vậy những ngày sắp tới, Sơn tổ chức anh em vào kho trinh sát phải có ý thức về công việc này. Để khi thực hành chiến đấu lúc trở ra mỗi người phải mang theo được vật chứng. Vật chứng ấy có thể là cái nắp nhựa đạn pháo, chiếc nhãn quả bom, hay một ống thuốc mồi,... rất nhẹ nhàng, không tốn bao nhiêu sức lực, thời gian, vướng bận khi hành tiến nhưng có ý nghĩa. Bởi nó là bằng chứng cho những trận đánh sâu, đánh hiểm của đặc công trong hang ổ giặc không dễ gì có được. Tôi rất phấn khởi khi nhận ra ý tường nhìn xa trông rộng của người chỉ huy cấp trên trực tiếp mình.
Tham gia đánh vào tổng kho Long Bình, đại đội trinh sát 53 gồm 10 người. Trước lúc xuất phát, tôi truyền đạt để ai nấy quán triệt nội dung này, coi đây là chỉ tiêu phải phấn đấu. Tôi còn nói rõ: ai gỡ được cái gì đem theo cái đó, ngay bản thân tôi cũng mang về mấy ống thuốc mồi của đạn pháo. Trận đánh thành công rất xuất sắc, các vật chứng giao nộp đầy đủ cho thủ trưởng, ông ngắm nghía những cái thứ “bỏ đi không ai nhặt ấy” lấy làm đắc chí và mỉm cười mãn nguyện lắm, rồi thốt lên một câu: bao nhiêu công lao, mồ hôi và cả máu mới có đấy chứ!
Là một đại đội trưởng trinh sát được anh em quý mến về ý chí quyết tâm trong suốt cả quá trình chiến đấu, kể cả những lúc gay go ác liệt nhất, tôi càng
thêm cảm phục tác phong chỉ huy tỉ mỉ đến từng chi tiết của ông. Và đối chiếu lại nội dung báo cáo qua những lần trinh sát, kết quả chủng loại bom đạn phá huỷ theo sự thừa nhận của đối phương cùng với nhãn mác đem về là một thể hoàn chỉnh, trùng khớp như niềm tin của cấp trên đối với cấp dưới vậy. Lực lượng trực tiếp tác chiến bên trong có 36 người. Đại đội anh Tư Già 20 đồng chí; đại đội trinh sát 53 có 10 anh em. Ngay tối hôm ấy (14-8-1972 ) đài BBC đưa tin: “Phân khu 53 tổng kho Long Bình bị quân cảm tử đặc công Việt cộng luồn sâu đặt mìn, phá huỷ trên 6.000 tấn bom đạn. Trên thực tế vượt rất xa khối lượng mà đối phương thừa nhận. Trong trận ấy, Trần Xuân Thưởng khi lui quân lạc đường bị địch bắt ở cầu Sông Buông ngoài căn cứ, được trao trả tại huyện Lộc Ninh tháng 3 năm 1973. Sau ngày đất nước thống nhất, mồng 3 tháng 6 năm 1976, tôi vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và người Trung đoàn trưởng quý mến của chúng tôi - trung tá Nguyễn Thanh Tùng cũng vinh dự nhận danh hiệu cao quý ấy ngày 6 tháng 11 năm 1978. Trong thành tích khiêm nhường của mình, tôi luôn luôn tâm niệm trước hết là do tập thể xây đắp, trong đó có phần đáng kể sự rèn luyện trực tiếp của người thủ trưởng quý mến của mình. Ông hiện là thiếu tướng, đã nghỉ hưu,tại tỉnh Đồng Nai
Trái tim người lính/ Theo BLL Đoàn Đặc Công 13 & BHĐN.do Thành Đô (St- Tổng hợp)