Nhà báo Vũ Trung Hương - "Người đầu bếp" tài ba

Thường gặp nhau trên Dòng thời gian ”Phây búc“ .. . Bài viết của mình, trong văn cảnh đôi khi tôi muốn lẩy câu Kiều. Nghề báo dạy tôi “không nên tin vào trí nhớ của mình“, có nghĩa viết lách phải thật chính xác … Những lúc ấy, tôi thường nhờ vả anh . Tôi cứ hay gọi anh - “ Nhà KIỀU học “ !

ch-vu-tr-hg-1633508152.jpgTrò chuyên với Vũ Trung Hương (bên trái) về công việc "bếp núc" ở Tòa soạn Tuần tin KHOA HỌC& CÔNG NGHỆ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một hôm, anh “ Nhắn tin“ hỏi số nhà tôi: ” Hằng tuần em có công chuyện ở Nguyễn Ngọc Nại gần Vương Thừa Vũ nhà bác, em sẽ đến bác !“ . Thế rồi dịch họa COVID-19, ngày này qua tháng khác anh em chúng tôi vẫn chưa gặp được nhau .

Vũ Trung Hương, mình quen cậu tự khi nào ?

Nhớ lại, năm 1980, Đoàn chúng tôi 4 anh em, tôi và Lê Đình Khuyến, Trưởng Phân xã Tp Hồ Chí Minh; Hùng Đào, Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp; Hồng Phối, Trưởng Phân xã Hà Nội được Bộ Biên tập TTXVN cử sang thăm và trao đổi nghiệp vụ với TASS theo Hiệp định hợp tác giữa TTXVN – TASS .

Vũ Trung Hương khi ấy là phóng viên Phân xã Matxcova. Anh đến khách sạn thăm chúng tôi. Dáng cao cao, kính trắng, mũ phớt, măng tô san, ca táp …ấn tượng trong tôi về một phóng viên làm việc ở nước ngoài .

Đoàn chúng tôi sắp đi thăm cố đô Snt. Petecbua (Leningrad), Litva …thì Hồng Phối bị cảm lạnh, phải gừi lại phân xã cùng bạn trông nom. Không biết có phải vì thế mà sau này Vũ Trung Hương – Hồng Phối thân nhau .

Vũ Trung Hương, mình “nhận ra“  cậu từ khi nào ?

Tôi đọc một loạt tường thuật, ghi nhanh sống động và hấp dẫn của anh từ Sân bay vũ trụ Baiconua. Tầu vũ trụ đưa phi hành gia Liên Xô lên Cung Trăng. Tôi đọc anh cùng những bài Nhà báo gạo cội Thép Mới cũng viết về sự kiện trọng đại này. Nghe kể lại, với tay nghề điêu luyện, Thép Mới ngồi ở Ks Matxcova nghe đài, đọc các báo và viết. Chắc là có điều gì bất khả kháng với ông nên cực chẳng đã phải vậy chăng?

&

Năm ấy, GS Đào Nguyên Cát được Hội Kinh Tế Việt Nam, cụ thể là GS Trần Phương, Chủ tịch Hội giao cho việc ra một tờ báo của Hội . Nhà ông Đào Nguyên Cát từ Lý Thường Kiệt qua Phan Huy Chú sang 11 Trần Hưng Đạo - nhà tôi , có mấy bước. Ông kéo tôi “vào cuộc“ . Tờ tuần báo lấy tên Thời báo Kinh Tế Việt Nam - Vietnam Economic Times. Công việc bắt đầu  “chạy “ thử số đầu tiên thì ông Đỗ Phượng biết chuyện cười khẩy: "Nhà thiếu chi việc mà cậu phải đi làm thuê !“. Biết ý thủ trưởng, tôi rút . Ông Đào Nguyên Cát nhờ tôi tìm người thay thế. Người đầu tiên tôi nghĩ tới là Vũ Trung Hương . Anh từ chối, sợ sếp Phượng là một lẽ, lẽ khác anh cũng đang “cày thuê" nên rất bận .

Tôi nhờ hai ông bạn cao tuổi hơn mình là ông Mai Thanh Hải. Ông Hải từ chối bằng một câu rất đắng , chẳng tiện viết ra. Tôi lại kéo được ông Đoàn Tần – tiền nhiệm (TBT tờ Tuần báo Khoa học -Kinh tế - Kỹ thuật Thế giới) của TBT Vũ Trung Hương ….

&

Nói chuyện ” bếp núc “ Tòa soạn một tờ báo với Vũ Trung Hương rất vui nhưng cũng hơi bị ngợp . Nhiều chuyện hay và thú vị, chỉ tiếc minh già “gác kiếm“ nghỉ hưu rồi, chứ nếu còn trẻ mới vào nghề thì học được những bài học hết ý !

Ngợp, bởi vì tôi chưa biết hết khối lượng – có thể nói là đồ sộ -công việc anh từng làm trong nghề báo ; thú thực kể không siết. Lúc đầu tôi chỉ biết sở trường của anh - “người đầu bếp“ – thư ký tòa soạn báo chí.

Thì ra “ về già mới ... vỡ lẽ ... ! “ 

37 năm trời làm việc ở một Hãng thông tấn Quốc gia, trừ bốn năm phóng viên thường trú nước ngoaì , một năm biệt phái phiên dịch cho lớp quản lý kinh tế của ông Việt Phương, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, 32 năm có lẻ mài đũng quần trên ghế biên tập viên với các chức trách: 14 năm Thư ký Tòa soạn, rồi Tổng biên tập Tuần Tin Khoa học & Công nghệ TTXVN.

Cái tội “ngoại tình“ của Vũ Trung Hương; Vũ Duy Thông- bạn tôi – còn phải gọi bằng “ sư huynh “ ! Tôi nhớ, có lần giao ban Bộ Biên tập, anh Đức Giáp, Phó Tổng Giám đốc nhắc khéo Vũ Trung Hương “chân trong chân ngoài “ “!”

Cày thuê cho một số tờ báo tuần, tạp chí, anh cũng “chức sắc“ đàng hoàng .

Cộng tác “ruột “ của mấy Nhà xuất bản báo Báo Lao động; Nhà Xuất bản - Hội Nhà Văn: NXB Văn hóa- Thông tin (Bộ VH-TT-DL). Ký hợp đồng dịch hơn 10 cuốn sách cho Nhà XB KH- KT, Vụ Tổng hợp Bộ LĐ- TB-XH.

Cộng tác hoặc tham gia Ban biên tập một số ấn phẩm đặc biệt : Bóng đá quốc tế 10 năm, Bốn mùa văn học (Hội Nhà Văn). Cùng Vũ Duy Thông soạn cuốn Kỷ lục (Guinness) thế giới .

Vũ Trung Hương tâm sự: Em phải nai lưng “cày thuê". Không làm thì sao giúp được 4 đứa em mồ côi ăn học và trả ơn mẹ vợ thời bao cấp không hộ khẩu, tem phiếu, nuôi 3 con học đại học ....., hả bác ?

Người làm nghề báo nói chung, nghèo !

Số ít giàu có, nhà lầu xe hơi .

Có hai con đường :

Thứ nhất, bằng tài năng, thực lực của mình .

Thứ hai, mánh mung, tống tiền, “ chạy " quảng cáo hoặc bị mua chuộc, bẻ cong ngòi bút .

Con đường thứ nhất thơm và sạch nhưng phải có tài. Bằng thực lực của mình Vũ Trung Hương đã đi con đường thứ nhất. Cũng có tiếng xì- xào thế này thế kia, song tôi nghĩ....đời người mấy ai chu toàn tuyệt đối .

&

Tuy không phải là người đầu tiên, nhưng suốt hơn 30 năm Tuần tin Khoa học và Công nghệ của TTXVN trưởng thành, phát triển, có thể nói Vũ Trung Hương là người Thư ký TS có thâm niên cao nhất .

Trong một bài báo, Tuần Tin Tức viết:

“ Người làm công tác phát hành của TTXVN không thể tưởng tượng nổi trong cơn khát thông tin của đọc giả, có thời kỳ Tuần tin KH-KT-KT thế giới (tiền thân của Tuần tin KH&CN) nhiều số phát hành tới 130.000 bản, hết vèo “ .

Chuyện trò lan man với Vũ Trung Hương, từ góc độ nghề nghiệp, tôi nghiệm ra rằng vai trò Thư ký Tòa soạn của một tờ báo rất quan trọng; cầu nối giữa người đọc với Tổng biên tập .

14 năm ngồi ghế Thư ký Tòa soạn Tuần tin Khoa học & Công nghệ -TTXVN, chưa kể nhiều năm làm TKTS cho một số tờ báo khác như Tạp chí Thế giới Ảnh, Báo Tiềm năng Việt của VCCI (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam). Có thể ví Nhà báo Vũ Trung Hương như người "Đầu bếp" tài ba .

Thư ký Tòa soạn - công đoạn quyết định chất lượng tờ báo

Có thể phản biện ? - Ông nói sao chứ ”có bột mới gột nên hồ" .

Chưa hẳn, xin thưa chất lượng hồ ra sao còn ở khâu gột ? Món ăn có thể ngon - vừa miệng, nhưng rất có thể “ trên sống dưới khê tứ bề nhão nhẹt “ ?

Bài vở nội dung hay, kịp thời đấy nhưng không được đặt đúng chỗ trên trang báo; vào thời điểm “đắt “ nhất thì giá trị bài báo cũng thấp. Thảng hoặc như tới phút chót, phát hiện vấn đề bài, ảnh bị “ phá sản ” , hoặc tình huống đặt ra cần chuyển ngay chủ điểm của số báo hôm sau thì phải có bài ảnh thay thế, tính toán sao đây ?

Thư ký TS – phải là người năng động vừa lanh, vừa tỉnh táo và tài ba ứng biến. Nhiều năm làm Thư ký Tòa soạn Tuần tin Khoa Học & Công Nghệ vững vàng, Vũ Trung Hương thăng tiến ngồi ghế Tổng Biên tập.

&

Về già , tôi lại “ nhận ra “ * anh một lần nữa – một Vũ Trung Hương bụi bặm đường xa …phớ lớ …tung tẩy chu du thiên hạ, từ Canada sang Cuba – Mỹ Latin qua Âu về Á … . đặt chân nhiều miền đất nước .

Trên Dòng thời gian “phây búc“ không mấy hôm vắng một Vũ Trung Hương “bụi“. Bụi từ cái mũ phớt trên đầu đến trang phục, dáng đi … Từ thế ngồi nâng vại bia, ly rượu đến nụ cười kiêu bạc có hàng ria mép ngậm píp … lâng lâng bỏ nhỏ mấy câu Kiều, đôi điều triết lý …

Một nhà báo họ Vũ trải nghiệm sự đời ! Một nhà báo họ Vũ chưa già; giàu vồn nghề, vốn sống cùng tri thức và thực lực của mình; anh vẫn đi cầy, vẫn gặt hái trên trang giấy …

Bỗng dưng nhớ câu hát kiêu bạc thời trai trẻ lên đường kháng chiến:

Những chàng trai chưa trang nợ anh hùng

Hồn mười phương phất cao cờ hồng thắm

Rách tả tơi rồi

đôi giày vạn dặm

bụi trường chinh

phai bạc áo hào hoa …

(Ca khúc Ngày về của NS Lương Ngọc Trác)

Với chúng mình - những người “ lính xung kích “ báo chí - bao giờ trang trải hết nợ nghề; dẫu rằng bụi đường xa phai bạc áo hào hoa … Vũ Trung Hương nhi ?

&

Vũ Trung Hương quê lúa Thái Bình. Cha anh , cày sâu cuốc bẫm trên đồng làng. Anh, “cày sâu cuốc bẫm“ trên trang báo.

Các Cụ ta xưa thường nói “con hơn cha, nhà có phúc“. Vũ Trung Hương hơn cha đã ra khỏi lũy tre làng , được học hành bài bản, làm nghề báo. Anh đã là người của công chúng bạn đọc, đi khắp bốn biển chân trời, trải nghiệm cuộc sống …

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thay đổi cuộc đời, số phận của mỗi chúng ta, gia đình chúng ta . Như câu hát của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “nhìn một người để thấy mọi người .. “ .

Tôi viết những dòng này vào dịp đất nước vào dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thắng lơi, nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và mấy hôm nữa thôi; Kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ đô Hà  Nội.

4 giờ sáng một ngày thu muộn, trong tiếng hát:

“ Trùng trùng quân đi như sóng “ tiến về

giải phóng Thủ đô .

Hà Nội , Chủ nhật. 3-10-2021

( Kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội. 10/10/1954 - 10/10/2021).