Nhiều nước mở cửa kinh tế thận trọng, sẵn sàng “sống chung với Covid-19”

Trong khi nhiều nước vẫn tích cực đẩy nhanh công tác tiêm chủng, duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, thì nhiều thành phố lớn trên thế giới đã bắt đầu thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế, sẵn sàng cho tâm thế “sống chung với Covid-19”.

kinh tế thận trọng, chấp nhận “sống chung với Covid-19”" data-url="https://vov.vn/sites/default/files/2021-08/30-08%20C%C3%A1c%20nuoc%20mo%20cua%20kinh%20te%20than%20trong.mp3" id="audio8799cc99-af0e-47c9-a718-2a796e68d13b" style="text-align: justify;"> 

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì dịch Covid-19. Ấn Độ dẫn đầu thế giới về ca mắc mới trong khi Nga - ổ dịch lớn thứ 4 thế giới - lại đang đứng đầu về ca tử vong mới. Mặc dù số ca mắc mới ở Nga đang trên đà giảm, số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi lại đang có xu hướng tăng lên mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 800 bệnh nhân tử vong, đứng đầu thế giới trong ngày.

Australia ngày 29/8 chứng kiến kỷ lục buồn về số ca mắc mới trong ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát hồi năm ngoái, với tổng cộng 1.324 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng vừa được ghi nhận. Trong khi, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau nhằm giảm bớt lo ngại về nguồn cung giữa lúc các bệnh viện tại nước này đều đang trong tình trạng quá tải và với tình hình đáng báo động hiện tại, khó để dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại 21/47 tỉnh thành theo đúng kế hoạch.

Tình trạng gia tăng mạnh ca mắc mới ở nhiều nước hiện nay chủ yếu được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta siêu lây nhiễm. Ngoài "cơn ác mộng" mang tên Delta đang khiến công tác kiểm soát dịch bệnh ở nhiều quốc gia gặp khó, Bộ Y tế Nam Phi lại vừa gửi cảnh báo đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự xuất hiện của biến thể mới đáng quan tâm C.1.2 có khả năng kháng vaccine mạnh hơn so với những biến thể trước đây.

Hiện tại, tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca mức Covid-19 nhất thế giới, xếp sau là châu Âu. Tiếp đến là Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Châu Phi và châu Đại Dương là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.

Trước khả năng lây nhiễm nhanh và mạnh của biến thể Delta, nhiều nước tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch. Các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cách ly theo hướng dẫn và làm việc ở nhà ngày càng phổ biến. Vaccine đến nay vẫn được coi là thứ vũ khí hữu hiệu nhất nhằm sớm đưa người dân các nước trở lại nhịp sống bình thường.

Nhằm tăng hiệu quả bảo vệ dài lâu của vaccine, Bộ Y tế Israel ngày 29/8 thông báo mở rộng chương trình tiêm bổ sung liều vaccine Covid-19 thứ 3 cho mọi công dân từ 12 tuổi trở lên nếu có nhu cầu.

Giám đốc Y tế công cộng Israel Sharon Alroy Preis cho biết: “Liều thứ 3 mang lại mức độ bảo vệ tương đương liều thứ 2 khi mới được tiêm. Điều đó có nghĩa là, mọi người được bảo vệ gấp 10 lần sau liều vaccine Covid-19 thứ 3”.

Singapore ngày 29/8 cán mốc 80% dân số tiêm đủ liều vaccine, cũng đang cân nhắc xúc tiến chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và chủng ngừa cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022. Trong khi đông đảo dân số đã được chủng ngừa, chính phủ nước này nhấn mạnh cần thiết phải duy trì chính sách mở cửa nền kinh tế để giữ vững vị thế của quốc đảo sư tử này là trung tâm tài chính toàn cầu. Dự kiến nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch được triển khai trở lại.

Cũng chung mục tiêu như Singapore, Mexico đang duy trì chính sách biên giới mở để tận dụng lợi ích kinh tế từ du lịch, sản xuất và thương mại. Số hóa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và ngân hàng, cũng giúp Mexico giải quyết các lỗ hổng về cơ cấu tài chính cũng như gặt hái những lợi ích nhất định từ các xu hướng kinh tế toàn cầu mới.

Nhờ hiệu quả rõ rệt từ chiến dịch tiêm chủng vaccine, nhiều thành phố lớn khác trên thế giới cũng đang chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19, dần mở lại các hoạt động kinh doanh có kiểm soát như thành phố New York (Mỹ) hay thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Tuy nhiên kế hoạch hồi sinh kinh tế của các nước vào thời điểm này vẫn được giới chuyên gia nhận định là đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Theo các nhà quan sát, lộ trình chuyển đổi cần thực hiện một cách cẩn trọng, từng bước một, dựa trên đánh giá từ mọi góc độ về tình hình dịch bệnh để cân bằng giữa vấn đề sức khỏe và các hoạt động thường nhật, mà vẫn đảm bảo không để đại dịch có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ các nước./.