Nhịp cầu nối những bờ vui

Nhạc sĩ Văn An có Đường lên Tây Bắc, Đôi dép Bác Hồ và đặc biệt là Nhịp cầu nối những bờ vui tình tứ, tươi sáng vô cùng. Ngoài đời NS Văn An dáng cao lớn, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dễ gần.

Nhạc sĩ Văn An có Đường lên Tây Bắc, Đôi dép Bác Hồ và đặc biệt là Nhịp cầu nối những bờ vui tình tứ, tươi sáng vô cùng. Ngoài đời NS Văn An dáng cao lớn, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dễ gần.

Công ty của ông cháu rể tôi đang xây một số cầu cống ở Miền Tây. Biết tôi đang phôi thai một bài hát về Vĩnh Long để tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc, cháu bảo ông đi với cháu một chuyến về đó, nghe người Vĩnh Long hát, xem người Vĩnh Long múa, hát thử cho người Vĩnh Long nghe…

Thế là lên đường rong ruổi về sông Tiền, sông Hậu. Qua mỗi cây cầu cháu đều kể về lai lịch con sông cũ, bến phà xưa. Những chuyến phà bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên đang dần dần được thay thế bởi những nhịp cầu nối đôi bờ... Tôi tỏ ý muốn nghe “Nhịp cầu nối những bờ vui”. Cháu liền bật nhạc và trên xe vang lên câu hát “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo…”

Tôi kể cho mọi người nghe về nhạc sĩ Văn An, tác giả của bài hát đáng yêu này. Đài TNVN trước đây có 2 chương trình văn nghệ dành cho quân đội. Nhạc sĩ Thanh Phúc phụ trách chương trình Chiến sĩ ca hát tối thứ bảy, Nhạc sĩ Văn An thì chỉ đạo chương trình ca nhạc chuyên nghiệp tối chủ nhật.

Thời bấy giờ, được gặp tác giả của những ca khúc nổi tiếng với chúng tôi là niềm vinh hạnh lớn. Anh Văn An có Đường lên Tây Bắc, Đôi dép Bác Hồ và đặc biệt là Nhịp cầu nối những bờ vui tình tứ, tươi sáng vô cùng. Ngoài đời NS Văn An dáng cao lớn, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dễ gần.

Mọi người hỏi: Nhạc sĩ Thanh Phúc có bài gì hay không? Nhiều bài hay chứ! Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi, Bài ca xây dựng, Hà Giang quê tôi… Bài Người Mèo ơn đảng của anh là tiết mục đinh của tốp nữ đội văn nghệ sư đoàn 391 chúng tôi những năm làm đường Tây Bắc.

Năm ấy, NS Thanh Phúc đến xem Hội diễn Binh đoàn Trường Sơn và kết ngay chương trình của chúng tôi. Anh quyết định mời toàn đội đến Đài TNVN ở 58 Quán Sứ thu thanh. Khỏi nói chúng tôi sướng đến mức nào. Thời ấy, để thu hoàn chỉnh một bài hát thật là vất vả. Cứ nhỡ hát sai một chữ hay đánh sai một nốt nhạc là phải làm lại từ đầu, không như bây giờ chưa được câu nào chỉ việc thu lại câu ấy nối vào phần đã thu trước…

Xong việc, anh mời tất cả đến nhà anh chơi. Tôi nhớ mãi ngôi nhà số 105 Yên Phụ, là nơi vợ anh và em gái chị là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh ra và lớn lên. Chúng tôi ra sau vườn, tận tay vin cành, bứt lá từ "Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa" trong bài thơ Hương thầm nổi tiếng... Những năm học Nhạc viện, tôi hay đưa người yêu đến chơi nhà anh. Anh biết hết những trắc trở mà chúng tôi gặp phải. Vì thế anh bảo, nếu sinh con gái thì đặt tên là Thương Hoài, để mà thương hoài thương mãi nhé!

Nhạc sĩ Văn An ra đi đã gần chục năm rồi, anh không bao giờ còn có thể "ngồi trên cầu thổi sáo đón em" được nữa. Tất cả lặng đi khi nghe tôi hát câu vọng cổ: “Đèn treo bến Bắc, gió hắt ngọn đèn tàn, ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang, có thương có nhớ gã đánh đàn năm xưa?"

Mời bạn cùng nghe lại “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An (phổ thơ Phan Văn Từ). Thưa anh Văn An, hôm nay em đã rất nhớ về anh, “gã đánh đàn năm xưa” mà em ngưỡng mộ.