Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Tây Ban Nha (kỳ 2)

Văn học Tây Ban Nha bao gồm các thể loại văn học như thơ, văn xuôi và kịch, trong đó nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng thế giới.

Nhà văn cổ điển Cervantes Saavedra Miguel de
Nhà văn cổ điển Cervantes Saavedra Miguel de

Cervantes Saavedra Miguel de (1547-1616) là nhà văn cổ điển lớn nhất của Tây Ban Nha, một đỉnh cao của văn học thế giới. Tác phẩm chính: Don Quijote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha.

Don Quijote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha (phần 1 xuất bản năm 1605, phần 2 năm 1615) là tiểu thuyết hiện thực phê phán, trở thành mẫu mực thể loại này trên thế giới và có một giá trị nhân văn lớn.

Tác phẩm Don Quijote nhại và giễu cợt thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ đương thời đề cao những ảo vọng về danh dự, anh dũng, đạo lý của tầng lớp hiệp sĩ, không còn được ai tin tưởng trong một nước Tây Ban Nha phong kiến suy tàn.

Truyện kể về một nhà quý tộc nông thôn, gầy gò, cao lênh khênh, tốt bụng và có nhân phẩm. Ông ta đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ, đến mức loạn trí, tự cho mình có nhiệm vụ đem gươm đi khắp thiên hạ để làm việc nghĩa.

Ông lấy tên là Don Quijote de la Mancha và nhận lễ thụ phong hiệp sĩ. Người phong tước cho ông là một tay chủ quán (ông tưởng quán của y là một tòa lâu đài). Ông chọn một cô thôn nữ làm “Phu nhân lý tưởng” để tôn sùng (theo tục lệ hiệp sĩ) và đặt tên cô là Dulcinea.

Ông ra đi và nếm đủ nỗi gian truân. Có lần, ông gây sự với một bọn lái buôn, bị chúng đánh cho một trận. Ông phải trở về nhà. Vẫn hăng hái, ông mộ một nông phu là Sancho Panza làm bầy tôi, hứa sẽ phong cho hắn làm thái thú mảnh đất nào họ sẽ chiếm được. Don Quijote cưỡi con ngựa Rocinante gầy còm cùng Sancho Panza cưỡi lừa, đi chu du thiên hạ.

Đầu óc ngông cuồng của Don Quijote tưởng tượng ra đủ thứ. Ông đánh nhau với cối xay gió, tưởng đó là bọn khổng lồ, bị cánh quạt tung cả người lẫn ngựa lên không. Ông đánh lung tung vì tưởng đàn cừu là quân sĩ, tưởng người nô lệ là những nhà quý tộc bị hành hạ.

Cuối cùng, mấy nhà quý tộc thích đùa, tặng cho Sancho Panza danh hiệu thái thú một hòn đảo tưởng tượng. Còn Don Quijote thì bị một sinh viên đóng giả làm hiệp sĩ Bạch Nguyệt đánh bại. Ông vỡ mộng, trở về quê. Trước khi chết ít lâu, ông không đọc tiểu thuyết hiệp sĩ giang hồ nữa.

Ngoài giá trị đương thời (chống lại loại tiểu thuyết trên, chống lại nhà thờ Thiên Chúa giáo và một số chính sách xã hội Tây Ban Nha thế kỷ XVII), Don Quijote còn có giá trị nhân văn sâu sắc, cặp chủ tớ Don Quijote-Sancho Panza đối lập tính cách, lý tưởng hóa hào hiệp viển vông, với tính chất thực tế, khôn ngoan của tính cách Tây Ban Nha nói riêng, của mỗi con người bình thường nói chung.

Có thể Don Quijote là câu chuyện tiêu biểu về một con người lý tưởng rơi vào một xã hội thực dụng. Don Quijote đã được nhiều lần lấy làm đề tài kịch và phim.

***

Echegara Y Yeizaguirre (1832-1916) là tác giả sân khấu (lãng mạn, đề tài hiện thực) và chính khách. Ông được Giải thưởng Nobel Văn học năm 1904. Tác phẩm chính: Miệng lưỡi thế gian (1881).

Miệng lưỡi thế gian là vở kịch được coi là tác phẩm nổi trội nhất của Echegara. Ông thể hiện những đề tài hiện thực (mâu thuẫn có tính chất xã hội và đạo lý) bằng kỹ thuật lãng mạn mới. Miệng lưỡi thế gian lên án miệng lưỡi thế gian, những kẻ ngồi rồi bịa chuyện gây nên tai họa. Nhân vật chính là thiếu phụ Teedera xinh đẹp và đức hạnh.

Hai vợ chồng Teedera có một người con nuôi là Ernesto tuổi khoảng hai mươi, tâm hồn lãng mạn. Ernesto mê mẹ nuôi, nhưng Teedera rất đứng đắn. Những người xung quanh, nhất là họ hàng nhà chồng nói ra nói vào, khiến cho chồng Julian sau cũng tin là vợ mình có tình ý với con nuôi.

Có một tử tước công khai vu cho Teedera; Ernesto đòi đấu gươm với hắn. Chồng Teedera can thiệp, đứng ra đấu gươm bảo vệ danh dự cho vợ, chồng Teedera bị thương chết. Thiên hạ càng đinh ninh là Teedera có quan hệ bất chính với Ernesto, cuối cùng, Ernesto và Teedera lấy nhau, chính do miệng lưỡi thiên hạ đẩy họ đến hành động ấy.

***

Sender Ramon Jose (1902-1982) là nhà văn viết tiểu thuyết hiện thực và biểu tượng về tự do, về số phận con người, về chiến sĩ cách mạng (lưu vong). Tác phẩm chính: Vua và hoàng hậu (1947).

Vua và hoàng hậu là tiểu thuyết vừa hiện thực, vừa biểu tượng của Sender. Trong cuộc nội chiến, khi nhân dân thủ đô Mandrid nổi dậy, một vị hầu tước bỏ trốn, vợ ở lại, trốn trong một căn buồng, được người làm vườn Romulo bảo vệ. Romulo đã nhìn thấy cô chủ tắm truồng trong bể bơi và đâm mê cô ta, mặc dù biết cô khinh mình là kẻ tôi tớ.

Anh thấy cô lén lút tiếp khách ban đêm, rình bắt: té ra đó chính là chồng cô. Hầu tước bị dân quân bắn. Cô chủ lợi dụng tình yêu của Romulo để tìm cách trốn đi. Lúc sắp thành công thì cô lại ở lại, vì cô đã yêu Romulo và không muốn Romulo có nguy cơ bị giết, nhưng rồi chính cô lại bị giết.

Tác giả muốn chứng minh là trong những hoàn cảnh đặc biệt, con người trở về bản chất thực của mình, vượt ra ngoài các ước lệ xã hội. Vua tượng trưng cho con người, Hoàng hậu là ảo mộng, lý tưởng.