Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm số đông. Vì thế, đời sống văn hóa tinh thần của thành phố thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa Thái, với những câu hát, điệu múa điệu xòe, các trò chơi dân gian độc đáo và nền ẩm thực đa dạng, phong phú… Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nét văn hóa của đồng bào Thái đang có nguy cơ mai một nếu không có những giải pháp gìn giữ, bảo tồn.
Nguy cơ mai một tiếng nói chữ viết, trang phục
“Thế hệ chúng tôi còn được ăn ngủ nghỉ ở nhà sàn. Đến giờ, những nhà sàn ngày càng mai một đi. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối vì nhà sàn gắn liền với nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái”, anh Lò Minh Dương, ở bản Cá, phường Chiềng An, thành phố Sơn La chia sẻ. Quả đúng vậy, điều dễ dàng nhận thấy khi đến nhiều bản đồng bào Thái ở thành phố Sơn La bây giờ là sự thay đổi cấu trúc bản làng xưa, với sự vắng bóng những ngôi nhà sàn truyền thống, mà thay vào đó là kiến trúc bản trong phố, phố trong bản, với những ngôi nhà xây, nhà ống kiên cố san sát giống nhau.
Đơn cử như ở bản Bó, phường Chiềng An. Bản có hơn 300 hộ thì giờ chỉ còn gần chục hộ ở nhà sàn. Tương tự, cả bản Cá, cũng ở phường Chiềng An giờ chỉ còn độc nhất một ngôi nhà sàn. Hay như ở Bản Lầu, phường Chiềng Lề, cũng với gần 300 hộ phần lớn đồng bào Thái sinh sống, nhưng giờ không còn hộ dân nào ở nhà sàn, mà phần lớn đều xây nhà ống, cao tầng, nhà sát nhà, lối sát lối như phố thị miền xuôi. Theo trưởng bản Lầu Tòng Ngọc Hoa: Nguyên nhân chính là do tốc độ phát triển đô thị, quỹ đất thu hẹp, bà con cũng phải làm nhà ở cho phù hợp và tiện lợi cho sinh hoạt hằng ngày. Mặt khác, những nếp nhà sàn trước đây đã xuống cấp, muốn làm nhà sàn thay thế cần phải có nhiều gỗ, trong khi bây giờ gỗ không còn nhiều và không được phép khai thác.
Nguy cơ mai một tiếng nói chữ viết, trang phục của dân tộc cũng làm không ít người dân, trong đó có đồng bào Thái ở thành phố Sơn La băn khoăn.
Như trang phục dân tộc Thái với váy, áo cóm, khăn piêu (ở nữ) và áo thổ cẩm nhuộm chàm và khăn quấn đầu (ở nam) đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng bây giờ chỉ được chị em phụ nữ Thái duy trì là chính, còn đàn ông và thanh, thiếu niên ở nhiều bản Thái hầu như không mặc trang phục dân tộc mình.
“Trang phục dân tộc, quần áo của đàn ông người Thái gần như không sử dụng, không mặc đến nữa. Chỉ có sử dụng những lúc cần thiết và chỉ chị em phụ nữ thôi”, ông Lù Tiến Quân, ở bản Bó đã chia sẻ như vậy.
Tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cũng trong tình trạng tương tự khi hiện nay nhiều người Thái trên địa bàn thành phố Sơn La ở các lứa tuổi không biết viết chữ Thái. Thế hệ trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh dân tộc Thái từ cấp II trở xuống nhiều em không nói được tiếng mẹ đẻ. Em Quàng Thị Tố Nga, dân tộc Thái, học sinh lớp 8, trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: Em và nhiều bạn cùng trang lứa không biết viết chữ Thái và không nói được tiếng Thái do không được ông bà, cha mẹ dạy lại. “Con và nhiều bạn trong bản không biết nói tiếng Thái vì chúng con toàn nói tiếng phổ thông. Bố mẹ chúng con cũng nói tiếng phổ thông”, em Nga nói.
Làm gì để xây dựng thành phố Sơn La đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc?
Tháng 8/2020, thành ủy Sơn La đã xây dựng đề án về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố Sơn La mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025. Việc triển khai thực hiện đề án với sự đồng thuận của chính quyền cơ sở và nhân dân được xem là một trong những việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX vào cuộc sống, góp phần gìn giữ,phát huy những nét văn hóa truyền thống dân tộc đang có nguy cơ mai một.
Cứ đều đặn vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các thanh viên của câu lạc bộ “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Thái” ở bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La lại tập trung về nhà văn hóa bản để cùng nhau tập các bài múa xoè cổ, các làn điệu dân ca Thái.
Chị Lò Xuân Hưởng, chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Thái bản Hìn cho biết: Thực hiện đề án của thành phố về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc, từ tháng 10/2020 câu lạc bộ được thành lập, với sự tham gia của 85 hội viên là những người đam mê, yêu thích văn hoá văn nghệ các lứa tuổi trong bản. Ngoài phục dựng lại 7 bài múa xoè cổ của đồng bào Thái Sơn La, câu lạc bộ cũng giành nhiều thời gian luyện tập các làn điệu dân ca Thái, mời thầy đến truyền dạy chữ Thái cho hội viên và bà con dân bản.
Homstay Tiến Quân - một cơ sở lưu trú cộng đồng ở bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La giờ đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh khi đến tham quan, du lịch thành phố Sơn La. Ngoài khu lưu trú là 2 nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái có các phòng buồng riêng biệt và cộng đồng, ẩm thực, văn hóa văn nghệ được phục vụ ở đây đều mang đậm chất văn hóa Thái.
Ông Lù Tiến Quân, chủ cơ sở homstay này vốn cũng là một người con của đồng bào Thái chia sẻ lý do để ông và gia đình mạnh dạn đầu tư homstay này xuất phát từ mong muốn giới thiệu với du khách về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình và tạo công ăn việc làm cho chính bà con dân bản.
Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa bản Hìn và homstay Tiến Quân là hai trong rất nhiều phần việc cụ thể được chính quyền và mỗi cá nhân ở thành phố Sơn La đang nỗ lực triển khai để lưu giữ, bảo tồn được những nét văn hóa đang có nguy cơ mai một.
Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, hiện nay, ngoài duy trì lễ hội “Mùa hoa ban”, “Hội xuân dâng Bác”, liên hoan văn nghệ quần chúng hàng năm trong điều kiện không có dịch bệnh Covid-19, thành phố đã phát động mặc trang phục dân tộc đến công sở, đến trường học đối với cán bộ, công chức, viên chức, thầy cô giáo và học sinh các nhà trường được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, thầy cô giáo và học sinh hưởng ứng vào ngày thứ 2 hàng tuần. Thành phố cũng hỗ trợ được 7 hộ gia đình ở các bản xây dựng các cơ sở du lịch cộng đồng vừa đón du khách đến tham quan, ngủ nghỉ, vừa trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc Thái. Việc duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa và 180 đội văn nghệ quần chúng ở các tổ, bản đã thực sự là nòng cốt để truyền bá, phổ biến các làn điệu dân ca, các điệu xòe Thái cổ trong nhân dân.
Bên cạnh đó, nhiều bản đang vận động các gia đình thường xuyên giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ khi ở nhà. Một số cá nhân, dòng họ cũng tự nguyện mở lớp truyền dạy tiếng chữ dân tộc miễn phí cho bà con. Nhiều hộ gia đình đồng bào Thái mạnh dạn phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm, chế biến các sản phẩm thịt khô, các sản phẩm quà tặng du lịch phục vụ nhu cầu của du khách.
Ông Tòng Ngọc Hoa, Trưởng bản Lầu-một bản có nghề chế biến các sản phẩm thịt khô của đồng bào Thái chia sẻ: “Chương trình Ocop mỗi xã một sản phẩm của tỉnh, bản chúng tôi cũng tham gia được 2 sản phẩm là thịt trâu gác bếp và lạp sườn. Và 2 sản phẩm này cũng đã được công nhận đạt 3 sao sản phẩm Ocop tỉnh Sơn La”.
Đề án về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố Sơn La mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 đã xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của thành phố. Trong đó, phấn đấu thành lập được 11 câu lạc bộ văn hóa Thái và duy trì hoạt động thường xuyên của 100% các đội văn nghệ bản làm nòng cốt trong việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường thành phố văn minh, thân thiện, mến khách, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Ông Trần Công Chính, phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng tại các bản. Thứ 2, thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, trước mắt các xã, phương có bản dân tộc Thái thí điểm tổ chức một câu lạc bộ. Thứ 3, tập trung xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa”.
Để xây dựng thành phố Sơn La đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc, sẽ còn rất nhiều việc phải làm với sự tâm huyết, đồng lòng của chính quyền các cấp và mỗi người dân./.