Nhà hàng, quán nhậu tung chiêu giữ khách sau Nghị định 100

Vũ Hải Anh

Từ ngày 1-1-2020, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực, các chủ nhà hàng, quán nhậu tất bật tung chiêu giữ khách.

Kể từ đầu năm ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực.

 

Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy, kể từ hôm nay, câu cửa miệng "đã uống rượu bia, không lái xe” sẽ chính thức được luật hóa.

Để giữ khách, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã tung các “chiêu” đảm bảo an toàn cho khách đến nhậu, hỗ trợ khách tuân thủ luật giao thông.

Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn tài xế. Ảnh: ANH HÀO

Đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà

Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ hệ thống nhà hàng quán ăn tại Sài Gòn cho biết tính từ ngày 2-2-2020, quán sẽ bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu.

Theo ông Tuấn, phụ thuộc vào lượng khách tới quán, sẽ có từ 3 đến 5 tài xế phục vụ và chi phí sẽ phụ thuộc vào quãng đường khách về. “Trong trường hợp khách đi ô tô đến quán mà đã sử dụng rượu bia, chúng tôi sẽ có tài xế lái xe chở khách về. Còn trong trường hợp khách có nhu cầu đi ô tô hoặc xe máy của nhà hàng, chúng tôi cũng bố trí phục vụ khách về nhà an toàn và tuân thủ luật giao thông” - ông Tuấn nói thêm.

Còn theo ông Thanh Tàu, chủ một nhà hàng tại đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP.HCM, trong thời gian tới, ông sẽ chủ động liên kết với các tài xế xe ôm công nghệ để đưa khách đã sử dụng rượu bia về tận nhà.

“Riêng xe của khách tới quán sẽ được nhà hàng bố trí chỗ giữ xe qua đêm để hỗ trợ khách” - ông Tàu cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo chủ một số nhà hàng quán ăn khác trên địa bàn TP.HCM, việc bố trí tài xế đưa đón khách đã sử dụng rượu bia cũng khá phức tạp, đặc biệt khi khách đi ô tô mà quán bố trí tài xế đưa khách về, nếu xảy ra sự cố hay mất tài sản thì rất dễ xảy ra xích mích hay hơn thế nữa.

Hỗ trợ chi phí thuê xe về sau khi sử dụng rượu, bia

Tại một nhà hàng ở đường Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ nhà hàng đã treo biển thông báo về dịch vụ mới. Nội dung tấm bảng có ghi: "Đã uống rượu bia - không lái xe. Hỗ trợ đến 100.000 đồng đưa về nhà". Tấm bảng được treo lên đã thu hút được sự chú ý của nhiều người đến quán.

Trao đổi với Lao Động, chị Phạm Thị Thanh Thủy - Tổng quản lý chuỗi nhà hàng này cho biết, khách hàng đến với nhà hàng thời gian gần đây có sự chuyển biến theo hướng tích cực, đa phần, khách nhậu đi xe ôm hoặc taxi, chứ không đi xe cá nhân như trước. Khách hàng vào quán sẽ được nhân viên quán tư vấn về dịch vụ đưa về tận nhà nếu đã uống bia rượu.

Nhà hàng này hỗ trợ đến 100.000 đồng cho khách về nhà. Ảnh: C.N

"Khi trong người đã có "hơi men", chắc chắn khách sẽ không làm chủ được tay lái và tốc độ, cho nên nhà hàng đã bố trí bãi gửi xe miễn phí cho khách nhậu say gửi qua đêm và hỗ trợ tiền cho khách về nhà an toàn.

Theo đó, chúng tôi có thiết lập một mã giảm giá 50% cho khách trên ứng dụng gọi xe Grab. Khách chỉ cần nhập mã khuyến mãi của nhà hàng (cả chiều đi và chiều về) sẽ được giảm nửa tiền cuốc xe, số tiền cao nhất đến 100.000 đồng", chị Thủy cho biết.

Các mức phạt lái xe có nồng độ cồn

Theo Nghị định 100/2019, các mức phạt dành cho các tài xế uống rượu, bia như sau:

Đối với người điều khiển xe đạp:

Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy:

Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Đối với ô tô:

Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).

Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.

Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.